Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc, tháng 8/2024. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Với các quốc gia trên thế giới, không phân biệt thể chế chính trị, trình độ phát triển, đối ngoại là hoạt động không thể thiếu, có quan hệ hữu cơ, tác động lẫn nhau với đối nội, như hai cánh của một con chim, tạo thế và lực cho nhau; đóng góp to lớn vào xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Ngoại giao trong các triều đại phong kiến
Xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước Việt Nam là cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập, bảo vệ bản sắc, sự tồn vong của dân tộc. Trong cuộc đấu tranh trường kỳ đó, ngoại giao lĩnh sứ mệnh duy trì mối bang giao với các quốc gia, dân tộc khác; ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xâm chiếm; giữ bình yên xã tắc, bảo vệ vững chắc bờ cõi, gìn giữ nền độc lập, chủ quyền đất nước.
Nhờ ngoại giao mềm dẻo, triều đại Nhà Lý không chỉ ngăn chặn ý đồ xâm lược của Triều Tống mà còn đòi lại vùng đất Quảng Nguyên (Thuận Châu) năm 1079 và sáu huyện, ba động năm 1084.
Với chủ trương “đánh vào lòng người, không chiến mà thắng”, các bức thư dụ hàng của Nguyễn Trãi có sức mạnh muôn vạn người, khiến mười vạn quân Vương Thông chấp thuận cầu hòa, rút về nước. Nhà Minh phải trả đất, công nhận nền độc lập của Đại Việt.
Nhà Trần ba lần đánh bại quân Nguyên – Mông, vẫn kiên trì chính sách ngoại giao mềm dẻo với phương Bắc, giữ vững Vương triều trong 175 năm.
Sau khi đánh bại quân Thanh, Ngô Thì Nhậm, nhà ngoại giao lỗi lạc trong lịch sử dân tộc, đã thể hiện xuất sắc tư tưởng “Bang giao hảo thoại” của Vua Quang Trung; chủ động tiến công ngoại giao, ngăn chặn âm mưu báo thù, khiến phong kiến phương Bắc chấp nhận giảng hòa, trả lại bảy châu xứ Hưng Hóa, công nhận Vương triều Tây Sơn.
Vài trong nhiều sự kiện cũng đủ để khẳng định, ngoại giao thời phong kiến góp phần to lớn vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giữ cho dân tộc trường tồn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tháng 7/2024. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Nền ngoại giao cách mạng Việt Nam
Cách đây tròn 79 năm, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Chính phủ lâm thời, trong đó có Bộ Ngoại giao. Thấu hiểu vai trò của ngoại giao, Người kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên; ban hành nhiều quyết định, chỉ thị, đề ra và chỉ đạo thực hiện các sách lược, quyết sách táo bạo, bản lĩnh và khôn khéo. Kế thừa truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng, trực tiếp chỉ đạo, định hướng cho sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Không lâu sau khi ra đời, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, Tạm ước 14/9/1946, nước cờ ngoại giao kỳ tài nhằm phân hóa kẻ thù, trì hoãn, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, dành thời gian quý báu chuẩn bị kháng chiến nếu kẻ thù quyết xâm lược và tiên phong trong vận động các nước công nhận, ủng hộ nền hòa bình, độc lập của Việt Nam.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngoại giao được xác định là “một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược”, thực hiện “vừa đánh vừa đàm”, ký kết Hiệp định Geneva 1954 và Hiệp định Paris 1973, tạo bước ngặt, cục diện chiến lược thuận lợi để kết thúc chiến tranh trong điều kiện có lợi, hạn chế bớt tổn thất.
Sau khi chiến tranh kết thúc, ngoại giao lĩnh trọng trách nòng cốt, tạo lối, mở đường phá thế bao vây, cấm vận kinh tế, cô lập chính trị; bình thường hóa quan hệ với các nước lớn, gia nhập Liên hợp quốc, ASEAN…
Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có những đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại, ngoại giao; thể hiện trên những kết quả nổi bật sau:
Một là, đối ngoại, ngoại giao đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị, tạo nên cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới của đất nước.
Hai là, đối ngoại, ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực, phát huy vai trò tiên phong trong tạo và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Ba là, đối ngoại, ngoại giao và hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn là, đối ngoại, ngoại giao đã góp phần to lớn nâng cao vai trò, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; để Việt Nam đóng góp tích cực và đầy trách nhiệm vào việc giữ gìn hòa bình, hợp tác, phát triển và tiến bộ của thế giới.
Với những thành tựu, đóng góp như vậy, nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam đã góp phần quan trọng để, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ, đại biện các nước ASEAN, tháng 6/2024. (Nguồn: Đại biểu nhân dân) |
Vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới
Đại hội XIII của Đảng xác định đối ngoại, ngoại giao giữ vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững hòa bình và ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam. Đối ngoại, ngoại giao tiên phong trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; kiến tạo cơ hội để thúc đẩy và bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc; tiên phong trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, gắn kết sức mạnh cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước.
Đường lối của Đảng định hướng phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc là xây dựng và gắn kết chặt chẽ giữa nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; nền quốc phòng toàn dân vững mạnh và nền ngoại giao độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Như vậy, đối ngoại, ngoại giao là công tác, hoạt động thường xuyên, gắn với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo và giữ môi trường hòa bình, ổn định, sự phát triển giàu mạnh của đất nước, sự vững chắc của Tổ quốc, những nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia, dân tộc.
Hiện nay và trong những năm tới, thách thức nhiều hơn so với dự báo và có những thách thức mới, chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi chúng ta tiếp tục đổi mới tư duy về đối ngoại, ngoại giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại Hội nghị thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, kiên định hệ quan điểm chỉ đạo; nghiên cứu lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tiếp tục đổi mới, bổ sung, phát triển đường lối, tầm nhìn, định hướng và các giải pháp lớn.
Một trong những quan điểm, định hướng lớn là khẳng định: Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng – an ninh là trọng yếu, thường xuyên; đồng thời nghiên cứu bổ sung về vai trò của đối ngoại, ngoại giao là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.
Tổng kết lý luận, thực tiễn trong 40 năm đổi mới, dự báo tương lai và những phân tích trên chứng tỏ quan điểm mới về vai trò nhiệm vụ đối ngoại, ngoại giao là có cơ sở lý luận và thực tiễn; chứa đựng cả hai thuộc tính cơ bản là trọng yếu và thường xuyên, sát và phù hợp hơn với tình hình mới. Đồng thời, tạo sự đồng bộ, gắn kết, phát huy mối quan hệ biện chứng giữa ba nhiệm vụ, lĩnh vực chiến lược: Quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Xác định vai trò, nhiệm vụ theo quan điểm mới là cơ sở để đầu tư nguồn lực quốc gia, định hướng xây dựng, phát triển nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Như vậy sẽ tạo động lực, sức mạnh, vị thế cao hơn cho đối ngoại, ngoại giao; tương xứng với thế và lực ở tầm cao mới của đất nước; phát huy cao hơn vai trò tiên phong, góp phần to lớn hơn, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn mới.
* * *
Chặng đường 79 năm xây dựng, phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam là một hành trình phấn đấu bền bỉ, liên tục, không ngưng nghỉ của các thế hệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; luôn đồng hành và phụng sự quốc gia, dân tộc, vươn tới những đỉnh cao. Hành trình đó như một dòng sông bắt nguồn từ đất mẹ, quy tụ nhiều sông suối, lớn dần, chảy mãi, mạnh mẽ vượt mọi thác gềnh, hòa vào biển cả, hội thành sức mạnh vô cùng to lớn.
Truyền thống anh hùng, lòng tự hào, nhận thức, tư duy mới là động lực, sức mạnh để đối ngoại, ngoại giao kế thừa, phát huy truyền thống, góp phần xứng đáng thực hiện hai mục tiêu lớn: Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
| 79 năm Ngoại giao Việt Nam: Phát huy truyền thống vẻ vang, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của đất nước Báo Thế giới và Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng ... |
| Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao Nhân dịp kỷ niệm 79 năm thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2024), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại ... |
| Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào điện đàm thúc đẩy quan hệ hai nước Sáng ngày 27/8, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã điện đàm trực tuyến với Phó ... |
| Ngoại giao Việt Nam đóng góp thúc đẩy hợp tác quốc tế phát triển công nghệ bán dẫn và AI Ngày 23/7, Bộ Ngoại giao phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo "Xu thế phát triển công nghệ bán ... |
| Tọa đàm ‘Chuyện ngành, chuyện nghề ngoại giao’: Những món quà tinh thần dành cho cán bộ trẻ Trong hơn 3 tiếng đồng hồ, các cán bộ trẻ, sinh viên Học viện Ngoại giao đã được lắng nghe các nhà ngoại giao kỳ ... |