📞

Ngoại trưởng Indonesia: Vấn đề Biển Đông, Myanmar sẽ là các chủ đề thảo luận nổi bật tại Cấp cao ASEAN 43

Vy Anh 20:11 | 03/09/2023
Trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã chia sẻ những điểm nhấn quan trọng sẽ được đề cập trong cả đối nội và đối ngoại của ASEAN.
Logo ASEAN 2023 được treo tại phòng Hội thảo tại Khách sạn Padma Hotel Semarang ở Trung tâm Java ngày 17/8. (Nguồn: Jakarta Post)

Các tiếp cận bao trùm

Trao đổi với tờ The Jakarta Post ngày 30/8, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết, các cuộc thảo luận về những thách thức mới cả bên trong lẫn bên ngoài đang chờ đợi Indonesia - Chủ tịch ASEAN 2023 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 lần này.

Theo Ngoại trưởng Indonesia, trọng tâm của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia là Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 5-7/9 tại Jakarta.

Hội nghị hứa hẹn sẽ có một loạt cuộc họp và hơn 60 văn kiện được thông qua, chào đón các nhà lãnh đạo của ít nhất 9 quốc gia thành viên ASEAN và Timor-Leste với tư cách quan sát viên, cũng như các nhà lãnh đạo hàng đầu của 9 nước đối tác đối thoại.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo của Bangladesh và quần đảo Cook - lần lượt là Chủ tịch Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) và Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) - dự kiến tham dự hội nghị, qua đó nhấn mạnh cách tiếp cận bao trùm của Indonesia trong việc thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết, một trong các vấn đề nổi bật của các hội nghị lần này là cuộc đàm phán hiện nay về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông.

Bà Retno nói: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu vấn đề Biển Đông xuất hiện trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) hoặc Hội nghị cấp cao ASEAN. Đây không phải là vấn đề mới đối với chúng tôi”. Tại Hội nghị AMM trước đó hồi tháng 7, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí "các hướng dẫn nhằm đẩy nhanh đàm phán về COC", như được nêu trong thông cáo chung của hội nghị.

Chương trình nghị sự của chuỗi Hội nghị cấp cao ASEAN lần này cũng bao gồm kế hoạch xem xét việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm (5PC) của ASEAN về Myanmar.

Bà Retno thừa nhận, kỳ vọng giải quyết cuộc khủng hoảng này trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Indonesia là “quá lớn”, song khẳng định, ASEAN sẽ giữ nguyên 5PC làm nguyên tắc chỉ đạo để giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia nói: “Bản thân 5PC sẽ không bị xem xét lại. Chúng tôi sẽ xem xét việc thực hiện nó: Liệu nó có đạt được tiến bộ nào không; nếu không thì tại sao. Điều này sẽ được thảo luận tại AMM và chắc chắn sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN thảo luận”.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Retno cũng giải thích lý do tại sao cả Tổng thống và bản thân bà đều không đến Myanmar để hòa giải. Bà cho biết: “Rất dễ để đi đến đó. Nhưng chúng ta phải hỏi việc đi như vậy có ý nghĩa gì và điều đó sẽ đạt được kết quả gì. Chúng tôi không thể làm điều gì đó phản tác dụng”.

Nhằm thúc đẩy các nỗ lực tập thể, đảm bảo tính liên tục và duy trì những tiến bộ đã đạt được cho đến nay, Ngoại trưởng Retno đề nghị thành lập “bộ ba Chủ tịch ASEAN” và trao quyền cho đặc phái viên và Ban thư ký ASEAN để củng cố cơ chế đặc phái viên hiện nay.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. (Nguồn: Jakarta Post)

Nền tảng cho tầm nhìn dài hạn

Indonesia đã áp dụng cách tiếp cận theo 2 hướng thông qua vai trò Chủ tịch của mình, được tóm tắt bằng khẩu hiệu “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm tăng trưởng”. Nền tảng của cụm từ này là những nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn và duy trì sự phù hợp của ASEAN bằng cách cải cách quá trình ra quyết định của khối. Điều này được thể hiện trong Tuyên bố hòa hợp ASEAN IV, điều mà bà Retno cho là sẽ đóng vai trò là nền tảng cho tầm nhìn dài hạn của Hiệp hội tới năm 2045.

Ba Tuyên bố hòa hợp ASEAN trước đó, còn được gọi là “Tuyên bố Bali”, được soạn thảo vào các năm 1976, 2003 và 2011, tất cả đều trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Indonesia.

Tuyên bố Bali I đặt nền tảng cho ASEAN, trong khi Tuyên bố Bali II đưa ra quan điểm về xây dựng Cộng đồng ASEAN xoay quanh 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Tuyên bố Bali III đề cập vai trò của ASEAN trong “cộng đồng các quốc gia toàn cầu”.

Bà Retno cho rằng, ASEAN cần có khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng một cách nhanh chóng và ví khối này như “một con tàu đang lao vào cơn bão”.

Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV dự kiến được thông qua trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần này.

Trong cuộc trao đổi riêng với tờ Jakarta Post ngày 30/8, bà Dewi Fortuna Anwar - chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc Cơ quan Nghiên cứu và đổi mới quốc gia Indonesia (BRIN) đã hoan nghênh sáng kiến nhằm đẩy nhanh quá trình ra quyết định của ASEAN.

Trong khi việc giải quyết kịp thời các vấn đề như cuộc khủng hoảng Myanmar hay tranh chấp ở Biển Đông là điều quan trọng, bà Dewi cho rằng, việc củng cố 3 trụ cột của cộng đồng ASEAN cũng quan trọng không kém. Bà cho rằng, ASEAN không nên quá bận rộn vào giải quyết vấn đề mà đánh mất chương trình nghị sự chính.

(theo Jakarta Post)