📞

Nhân lực khu vực APEC trước những thách thức trong kỷ nguyên số

14:43 | 11/05/2017
Các nền kinh tế thành viên APEC đang đối mặt với những thách thức trong đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế kỹ thuật số ở các mức độ khác nhau, trong việc thực hiện cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực và phục hồi thị trường.  

Ngày 11 - 12/5, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị SOM 2 và các cuộc họp liên quan đã diễn ra 3 hội thảo của Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG), bao gồm: Hội thảo về thông tin thị trường lao động trong thời đại kỹ thuật số, Hội thảo về sức khỏe phụ nữ cho nền kinh tế khỏe mạnh và Hội thảo về Kế hoạch hành động của Chiến lược giáo dục APEC.

Các Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các đại diện đến từ nền kinh tế thành viên APEC, các viện nghiên cứu, đại học, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động thế giới (ILO), Ngân hàng Thế giới (WB)...

Đoàn chủ tịch cuộc họp Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG) ngày 11/5. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nguy cơ thiếu hụt lao động có kỹ năng

Ba phiên Hội thảo của HRDWG diễn ra trong bối cảnh thị trường việc làm đang trải qua những biến đổi về cơ cấu to lớn do những tiến bộ công nghệ, tăng cường sản xuất chuyên môn hóa, nhu cầu thành thạo nhiều kỹ năng mới và mối quan hệ việc làm đang thay đổi. Công nghệ và số hóa sẽ có những đóng góp quan trọng trong quá trình cải thiện năng suất, tăng sản lượng kinh tế và tạo công ăn việc làm.

Tuy nhiên, sự phát triển công nghệ số cũng tiềm ẩn những nguy cơ như làm cho một số công việc trở nên lỗi thời, dễ bị tổn thương và gia tăng các việc làm phi chính thức. Ở Thái Lan, riêng trong ngành sản xuất ô tô, 73% lao động đang đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa. Còn tại Việt Nam, 75% lao động trong ngành điện tử và 86% trong ngành dệt may và da giày cũng trong tình trạng tương tự như vậy.

Các nền kinh tế thành viên APEC đang đối mặt với những thách thức trong đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế kỹ thuật số ở các mức độ khác nhau. Đây cũng là những thách thức đối với APEC trong việc thực hiện cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực và phục hồi thị trường.

Phát biểu khai mạc Hội thảo về thông tin thị trường lao động trong thời đại kỹ thuật số, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, Chính phủ Việt Nam đã xác định nhiệm vụ phải “Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững... Đồng thời, phát huy tiềm lực khoa học, công nghệ, tăng nhanh năng suất lao động xã hội và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế".

Ông Doãn Mậu Diệp phát biểu tại Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực Hội thảo về thông tin thị trường lao động trong thời đại kỹ thuật số. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Theo ông Doãn Mậu Diệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần có bước đi phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ, chuyển đổi cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn lực. Đối với Việt Nam, dự báo trong những năm tới (2017 - 2025), lực lượng lao động Việt Nam tăng bình quân hằng năm 1,28%, tương ứng 723.000 người/năm. Quy mô lực lượng lao động tăng từ 55,54 triệu người năm 2016 lên 62 triệu người năm 2025. 

Bên lề hội thảo, ông Azrul Izham Bin Hamzah - Bộ Lao động Malaysia cho biết: “Với sự phát triển của khoa học công nghệ thì những công việc lao động thủ công sẽ ngày càng mất dần. Để đối mặt với cách mạng công nghệ lần thứ tư, thị trường lao động đòi hỏi lao động cần có tay nghề cao, nắm vững công nghệ thông tin”.

Tuy nhiên, tính đến năm 2016, trong tổng số 55,54 triệu lao động cả nước, chỉ có hơn 11,21 triệu lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ, chiếm 20,6%. Đáng lưu ý là lao động được đào tạo trong các ngành kỹ thuật - công nghệ còn chiếm tỷ trọng thấp.

Việt Nam đang thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật cao, công nhân lành nghề, đặc biệt là cho các ngành trọng điểm như cơ khí, điện tử, kỹ thuật điện, cũng như nhân lực trình độ cao làm việc trong các ngành, các lĩnh vực có tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề thiếu lao động có kỹ năng càng trở nên trầm trọng do những bất cập trong kết nối cung cầu lao động, do sự chia cắt và phân mảng của thị trường lao động. 

Nâng cao sức khỏe của lao động nữ trong phát triển kinh tế

Hội thảo về sức khỏe phụ nữ cho nền kinh tế khỏe mạnh đề cập tới những rào cản trong việc tìm kiếm việc làm cũng như phấn đấu sự nghiệp mà phụ nữ châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phải đối mặt. Việc phụ nữ bị hạn chế trong xã hội đã gây ra những chi phí lớn cho doanh nghiệp và các nền kinh tế trong khu vực.

Toàn cảnh cuộc họp Nhóm công tác phát triển nguồn nhân lục Hội thảo về sức khỏe phụ nữ cho nền kinh tế khỏe mạnh. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Sáng kiến dài hạn “Phụ nữ khỏe mạnh, Kinh tế phát triển” (HWHE) của APEC nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khoẻ phụ nữ, gồm: bị quấy rối tình dục, chấn thương lao động, thiếu chính sách hỗ trợ cho việc chăm sóc gia đình...

Năm 2015, APEC đã bắt đầu thảo luận Bộ hướng dẫn của sáng kiến HWHE bao gồm những phương án và hành động mà các nước có thể thực hiện để đạt được mục tiêu. Bộ hướng dẫn này tập trung vào 5 lĩnh vực: an toàn sức khoẻ và an toàn lao động, nhận thức về tiếp cận dịch vục chăm sóc sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản và tình dục, bạo lực giới và cân bằng cuộc sống/công việc.

Các hội thảo kỹ thuật của HRDWG chia sẻ và thảo luận về những thách thức phải đối mặt với thế giới việc làm đã được đưa ra trong Sáng kiến ILO vào năm 2015, bao gồm: Tiến bộ công nghệ do người máy, máy tính và số hóa; Toàn cầu hóa và sản xuất và công việc ngày càng chuyên môn hóa; Các mối quan hệ việc làm và sự gia tăng việc làm dễ bị tổn thương, với sự chênh lệch về giới trong thị trường lao động.

Những thảo luận về kinh nghiệm, về mô hình đào tạo nghề, các chính sách về thị trường lao động, về an sinh xã hội chia sẻ tại Hội thảo sẽ là những bài học, những giải pháp để các nền kinh tế chủ động hợp tác trong tiến trình phát triển bền vững.

Các cuộc Hội thảo này sẽ góp phần vào việc kiện toàn những nội dung khuyến nghị cũng như đầu vào cho Đối thoại Chính sách Cao cấp về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số được tổ chức vào ngày 15/5 tới.