📞

Nhắc đến Moncada, nhớ Fidel

07:07 | 26/07/2017
Trong những ngày tháng Bảy này, hòa chung với ký ức hào hùng về cuộc tấn công trại lính Moncada năm 1953 của người dân Cuba, những người yêu mến quốc gia đảo ngọc này không khỏi bùi ngùi khi nhớ về nhà lãnh đạo cách mạng Cuba Fidel Castro.

Tháng Bảy không chỉ đặc biệt đối với những người dân Cuba, mà còn đáng nhớ cả với những người yêu Cuba, trong đó có những người bạn Việt Nam. Ôn lại ký ức về cuộc tấn công trại lính Moncada do Fidel Castro dẫn đầu và sau đó là sự ra đời của nhóm Hai Mươi Sáu Tháng Bảy, tôi lại nhớ chuyến đi tới Cuba buồn nhất của mình hồi tháng 11 năm ngoái, khi Fidel qua đời.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại lễ tang nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro, tại thủ đô Havana, ngày 29/11/2016. (Nguồn: TTXVN)

Chuyến viếng thăm đột ngột

Sáng 26/11/2016, như thường lệ, tôi bật máy đọc tin và vô cùng sửng sốt, bàng hoàng khi được tin Fidel qua đời. Trong phút chốc, tôi còn không tin đó là sự thật bởi mới một tuần trước đó, nhà lãnh đạo Cuba còn tiếp thân mật Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm chính thức quốc đảo này.

Đành rằng ở tuổi xưa nay hiếm, sự ra đi của Fidel cũng nằm trong quy luật tự nhiên. Nhưng với tôi, Fidel có điều gì đó đặc biệt: đó là nhà cách mạng kiên cường, vị lãnh tụ kính yêu của một dân tộc, nhưng rất đỗi bình dị; đó là người bạn thủy chung của nhân dân Việt Nam; đó là người đã phất cao lá cờ Mặt trận giải phóng dân tộc Nam Việt Nam trên đồi 241 ở Đông Hà, Quảng trị lúc Bắc - Nam còn đang chia cắt (tháng 9/1973); đó là người mà tôi từng nhiều lần được gặp trong thời gian công tác ở Cuba, cũng như những lần Người thăm Việt Nam… Với nghĩa nặng đó, tôi biết mình cần đến Cuba để vĩnh biệt Người.

Thật may mắn, tôi và một số anh em khác từng gắn bó với Cuba và Fidel được tham gia Đoàn cấp cao Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tới Cuba dự lễ tang Fidel. Chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội rời Hà Nội vào sáng 28/11. Do thời gian gấp và điều kiện kỹ thuật cho phép nên chuyên cơ được bay thẳng từ Hà Nội đến Havana mà không phải dừng đỗ ở bất cứ sân bay nào. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hàng không Việt Nam có một chuyến bay như vậy.

Fidel vẫn hiện hữu

Khi chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội hạ cánh trên đường băng sân bay Jose Marti, nơi tôi đã rất nhiều lần đến và đi, khung cảnh thân thương lần lượt hiện ra ngoài cửa sổ. Tất cả với tôi đều rất gần gũi và quen thuộc… Chỉ có một điều khác lạ, bầu không khí cả sân bay tĩnh lặng đến lạ thường.

Đặt chân xuống sân bay, vẫn nhà ga ấy, vẫn những nhân viên sân bay ấy… nhưng tôi cảm thấy rõ ràng một sự hẫng hụt, thiếu vắng. Trên những con đường, những khu phố quen thuộc của Havana có rất ít người, xe cộ cũng thưa thớt lại qua… Cả đảo quốc Caribbean này đang chịu tang vị lãnh tụ kính yêu của mình.

Người dân Cuba tưởng nhớ Fidel Castro tại Quảng trường Cách mạng Cuba, ngày 29/11. (Nguồn: Reuters)

Chiều 29/11, cuộc mít tinh tiễn biệt Fidel Castro đã diễn ra vô cùng trang nghiêm tại Quảng trường Cách mạng, với sự có mặt của hơn 60 đoàn nước ngoài, trong đó có khoảng 20 nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ hoặc chủ tịch quốc hội các nước trên thế giới. Tất cả những con đường dẫn vào Quảng trường đều không còn chỗ trống. Khoảng một triệu dân Cuba đã đến đây từ rất sớm để tiễn biệt Fidel.

Phía sau lễ đài Quảng trường, một bức ảnh lớn in chân dung nhà lãnh đạo Fidel Castro trong bộ quân phục màu xanh olive, vai vác súng, lưng đeo ba-lô, mắt nhìn thẳng về phía trước… Trong bối cảnh ấy, mọi người đều có thể cảm nhận như Fidel vẫn hiện hữu, Fidel chưa ra đi, Fidel vẫn trên đường ra mặt trận, Fidel vẫn tiếp tục sự nghiệp cách mạng cùng với nhân dân Cuba...

Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega mở đầu bài phát biểu của mình bằng ba lần nhắc lại câu hỏi: "Fidel ở đâu?". Cả quảng trường đồng thanh đáp lại: "Fidel ở đây!".

Những tình cảm chân thành

Có một điều lạ là sự kiện lịch sử ấy, cuộc mít-tinh lớn như vậy diễn ra không theo một khuôn mẫu, lễ nghi truyền thống nào. Ông Raul Castro, vị lãnh tụ tối cao của Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước, kiêm Thủ tướng Chính phủ không đọc diễn văn khai mạc.

Người phát biểu đầu tiên trong lễ tang là Tổng thống Ecuador và kế đó là hơn 10 tổng thống, thủ tướng và lãnh đạo quốc hội các nước khác. Tất cả đều bày tỏ lòng kính trọng, tình cảm sâu sắc đối với Fidel Castro và nhân dân Cuba.

Trong lời phát biểu của mình, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã ví "Fidel và Chavez là cha và con của hai cuộc cách mạng anh em" (Hugo Chavez là cựu Tổng thống Venezuela, rất kính trọng và quý mến Fidel).

Trước hàng triệu người có mặt tại Quảng trường Cách mạng, từ lễ đài cuộc mít-tinh, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega mở đầu bài phát biểu của mình bằng ba lần nhắc lại câu hỏi: "Fidel ở đâu?". Cả quảng trường đồng thanh đáp lại: "Fidel ở đây!".

Đến từ châu Phi xa xôi, Tổng thống Ghine Xích đạo Teodoro Obiang khẳng định: "Fidel đã hoàn thành sứ mệnh giải cứu nhân dân Cuba".

Với Việt Nam, Fidel là một nhân vật, một tên tuổi quá thân quen, quá quý mến và quá gần gũi. Thay mặt nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã xúc động nhắc lại câu nói bất hủ của Người: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình".

Đó là một tang lễ nghiêm trang, xúc động, một cuộc mít-tinh quần chúng, với sự hiện diện của cả triệu người dân Cuba kéo dài hơn bốn giờ đồng hồ. Một tang lễ hiếm có!

Hình ảnh Fidel, tên tuổi Fidel vẫn khắc sâu và sống mãi trong tim của mọi người dân Cuba, cũng như anh em, bạn bè trên thế giới.

Một cuộc đời giản dị

Sau lễ tang, di cốt của Fidel cũng rời thủ đô Havana để về quê hương Santiago de Cuba của Người. Trong ba ngày di chuyển liên tục, "Fidel" đã đi qua nhiều tỉnh, thành, ghé lại nhiều địa phương để "chia tay" nhân dân, vượt qua một chặng đường gần 1.000km để về Santiago.

Ở tuổi 27, Fidel cùng các chiến sĩ cách mạng Cuba mở cuộc tấn công vào trại lính Moncada (26/7/1953) ở Santiago. Cuộc tấn công không giành được thắng lợi, nhưng như một quả bom báo hiệu thời kỳ sụp đổ của chế độ độc tài Batista. Nó mở đầu cho cuộc đấu tranh vũ tranh anh dũng dẫn đến thắng lợi cuối cùng ngày 1/1/1959, lật đổ chế độ độc tài tay sai, lập nên nước Cộng hòa Cuba độc lập, tự do.

Khi sống kiên cường bao nhiêu, cách mạng và hùng biện bao nhiêu, khi ra đi Fidel giản dị, đời thường bấy nhiêu. Người không muốn có bệnh viện, trường học, đường phố mang tên Fidel; Người không muốn có các công trình kiến trúc, tượng đài Fidel; Người cũng không muốn có huân chương hay giải thưởng… mang tên Fidel… Nhưng, dù vậy, tôi tin rằng hình ảnh Fidel, tên tuổi Fidel vẫn khắc sâu và sống mãi trong tim của mọi người dân Cuba, cũng như anh em, bạn bè trên thế giới.

Di cốt Fidel được gắn vào lòng một phiến đá lớn tại nghĩa trang ở quê hương ông, cũng là nơi yên nghỉ của người anh hùng dân tộc Cuba - Jose Marti.

Sinh ra tại Santiago, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, lớn lên cùng với đất nước, giờ đây Fidel trở lại Santiago - quê hương thân yêu để an giấc ngàn thu!

Hà Nội, tháng 7/2017

Đại sứ Nguyễn Văn Ngạnh

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao