Nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể quá tham vọng, ôm đồm, cồng kềnh và nặng nề so với yêu cầu của xã hội. Các nhà làm chương trình đưa ra những mục tiêu quá cao so với thực tế. Quan điểm cá nhân của ông về vấn đề này như thế nào?
Bản thân tôi khi đọc Dự thảo nhận thấy vấn đề của chương trình không phải “quá tham vọng” mà là chưa chạm tới và chưa đạt được nhiều điểm cơ bản nhất. Ví dụ, trong chương trình phải thể hiện rõ “triết lý giáo dục” - thứ quyết định kết quả về sau thì lại chưa thấy có mặt trong Dự thảo.
Anh Vương với một trong những cuốn sách của mình. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Có nhiều người nghĩ rằng triết lý giáo dục thể hiện trong toàn bộ cơ cấu chương trình, nội dung giáo dục cụ thể chứ không cần phát biểu thành câu chữ rõ ràng. Tuy nhiên, đó là lối tư duy nguy hiểm vì không phải ai cũng là người làm chương trình và nghĩ như người làm chương trình. Sự mập mờ đó sẽ gây khó cho những người thực thi và toàn xã hội.
Có phải lúc này chúng ta cần đánh giá nghiêm túc các chương trình đã có để thấy rõ ưu - nhược điểm; có thể kế thừa, thay đổi, bổ sung một cách hợp lý nhất?
Trong cải cách giáo dục và hẹp hơn là cải cách chương trình có hai công việc cần làm. Thứ nhất, nghiên cứu, tổng kết hiện trạng giáo dục để làm rõ xem nó đạt được thành tựu gì, đã và đang đối mặt với các vấn đề nào cần giải quyết. Thứ hai là phác thảo, thiết kế ra phương án cải cách có tham khảo các mô hình tiên tiến.
Tuy nhiên, trong lần cải cách này, công việc thứ nhất chưa được tiến hành nghiêm túc và công bố kết quả rộng rãi. Khi chưa “khám”, chỉ ra đúng căn nguyên thì sẽ không thể chữa được bệnh. Việc không ý thức sâu sắc được vấn đề và thể hiện rõ, công khai những vấn đề của nền giáo dục hiện tại sẽ gây khó cho công cuộc cải cách. Nguy cơ “bình mới, rượu cũ” hay “dẫm vào vết xe đổ” sẽ nảy sinh từ đó.
Vậy giá trị cốt lõi của dự thảo mới này là gì? Chương trình đã thực sự có “linh hồn” hay chưa?
Tôi có cảm giác chương trình vẫn thiếu yếu tố làm toát lên toàn bộ tư tưởng của cuộc cải cách lần này. Chương trình mới chưa thể hiện được khía cạnh: “Tóm lại nền giáo dục mà chúng ta muốn tạo ra có tên gọi là gì? Nó nhắm tới mục đích nào ở phương diện con người cũng như xã hội?”.
Anh Nguyễn Quốc Vương là người viết và dịch tám cuốn sách về giáo dục, trong đó tiêu biểu là những cuốn như “Cải cách giáo dục Nhật Bản”; “Môn Sử không chán như em tưởng”; “Hướng dẫn học tập môn Xã hội”... |
Ông có đề xuất gì vào lúc này?
Cải cách giáo dục vừa cần quyết liệt, nhanh chóng nhưng cũng cần thận trọng. Theo tôi, khi chưa có chuẩn bị kỹ lưỡng thì cần làm chậm và chắc. Trong khi làm cần phải lắng nghe các ý kiến phản biện, kể cả các ý kiến chỉ trích gay gắt. Cần tôn trọng các cuộc tranh luận và có cơ chế dân chủ đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các nhóm tham gia làm chương trình sách giáo khoa.
Nhìn vào các cuộc cải cách giáo dục trên thế giới sẽ thấy, cải cách giáo dục từ “dưới lên” cũng quan trọng ngang bằng với cải cách giáo dục từ “trên xuống”. Chúng ta cần phải tôn trọng và tạo điều kiện cho cải cách từ “dưới lên” với các thực tiễn giáo dục phong phú, phát triển đa dạng.
Để cho dễ hiểu, tôi muốn nói rõ rằng thực tiễn giáo dục là những gì giáo viên và học sinh, rộng hơn là trường học, làm trong thực tế dựa trên đặc điểm, tình hình cụ thể ở đó. Ở nước ta từ trước đến nay là “trên áp xuống” với nội dung, cách dạy, chương trình chung cho tất cả học sinh, giáo viên ở bất cứ địa phương nào. Vậy nên, thường thì cấp dưới và giáo viên chỉ là “anh thợ” thừa hành mà thôi. Bây giờ, khi cải cách giáo dục, chấp nhận cơ chế một chương trình nhiều sách giáo khoa thì phải công nhận sự phong phú, tức là thừa nhận sự độc lập tương đối của các thực tiễn giáo dục.
Đối chiếu với các nước trên thế giới, ông nhận định thế nào về cách làm dự thảo chương trình của Việt Nam? Chúng ta có thể học được gì từ các nước, thưa ông?
Sau năm 1945, ở Nhật có cơ quan chuyên làm chương trình giáo dục. Cứ 10 năm họ thay đổi chương trình một lần. Vì thế, họ làm rất kỹ, khoa học và nghiêm túc. So với cách thức soạn thảo ở Nhật, tôi nhận thấy cách thức soạn thảo ở Việt Nam có phần vội vàng. Việt Nam đang thiếu các chuyên gia và các cơ quan chuyên nghiên cứu phát triển chương trình một cách chuyên nghiệp, có kết quả cao.
Thực tế, khi làm vội vàng và thiếu nền tảng học thuật làm bệ đỡ, chương trình sẽ rơi vào tình trạng “đẽo cày giữa đường” và bị cuốn theo những tranh luận có tính chất cảm tính hoặc các ý kiến nằm ngoài chuyên môn. Trong giáo dục, lắng nghe ý kiến của đại chúng rất quan trọng. Nhưng nếu cải cách giáo dục bị cuốn theo đại chúng mà thiếu sự tham gia tích cực của các nhà chuyên môn, cải cách sẽ không thể tới đích, thậm chí sẽ gặp nguy hiểm.
Theo tôi, để cải cách giáo dục thành công thì cần cái nhìn hệ thống và toàn diện. Không nên hiểu cải cách giáo dục chỉ đơn giản là cải cách chương trình, sách giáo khoa và chăm chăm vào chuyện đó. Cải cách hệ thống hành chính giáo dục là một vấn đề quan trọng, then chốt nhưng lại rất ít người bàn. Thực tế, khi hệ thống hành chính giáo dục không được cải cách thì chương trình mới cho dù có tốt đến mấy cũng sẽ bị vô hiệu hóa hoặc không phát huy hết được tác dụng.
Xin cảm ơn ông!