📞

Ngoại giao Việt Nam 2017: Thành công trong biến động

07:00 | 16/02/2018
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng dù thế giới năm qua có nhiều biến động nhanh và khó lường, song Việt Nam vẫn hoàn thành nhiệm vụ đối ngoại một cách xuất sắc.
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan

Năm 2017 là quãng thời gian đầy sóng gió và biến động của tình hình thế giới. Cạnh tranh giữa các nước lớn, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy mang màu sắc dân tộc, sự va chạm giữa xu thế toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ, biểu hiện của xu hướng chia tách ở một số quốc gia, căng thẳng ở một số khu vực… đặt ra không ít thách thức đối với các nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Ngoại giao Việt Nam năm qua vẫn “vững tay chèo”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên cả lĩnh vực ngoại giao song phương lẫn đa phương.

Bức tranh quốc tế tối màu

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, những biểu hiện bất định của năm 2017 cho thấy sự chuyển mình của thế giới từ cục diện này sang cục diện khác. Hình hài của cục diện cũ chưa mất hẳn, vẫn tiếp tục vận động, nhưng cục diện mới đang trong quá trình hình thành. Sự va đập của hai trạng thái này tạo nên sự rung lắc mạnh, dẫn đến biến chuyển nhanh và khó lường trong tình hình thế giới.

Một trong những chuyển động lớn liên quan tới mối quan hệ giữa các nước lớn, nhất là tam giác Mỹ - Trung - Nga, trong đó mối quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh Mỹ - Trung khá nổi trội, phản ánh sự chuyển dịch sức mạnh giữa các quốc gia “cũ” và “mới nổi”.

Đại hội lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc họp hồi tháng 11 không chỉ kiểm điểm giữa hai nhiệm kỳ, mà còn nhìn lại toàn bộ lịch sử từ ngày nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, đồng thời vạch ra định hướng chiến lược tới năm 2049, kỉ niệm 100 năm lập quốc. Thời gian tới, Bắc Kinh sẽ tiếp tục mục tiêu hiện thực hóa Giấc mơ Trung Hoa thời đại mới, xây dựng quân đội hùng mạnh, đưa đất nước trở thành trung tâm của thế giới.

Đúng một tháng sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) mới, vạch ra tầm nhìn và hướng đi cho xứ cờ hoa trong tương lai. So với những lần trước, NSS năm 2017 vẽ lên một bối cảnh thế giới tương đối bi quan, khi lợi ích quốc gia của Mỹ bị đe dọa về nhiều mặt.

Xuất phát từ tư tưởng “nước Mỹ trên hết”, Washington đề ra bốn mục tiêu chiến lược: Bảo vệ đất nước và người dân Mỹ; thúc đẩy sự thịnh vượng quốc gia; giữ vững hòa bình thông qua sức mạnh và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của nước Mỹ. Một đặc điểm khác của NSS dưới thời ông Trump so với người tiền nhiệm Obama là việc chỉ đích danh năm “đối thủ” của Mỹ, trong đó có Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Iran và mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố. NSS “đổ tội” Trung Quốc “tìm cách thay thế Mỹ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, sắp xếp lại trật tự khu vực theo hướng có lợi cho họ”, đồng thời chỉ ra những hoạt động của Trung Quốc trong các lĩnh vực khác nhau, nhất là về kinh tế ở nhiều khu vực trên thế giới.

Bên cạnh đó, nhiều điểm nóng trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, xung đột ở Trung Cận Đông, còn tình hình Biển Đông thì vẫn như “cái phích nước: ngoài nguội, trong nóng”.

Song phương vượt khó

Trước cục diện này, Ngoại giao Việt Nam đã nỗ lực điều chỉnh và đẩy mạnh quan hệ với nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và các nước ở châu Âu, phù hợp với những thay đổi của tình hình.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (ngồi thứ nhất từ trái sang) tại một Đối thoại trong khuôn khổ Năm APEC 2017 tại Việt Nam.

Trong quan hệ với Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên gặp Tổng thống Donald Trump ở Nhà Trắng. Việt Nam cũng thành công trong việc vận động Mỹ cùng các nước thành viên khác tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tháng 11/2017 ở cấp cao nhất. Đáng chú ý, ông Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm chính thức Việt Nam ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ. Hai bên đã đi tới sự hiểu biết chung và thỏa thuận trên nhiều vấn đề.

Đối với Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp thông qua các hoạt động song phương quan trọng như chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1/2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang sang Trung Quốc (5/2017) và chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Với Nga, chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Đà Nẵng đã tạo thêm xung lực mới cho mối quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga đang trên đà phát triển thuận lợi.

Quan hệ Việt - Nhật năm qua cũng có nhiều tiến triển mạnh mẽ. Đặc biệt, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko tới Việt Nam. Sự kiện này là dấu mốc lớn trong hành trình hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương năm 2018.

Đa phương “được mùa”

Năm 2017 là một năm ngành Ngoại giao Việt Nam “gặt” được nhiều “quả ngọt”. Trong số đó, “quả ngọt” lớn nhất của đối ngoại Việt Nam nói chung và ngoại giao đa phương nói riêng là tổ chức thành công năm APEC 2017, với hơn 200 cuộc họp lớn nhỏ, mà đỉnh cao là Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Với tư cách chủ nhà, chúng ta đã vượt qua nhiều thách thức do những biến động của thế giới gây ra, đưa lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên ngồi lại với nhau tại Đà Nẵng, đồng thời đi tới nhận thức chung trên nhiều vấn đề, kể cả những nội dung có khác biệt lớn và đưa ra Tuyên bố Đà Nẵng với sự đồng thuận cao. Kết quả này cũng “hà hơi tiếp sức” cho Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khẳng định và duy trì xu hướng tự do hóa thương mại – đầu tư toàn cầu. Có thể nói, việc Tuần lễ cấp cao APEC thành công tốt đẹp đã nâng cao mạnh mẽ vị thế của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu về kinh tế đối ngoại thời gian qua. Các báo cáo trong Hội nghị Tổng kết của Chính phủ ngày 28/12 cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức 400 tỷ USD, xuất siêu 3 tỷ USD, vốn Đầu tư Nước ngoài (FDI) tăng 6 tỷ USD so với năm 2016.

Ngoại giao văn hóa của chúng ta năm qua cũng đạt được nhiều bước tiến đáng ghi nhận. Lượng khách du lịch tới Việt Nam ở mức cao kỷ lục, đạt con số 13 triệu người. Chúng ta cũng vinh dự có thêm hai di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Hát Xoan và nghệ thuật Bài Chòi.

Với những kết quả như vậy, có thể nói, 2017 là một năm thành công của đối ngoại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới biến chuyển khó lường. Năm 2018, khi “ván bài đã lật ngửa”, các chính quyền mới dần đi vào quỹ đạo, hy vọng tình hình thế giới có thể sẽ lắng dịu hơn phần nào. Mong rằng đây sẽ là điều kiện thuận lợi để ngành Ngoại giao Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế quốc tế, tiếp tục đóng góp vào quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

(ghi)