Khu công nghiệp liên Triều Kaesong. (Nguồn: EAF) |
Ngày 11/2 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã bất ngờ đóng cửa Khu công nghiệp liên Triều Kaesong (KIC), nằm cách Khu phi quân sự (DMZ) 10km về phía Bắc. Động thái này của Hàn Quốc được coi là sự trừng phạt vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên. Việc đóng cửa KIC khiến hơn 52.000 công nhân Triều Tiên mất việc làm và hơn 120 công ty vừa và nhỏ của Hàn Quốc có nguy cơ ngừng hoạt động.
Ngày 8/3, Hàn Quốc công bố các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại Triều Tiên, bao gồm cấm nhập cảnh đối với 40 cá nhân và 30 tổ chức liên quan đến chương trình vũ khí của Triều Tiên. Chính phủ Hàn Quốc hy vọng rằng, các biện pháp trừng phạt mở rộng sẽ khiến nhiều nước giảm thương mại với Triều Tiên và gây áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Thông báo trừng phạt của Hàn Quốc được đưa ra một ngày sau khi Triều Tiên cảnh báo tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân để đáp trả cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn. Trong bối cảnh căng thẳng tăng vọt trên bán đảo Triều Tiên, triển vọng tiếp tục hợp tác kinh tế liên Triều với biểu tượng là KIC dường như khó dự đoán hơn bao giờ hết.
Phao cứu sinh
Tuy nhiên, Hàn Quốc nên xem xét lại quyết định đóng cửa KIC vì khu công nghiệp này đã đóng vai trò không thể thay thế như “phao cứu sinh” cho mối quan hệ liên Triều và đã tồn tại sau nhiều cơn bão chính trị.
Sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã nhận thấy rằng, hợp tác kinh tế và giao lưu xã hội có thể được coi là bàn đạp cho sự hòa giải dân tộc. Các chính quyền Hàn Quốc kế tiếp đã theo đuổi cách tiếp cận nước đôi, tiếp tục hợp tác kinh tế với Triều Tiên, bất chấp những căng thẳng chính trị.
Tuy nhiên, kể từ năm 2008, một sự thay đổi có xu hướng bảo thủ trong hoạt động chính trị Hàn Quốc và một quá trình chuyển giao quyền lực hoàn toàn ở Triều Tiên đã đe dọa triển vọng hợp tác kinh tế liên Triều. Chính quyền Lee Myung-bak ở Hàn Quốc tuyên bố rằng, việc mở rộng KIC sẽ phải tạm ngừng cho đến khi vấn đề hạt nhân của Triều Tiên được giải quyết. Mặc dù vậy, KIC vẫn tiếp tục hoạt động và cuối cùng vượt qua cả những xung đột chính trị và quân sự leo thang trong năm 2010 - bao gồm việc đánh chìm tàu hải quân Cheonan của Hàn Quốc và pháo kích Yeonpyeong của Triều Tiên, một hòn đảo của Hàn Quốc nằm gần làn ranh giới phía Bắc.
Sự gián đoạn thực sự duy nhất đối với KIC xảy ra vào năm 2013, khi Triều Tiên đơn phương ngăn chặn người Hàn Quốc vào khu công nghiệp để trả đũa việc Hàn Quốc tổ chức “cuộc diễn tập giải cứu con tin Hàn Quốc tại KIC” như một phần của cuộc tập trận chung hàng năm Mỹ - Hàn. Sau nhiều tháng đóng cửa, chính phủ hai bên đã đồng ý mở lại KIC với một cơ cấu quản lý chung.
Việc mở lại Khu công nghiệp là rất đúng đắn. Cuộc sống của hàng chục nghìn người Triều Tiên đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ sau khi bị mất việc làm, dẫn đến sự mất ổn định khi các công nhân ngành công nghiệp nhẹ đã phải chuyển đến làm việc tại các đồn điền sâm và trong các nhà máy chế biến thực phẩm với điều kiện lao động hết sức ngặt nghèo. Mối lo ngại đang ngày càng tăng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc ở KIC khi họ phụ thuộc vào lao động Triều Tiên với giá rẻ, đây là một lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của họ.
Việc công nhân Triều Tiên tiếp tục có việc làm tại KIC, được tiếp xúc với nền kinh tế thị trường và điều kiện lao động tốt hơn sẽ rất có ý nghĩa và giá trị trong việc thúc đẩy cải cách và mở cửa kinh tế của Triều Tiên. KIC cũng đóng một vai trò vô giá như một kênh đối thoại cấp cao và là nền tảng cho giao lưu nhân dân qua biên giới. Thông qua sự tương tác thân mật này, KIC là cơ sở cho việc xây dựng lòng tin giữa hai miền Triều Tiên. Ngoài ra, KIC là cơ hội duy nhất cho các cuộc đối thoại liên Triều và các cuộc đàm phán để đạt được các thỏa thuận.
Huyết mạch liên Triều
Về mặt tinh thần, KIC mang ý nghĩa biểu tượng không thể thay thế trong tâm trí của người Hàn Quốc, như là “huyết mạch” duy nhất còn lại kết nối hai miền Triều Tiên. KIC là sáng kiến hợp tác kinh tế duy nhất còn tồn tại giữa hai miền Nam Bắc. Nó đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể bất chấp những căng thẳng chính trị và quân sự gia tăng giữa hai bên. Nếu KIC bị đóng cửa vĩnh viễn, có nghĩa là hy vọng cuối cùng của sự hòa giải giữa hai miền cũng tiêu tan. Hàng chục nghìn gia đình ly tán và con cháu họ sẽ nhận thấy điều này là quá tàn nhẫn và không thể chấp nhận được.
Chính phủ Hàn Quốc nên cân nhắc lợi và hại của việc đóng cửa vĩnh viễn KIC. Chưa có bằng chứng nào cho thấy Triều Tiên đã sử dụng doanh thu từ KIC cho chương trình vũ khí hạt nhân của mình và việc hy vọng rằng sự đóng cửa KIC sẽ dẫn đến một sự thay đổi trong hành vi của Triều Tiên quả thật là quá mơ hồ.
Công bằng mà nói, những tổn thất về kinh tế và chính trị của Hàn Quốc khi đóng cửa KIC sẽ lớn hơn nhiều so với lợi ích làm đòn bẩy thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Chính phủ Hàn Quốc nên xem xét nối lại các hoạt động của KIC, đồng thời duy trì một biện pháp tiếp cận có nguyên tắc trên mặt trận an ninh.
Những lo ngại an ninh xung quanh chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã tồn tại kể từ khi KIC bắt đầu hoạt động và đây cũng không phải lần đầu Bình Nhưỡng đe dọa tấn công Seoul. Chắc chắn rằng, các trường hợp cụ thể và cường độ của mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên đã gia tăng đáng kể, song giá trị cơ bản của việc theo đuổi hợp tác kinh tế và duy trì các kênh tiếp xúc liên Triều cũng không nên bị coi nhẹ.