Nhỏ Bình thường Lớn

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn vào thị trường Iran

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Iran, ngày 13/3, tờ Tehran Times đã có bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch.
nhieu doanh nghiep viet nam muon vao thi truong iran
Bài trả lời phỏng vấn của Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch trên tờ Tehran Times. (Nguồn: Tehran Times)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Iran, từ ngày 13-15/3, nhằm thúc đẩy quan hệ với Iran trong thời kỳ hậu cấm vận. Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam gồm 200 đại diện của Chính phủ, doanh nghiệp có 3 ngày làm việc với các quan chức cấp cao và doanh nghiệp Iran.

Đoàn sẽ làm việc với các lãnh đạo cấp cao của Iran, gồm cả Tổng thống Hassan Rouhani, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani và Chủ tịch Hội đồng Điều hợp Iran Akbar Hashemi Rafsanjani. Bên cạnh đó, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Iran (TPO) sẽ tổ chức một diễn đàn thương mại giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại, Công nghiệp, Khai khoáng và Nông nghiệp Iran (ICCIMA).

Nhân chuyến thăm, tờ Tehran Times (Iran) đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch. Dưới đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn.

Tehran Times: Iran và các cường quốc thế giới đã đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran vào tháng 7/2015. Ông đánh giá thế nào về tác động của thỏa thuận đối với tương lai của mối quan hệ Việt Nam - Iran?

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Trước tiên, tôi muốn nói rằng, Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) là một bước đột phá lớn đối với nền ngoại giao Iran. Thay mặt đất nước chúng tôi, tôi xin chúc mừng Tổng thống Hassan Rouhani và cộng sự của ông về thành quả này. JCPOA đánh dấu một thời kỳ mới đối với Iran, giúp đất nước của các bạn hội nhập trở lại với cộng đồng thế giới. Trở lại câu hỏi của các bạn, tôi nghĩ rằng thỏa thuận hạt nhân sẽ có ảnh hưởng tích cực đến mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Iran, bởi trước thời điểm các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, các nước, trong đó có Việt Nam, rất khó khăn trong việc giao thương với Iran. Khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ, trao đổi thương mại song phương sẽ thuận lợi hơn. Hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam mong muốn tham gia vào thị trường Iran và tôi cũng nhận thấy điều này ở các doanh nghiệp Iran.

Hợp tác kinh tế là vấn đề quan trọng đối với cả hai quốc gia. Theo ông, những lĩnh vực nào là chủ chốt trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước?

Về kinh tế, chúng ta cần phải thúc đẩy trao đổi thương mại vì Iran có những mặt hàng mà chúng tôi không có và chúng tôi có những hàng hóa mà Iran cần. Đó là lý do tại sao thương mại là một xuất phát điểm tốt cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Chẳng hạn, lĩnh vực hóa dầu là một trong những thế mạnh của Iran. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều hàng hóa như nông sản, dệt may và giày da có thể cung cấp cho thị trường Iran. Như vậy, hai nước có nhiều mặt hàng để thúc đẩy giao thương. Ngoài ra, lĩnh vực quan trọng khác mà hai nước có thể hợp tác là du lịch. Như tôi được biết, người dân Iran đi du lịch rất nhiều, đặc biệt là tới các nước gần Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để hai nước chú trọng thúc đẩy hợp tác du lịch. Theo tôi, Iran cũng là điểm đến lý tưởng đối với du khách Việt Nam vì Iran là quốc gia giàu bản sắc văn hóa. ​

Ông đã nêu một số lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, trong đó có hóa dầu, dệt may và nông nghiệp. Vậy lĩnh vực năng lượng thì sao, thưa ông?

Thực tế, lĩnh vực hóa dầu có liên hệ chặt chẽ với ngành dầu mỏ. Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Iran lần này, hai bên sẽ thảo luận khả năng thành lập một liên doanh tại Việt Nam giữa Tập đoàn Đầu tư Ghadir của Iran (IGIG) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) để sản xuất các sản phẩm hóa dầu, với nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu từ Iran. Đây là cơ hội tốt đối với Iran vì nếu Iran sản xuất hóa dầu tại Việt Nam, các bạn có thể xuất khẩu sản phẩm thông qua Việt Nam sang các thị trường thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có Mỹ, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc, với mức thuế rất thấp. Dự án liên doanh này có lợi cho cả hai quốc gia vì Iran không thể tiếp cận trực tiếp thị trường TPP. Tôi hy vọng nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Cộng hòa Hồi giáo Iran, hai nước sẽ ký Biên bản ghi nhớ (MOU) liên quan đến liên doanh hóa dầu nói trên.

Theo ông, hai nước sẽ ký kết MOU nào khác nữa nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang?

Hai nước sẽ ký một MOU giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Iran nhằm mở rộng quan hệ trong lĩnh vực ngân hàng giữa hai định chế này, với mục tiêu tạo thuận lợi cho các giao dịch tài chính song phương. Cũng trong chương trình của chuyến thăm sẽ có một diễn đàn doanh nghiệp quy mô lớn sẽ diễn ra bởi đoàn tháp tùng Chủ tịch nước lần này có đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam. Sự kiện này sẽ do Cơ quan Xúc tiến Thương mại Iran (TPO) tổ chức. Chúng ta hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm được đối tác tại thị trường Iran.

Hơn thế nữa, Việt Nam có ngành may mặc rất phát triển và tôi khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực này ở Iran vì đây là một thị trường lớn và là cửa ngõ tiến vào các thị trường khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Trên thực tế, ngành may mặc của chúng ta đang gia công cho các thương hiệu quốc tế như Adidas.

Minh Tuấn (theo Tehran Times)