📞

Nguy cơ từ những khoản đầu tư "khổng lồ" của Trung Quốc

17:21 | 26/12/2019
TGVN. Các khoản đầu tư hạ tầng trị giá tới 1.300 tỷ USD của Bắc Kinh trong thời gian gần đây có thể là tác nhân khiến các nền kinh tế mới nổi trên thế giới sụp đổ.
Nhiều quốc gia đang hoài nghi về tính bền vững của các khoản nợ và hiện có rất nhiều mối quan tâm về việc một số quốc gia đang vay Trung Quốc quá nhiều. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Theo ông Adam Boehler, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Phát triển Tài chính Quốc tế Mỹ (DFC), các khoản đầu tư quốc tế của Trung Quốc giống như một “lâu đài cát”, rất bấp bênh và thậm chí có nguy cơ sụp đổ vì tình trạng quá tải nợ, hạ tầng kém, tình trạng hối lộ và thiếu minh bạch.

Chuyên gia này bày tỏ quan ngại, đầu tư Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng đến một loạt các nền kinh tế mới nổi và khiến những vết nứt ngày một hiện rõ.

Những “điểm trũng” hút vốn

Lâu nay, các đảo quốc Thái Bình Dương luôn nằm trong ưu tiên chiến lược của các cường quốc. Bắc Kinh muốn liên minh với các nước này nhằm kiểm soát các vùng biển rộng lớn và giàu về tài nguyên. Nhiều thập kỷ qua, Australia vẫn là nước viện trợ cho khu vực này nhiều nhất nhưng những năm gần đây, Trung Quốc đã nổi lên như một nhà đầu tư lớn trong khu vực.

Viện Lowy, một tổ chức phân tích chính sách quốc tế độc lập đặt tại Sydney, từng cảnh báo rằng, 6 đảo quốc Nam Thái Bình Dương bao gồm Quần đảo Cook, Fiji, Papua New Guinea, Samoa, Tonga và Vanuatu đang là "con nợ" của Trung Quốc. Theo đó, từ năm 2011 đến 2018, Trung Quốc đã cho các nước này vay 6 tỷ USD, tương đương 21% GDP khu vực.

Trong khi đó, tại Mỹ Latin, từ năm 2010, Trung Quốc đã trở thành đối tác quan trọng của El Salvador, chủ yếu trong lĩnh vực linh kiện điện tử. Từ năm 2010 tới 2019, giá trị xuất khẩu mặt hàng này từ quốc gia Trung Mỹ tới Trung Quốc đã tăng 20 lần, đồng thời giá trị xuất khẩu của El Salvador tới Trung Quốc tương đương 20% giá trị xuất khẩu máy móc và thiết bị điện của cả tiểu khu vực tới quốc gia đông dân nhất thế giới.

Sự hiện diện của Trung Quốc tại El Salvador đã được củng cố từ tháng 7/2018 với việc thành lập một đặc khu kinh tế có diện tích tương đương 1/3 lãnh thổ El Salvador. Thêm vào đó, hai bên cũng đang thảo luận việc nhượng lại quyền khai thác hải cảng “La Union” – mà Đại sứ quán Mỹ tại El Salvador mô tả như một kế hoạch thiết lập một căn cứ quân sự tại Trung Mỹ.

Mặt khác, không chỉ tăng cường vai trò đối tác thương mại, Bắc Kinh còn trở thành một đối tác đầu tư quan trọng, đặc biệt là tại các nước như Ecuador hay Peru, nơi đầu tư Trung Quốc đạt tỷ lệ lần lượt là 25% và 22% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi tại Argentina tỷ lệ này là 9% và tại Brazil là 6%.

Nam Mỹ là khu vực then chốt cho việc mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Mỹ. FDI của Trung Quốc vào tiểu lục địa này tập trung chủ yếu vào năng lượng (53%), xét theo lĩnh vực và vào Brazil (40%), xét theo quốc gia.

Mỹ "đứng ngồi không yên"

Ông Boehler cho biết, nhiều quốc gia đang trở nên hoài nghi về tính bền vững của các khoản nợ và hiện có rất nhiều mối quan tâm về việc một số quốc gia đang vay Trung Quốc quá nhiều.

Việc cho vay ồ ạt phản ánh mục đích của Bắc Kinh nhằm sử dụng đàm phán các khoản vay để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối nội và đối ngoại. Điều này đang khiến Mỹ cùng nhiều cường quốc khác không vừa lòng.

Những quan ngại liên quan đến các khoản đầu tư toàn cầu của Bắc Kinh, bao gồm cả thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”, đã tăng mạnh ở Washington trong những năm gần đây, tạo thành một luận điểm quan trọng trong cạnh tranh Mỹ - Trung.

Tại Mỹ, DFC - tiền thân là Tập đoàn đầu tư tư nhân ở nước ngoài, một tổ chức tài chính phát triển của chính phủ nước này - vừa nhận được một khoản tài trợ từ Quốc hội vào cuối năm 2019. Giá trị quỹ dự phòng khẩn cấp của tổ chức này đã tăng gấp đôi lên mức 60 tỷ USD, đồng thời quỹ này được phép đầu tư chứng khoán.

Bên cạnh việc đảm bảo dòng vốn đầu tư của Mỹ sẽ được sử dụng đúng mục đích (là đi đến những nước đang phát triển), sự ràng buộc của DFC đối với những ưu tiên của Chính quyền Tổng thống Donald Trump còn có quy mô rộng lớn hơn, bao gồm các khoản vay, bảo lãnh cho vay và bảo hiểm rủi ro.

Trong thời gian gần đây, những ưu tiên này phần lớn xoay quanh các ảnh hưởng kinh tế và chiến lược ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên toàn cầu. Sự có mặt của DFC cũng là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn các quốc gia sử dụng công nghệ của Huawei.

Ông Boehler khẳng định, mặc dù tài trợ của Mỹ có thể không hoàn toàn nhanh chóng như Trung Quốc, song nó đi kèm với các tiêu chuẩn cao hơn và sẽ mang lại kết quả tốt hơn.

Không chỉ riêng Mỹ, một số cường quốc cũng đã bắt đầu có những động thái. Tháng 8/2019, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tuyên bố nước này sẽ nâng chính sách tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “lên một cấp độ mới”, với việc công bố hàng loạt gói đầu tư và cho vay hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương nhằm đẩy mạnh hợp tác an ninh và kinh tế.

Canberra tuyên bố sẽ lập một quỹ hỗ trợ phát triển trị giá hơn 1,45 tỷ USD để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tại Đông Timor cùng các quốc gia Thái Bình Dương khác.

(theo Reuters, Financial Times)