📞

Nhà báo lớn Hồ Chí Minh - Sứ mệnh cao cả, văn phong độc đáo

17:17 | 21/06/2016
Văn phong báo chí độc đáo của nhà báo lớn Hồ Chí Minh luôn hướng đến mục đích cao cả phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.

Kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), những người làm báo, những người đọc báo, và có lẽ tất cả những ai có liên quan đến báo chí, quan tâm đến báo chí cách mạng Việt Nam đều nhớ đến một cái tên, một con người: Hồ Chí Minh - Người đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, người chiến sĩ tiên phong giương cao ngọn cờ chiến đấu của báo chí trên các chặng đường cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo. (Ảnh tư liệu)

Gắn liền sự nghiệp báo chí và cách mạng

Đối với Hồ Chí Minh, viết báo, làm báo trước hết để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Người đã coi và dùng báo chí như một công cụ đấu tranh sắc bén, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sự nghiệp báo chí đồng hành và không tách rời sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, tất cả đều nhằm mục đích giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đòi cho dân tộc Việt Nam và tất cả những dân tộc bị áp bức nói chung, quyền lợi tinh thần to lớn là quyền tự do báo chí. Từ rất sớm trên con đường cách mạng của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận thấy báo chí tư sản là công cụ đắc lực trong tay chính quyền thuộc địa để phục vụ mục đích cai trị. Người đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh để giành quyền tự do ngôn luận về cho số đông quần chúng. Ngay từ khi cái tên Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên xuất hiện, điều thứ ba trong tám điều Yêu sách của nhân dân An Nam mà Nguyễn Ái Quốc thay mặt nhân dân Việt Nam gửi đến Hội nghị Vécxay đòi: Tự do báo chí và ngôn luận.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh nhấn mạnh thêm với báo chí vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng, chấn hưng đất nước. Báo chí cách mạng phải làm tốt nhiệm vụ cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ, mục đích chung của các tờ báo là tuyên truyền cổ động, huấn luyện, tổ chức nhân dân đoàn kết, thi đua ái quốc để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Mỗi tờ báo phải căn cứ vào đối tượng phục vụ để định ra nội dung nhiệm vụ cụ thể của mình, với hình thức thể hiện riêng - điều làm nên bản sắc của tờ báo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: Nhà báo cần nêu cao trách nhiệm trong hoạt động tác nghiệp của mình: Đề cao cái tốt, cái tích cực; phát hiện và đấu tranh chống cái xấu, cái tiêu cực. Nhà báo phải gần gũi với quần chúng, học hỏi nhân dân để tiến bộ, phải phản ánh trung thực hiện thực xã hội, và luôn phải tâm niệm: “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Bên cạnh đó cần sâu sát thực tiễn, “cứ ngồi trong phòng giấy không thể viết thiết thực”.

Muốn như vậy nhà báo luôn cần phải có cái tài để phát hiện và chuyển tải vấn đề, nhưng quan trọng hơn là phải có cái tâm trong sáng, phải có bản lĩnh để giữ cho ngòi bút không bị bẻ cong trước những cám dỗ. Những điều này Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các thế hệ những người làm báo cách mạng Việt Nam: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo để báo chí cách mạng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Người nhắc tất cả những người tham gia vào quá trình cho tờ báo ra đời và đến được tay người đọc: Phóng viên (Người hay dùng chữ cán bộ viết báo), người sửa bài, nguời in báo, người phát hành… tất cả mọi người, tất cả các khâu phải hoạt động nhịp nhàng và ăn khớp, làm cho các tờ báo được xuất bản đúng kỳ và đến tay người đọc. Người cũng nhấn mạnh vai trò của Hội nhà báo là tổ chức chính trị và nghiệp vụ của những người làm báo, có nhiệm vụ giúp các hội viên đoàn kết, giúp đỡ nhau, nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ để phục vụ nhân dân và cách mạng tốt hơn.

Văn phong phản ảnh nhân cách

Trong xã hội hiện đại, nhu cầu chuyển tải thông tin qua các loại hình báo chí ngày càng lớn và đa dạng - cả về thể loại và phương tiện. Mỗi nội dung thông tin ngoài việc đến được với đối tượng nhận tin một cách kịp thời còn cần được tiếp nhận một cách có hiệu quả nhất. Thông tin báo chí phải thu hút được sự quan tâm của dư luận, gây được dư luận xã hội phản đối những cái xấu, ủng hộ những điều tốt.

Mỗi bài báo luôn cần gây được hứng thú và cảm xúc cho người đọc, người xem, có thể làm cho họ cảm thấy mãn nguyện như được thưởng thức một bức tranh đẹp, như được ăn một món ngon, cũng như có thể gây tình cảm bất bình, phẫn nộ với những vấn đề còn đang bức xúc. Mỗi nhà báo vẫn cần có một văn phong báo chí thể hiện rõ tính cách, trình độ và bản lĩnh của riêng mình. Mỗi bài báo vẫn cần tìm tòi cách tốt nhất để người đọc có thể tiếp nhận vấn đề một cách hào hứng và gây được tác động trong xã hội.

Hồ Chí Minh để lại bút tích, trên hai tờ báo Thanh Niên, phát hành tại Quảng Châu Trung Quốc vào ngày 28/11/1926 và 5/12/1926. Nguồn: Hoa Nam và Viện bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội.

Đọc lại những bài nói, bài viết cuả Chủ tịch Hồ Chí Minh người ta dễ nhận ra sự trong sáng về văn phong, sự giản dị trong cách trình bày để nội dung dù khó cũng trở nên dễ hiểu với người nghe, người đọc. Nhiều quan điểm, nhiều nhiệm vụ cách mạng đã được Người truyền tải đến với mọi người qua những bài báo bằng những ngôn từ quen thuộc - dù đó là những vấn đề của cuộc sống chiến đấu, lao động hàng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại - không tỏ ra cao siêu, khó hiểu mà gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Có thể chỉ ra những đặc trưng văn phong báo chí của Hồ Chí Minh vắn tắt, cô đọng trong ít chữ: Chân thực; Ngắn gọn; Trong sáng; Giản dị; Sinh động.

Đọc lại mỗi bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh đều thấy hiện thực sinh động của cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Những bài báo của Người đem lại cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác. Tính chân thực đã làm nên sức thuyết phục cao của những bài viết của Người đối với người đọc. Chân thực là yêu cầu đầu tiên được Hồ Chí Minh đặt ra không chỉ với các nhà báo mà với tất cả cán bộ, đảng viên khi nói, khi viết. Bác thường nhắc nhở cán bộ: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; “không nên nói ẩu”; “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”....

Theo Hồ Chí Minh: “Ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn”. Người cũng căn dặn: “Cần tuyệt đối tránh viết dài mà sáo rỗng”. Đặc tính ngắn gọn, hàm súc trong các bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển phong cách hiền triết phương Đông - ghi ít, nhớ nhiều, ý tại ngôn ngoại. Đây là đặc trưng nổi bật dễ nhận thấy trong cách nói, cách viết Hồ Chí Minh.

Những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường được viết rất ngắn, chặt chẽ như châm ngôn: Dĩ bất biến ứng vạn biến; Trung với nước hiếu với dân; Không có gì quý hơn độc lập tự do; Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình... Viết giản dị không phải là đơn giản hóa những điều phức tạp mà do Người đã thâu tóm được những gì tinh hoa, cốt yếu nhất trong tiếng nói của quần chúng để có cách truyền đạt gần gũi và hiệu quả nhất... “Đó là cái khó nhất ở trên đời. Đó là giới hạn tột cùng của sự từng trải và là nỗ lực cuối cùng của thiên tài”[ii]. Để đạt được những điều đó, Hồ Chí Minh đã trải qua chặng đường dài công phu rèn luyện từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, từ những bài báo đầu tiên.

Văn phong báo chí độc đáo của nhà báo lớn Hồ Chí Minh luôn hướng đến mục đích cao cả phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Văn phong báo chí độc đáo và nghệ thuật làm báo, viết báo của Người không ngoài mục đích làm cho bài viết sinh động hơn, hấp dẫn hơn, để truyền tải tốt hơn những nội dung cách mạng đến từng cá nhân đối tượng của bài báo. Cũng bằng văn phong báo chí độc đáo của mình, nhà báo lớn Hồ Chí Minh đã truyền lửa nhiệt tình và nhiều điều kinh nghiệm tới nhiều thế hệ những người làm báo cách mạng Việt Nam.

Văn không chỉ là văn. Văn chính là người. Học nói, học viết cũng là từng bước hoàn thiện trí tuệ và nhân cách của mình. Nay vẫn còn đó những điều Người căn dặn và một tấm gương toả sáng - Hồ Chí Minh.