📞

Nhật Bản “toát mồ hôi” chạy đua vũ khí với Triều Tiên

17:05 | 05/10/2016
Công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang tiến bộ từng bước và mỗi lần Tokyo nâng cao năng lực của mình thì Bình Nhưỡng lại cải thiện được công nghệ của họ.

Mất cân bằng

Theo các nguồn tin quân sự, các vụ thử tên lửa thành công đã giúp Triều Tiên vượt lên trước trong cuộc chạy đua vũ khí với Nhật Bản kéo dài 2 thập kỷ qua, khiến Tokyo không chắc mình có thể ngăn chặn được một vụ tấn công tên lửa từ Bình Nhưỡng mà không có sự trợ giúp của Mỹ.

Dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un, Triều Tiên đã tiến hành bắn thử 21 tên lửa đạn đạo kể từ đầu năm nay, một mức độ chưa có tiền lệ, khiến các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế lo ngại. Một tư lệnh cấp cao quân đội Nhật Bản giấu tên nói: “Tiến triển của họ nhanh hơn dự đoán. Trong khi đó, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hiện có của chúng tôi vẫn còn bị hạn chế”.

Hệ thống tên lửa đất đối không PAC-3 của Nhật Bản. (Nguồn: AP)

Việc nâng cấp theo dự kiến Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) của Nhật Bản sớm nhất phải tới tháng 4 sang năm mới bắt đầu, trong khi việc triển khai các hệ thống mới được thiết kế nhằm phá hủy đầu đạn đang bay phải mất nhiều năm mới thực hiện được.

Các nguồn tin cho biết, áp lực về kế hoạch sản xuất và ngân sách eo hẹp đã hạn chế khả năng xúc tiến các kế hoạch nói trên, vì vậy Nhật Bản có thể sẽ phải dựa nhiều hơn vào đồng minh Mỹ để bảo vệ mình trước các vụ tấn công. Một nguồn tin từ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) nói: “Lựa chọn duy nhất của chúng tôi hiện nay có lẽ là phải dựa vào Mỹ để ngăn chặn họ”.

Vật lộn để tăng cường sức mạnh

Tokyo và Bình Nhưỡng đã chạy đua vũ trang từ năm 1998 khi Triều Tiên bắn một quả tên lửa sang phía Nhật Bản. Tháng 6/2016, tên lửa Musudan tầm trung đã đạt độ cao 1.000 km trên đường bay, đánh dấu một bước đột phá cho phép các đầu đạn của Bình Nhưỡng vượt ngoài tầm bắn của các tàu khu trục Aegis BMD đang tuần tra trên biển Nhật Bản.

Do đó, các khẩu đội pháo tên lửa Patriot PAC-3 cũ hơn sẽ trở thành hàng phòng vệ cuối cùng của Nhật Bản bảo vệ các thành phố lớn, trong đó có Tokyo. Theo các nguồn tin, một chương trình cải thiện tầm bắn và độ chính xác cho các khẩu đội pháo này trị giá 1 tỷ USD sẽ được bắt đầu sau tháng 3/2017, song phải tới tận Thế vận hội Tokyo 2020 mới có thể hoàn thành.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng có kế hoạch cải thiện hoạt động cho các tên lửa SM-3 của hạm đội Aegis. Các tên lửa SM-3 được thiết kế để chặn các đầu đạn ngay trên không trung song các nguồn tin chưa chắc rằng chúng có thể đối phó được với tên lửa Musudan hay không. Một phiên bản SM-3 mạnh hơn được Nhật Bản và Mỹ phối hợp phát triển, được gọi là Block IIA, đang sắp hoàn thành, và Nhật Bản đang dự định sắm chiếc đầu tiên vào năm tới. Tuy nhiên, chưa rõ Tokyo sẽ mua bao nhiêu chiếc hay khi nào sẽ triển khai chúng.

Dài hạn hơn, Nhật Bản đang cân nhắc việc mua Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của hãng Lockheed Martin, để bổ sung lớp giữa cho BMD, hoặc xây dựng các khẩu đội pháo Aegis ngoài bờ biển để tăng cường phòng thủ. Tất nhiên, theo các nguồn tin, bất cứ sự triển khai nào cũng sẽ phải mất vài năm bởi cần thời gian để nghiên cứu công nghệ, đảm bảo ngân sách, xây dựng và kết hợp các hệ thống.

Hình ảnh một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên được hãng thông tấn Triều Tiên KCNA công bố vào tháng 4/2016. (Nguồn: Reuters)

Lời hứa từ Washington

Trong khi Nhật Bản vật lộn để tăng cường sức mạnh phòng vệ của mình, Mỹ đang xúc tiến hỗ trợ nước láng giềng Hàn Quốc, với lời hứa hồi tuần trước rằng sẽ tăng tốc việc triển khai THAAD ở đây.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Tư lệnh Gary Ross cho biết Mỹ đã vừa tái khẳng định cam kết “kiên định và vững chắc” của mình trong việc bảo vệ cả Hàn Quốc và Nhật Bản, được bảo đảm bằng sự triển khai toàn diện các khả năng quân sự của Mỹ, bao gồm cả về vũ khí thông thường, vũ khí hạt nhân và phòng vệ tên lửa.

Hiện Nhật Bản đang tạm có một lực lượng thu nhỏ. Nước này có 4 tàu khu trục Aegis được trang bị 8 tên lửa SM-3 mỗi chiếc. Tuy nhiên, một nguồn tin từ SDF cho biết, hai trong số đó đang phải bảo dưỡng, chỉ còn lại hai chiếc trông chừng các tên lửa của Triều Tiên. Nguồn tin này cho biết mối đe dọa tăng cao “xảy ra đúng vào lúc chúng tôi đang gặp gay go với hạm đội Aegis của mình. Sự hợp tác với các tàu Aegis của Mỹ triển khai ở Nhật Bản đang trở nên bức thiết”.

Đến tháng 3/2019, Nhật Bản dự kiến có 8 tàu Aegis BMD, song việc huấn luyện và bảo dưỡng đồng nghĩa với việc có hai tàu cùng lúc sẽ không thể tham gia tuần tra thường xuyên.

Tuy nhiên, các tàu tăng cường của Mỹ đang được đưa tới khu vực có thể giúp bao quát rộng hơn. Hải quân Mỹ đã tăng số tàu khu trục Aegis BMD tuần tra ở khu vực này từ 7 lên 10 chiếc trong vòng 2 năm qua. Song vẫn chưa thể rõ liệu điều đó có đủ cho nhiệm vụ phòng vệ hay không. Một nguồn tin khác từ SDF nói: “Công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang tiến bộ từng bước và mỗi lần chúng tôi nâng cao năng lực của mình thì họ lại cải thiện được công nghệ của họ”.

(theo Reuters)