Trong tất cả các quốc gia trải qua Mùa xuân Arab, Tunisia được đánh giá là có sự thay đổi thành công nhất, nhưng vẫn tồn động một số vấn đề. (Nguồn: AFP) |
Năm 2010, các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa có tiền lệ và có sức lan tỏa chóng mặt. Biểu tình bắt đầu từ Tunisia, sau đó lan rộng ra các nước như Ai Cập, Lybia... và hàng loạt các quốc gia thuộc thế giới Arab tại Trung Đông và Bắc Phi. Các cuộc biểu tình này nhanh chóng leo thang, trở thành các cuộc bạo loạn và xung đột vũ trang căng thẳng giữa quân chính phủ và các nhóm đối lập.
Những cơn “giông bão” chính trị này, có người gọi đó là “cách mạng màu”, có người gọi là “cách mạng hoa nhài” nhưng cũng có người gọi là “cách mạng truyền thông” (được hiểu là các cuộc cách mạng dựa vào các phương tiện truyền thông nhất là các mạng xã hội), còn phương Tây thì gọi các sự kiện này là “Mùa xuân Arab”.
Một số chuyên gia nhận xét, Mùa xuân Arab đã đem lại những lợi ích về chính trị, xã hội và kinh tế ở một số quốc gia nhưng lại khá khiêm tốn. Mặt khác, phong trào đã gây ra tình trạng bạo lực kinh hoàng và kéo dài, di cư hàng loạt và đàn áp ở những quốc gia khác. Trung Đông-Bắc Phi từng một thời mơ về một tương lai tốt đẹp hơn, đã phải trải qua thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI trong hỗn loạn và những biến động không ngừng.
Mồi lửa Tunisia
Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 17/12/2010 khi một người bán hàng rong trẻ tuổi tên là Mohamed Bouazizi sau khi bị cảnh sát tịch thu chiếc xe chở rau, quả, phương tiện kiếm sống cho cả gia đình nghèo khó. Sau những bất lực khi không được sự giúp đỡ từ giới chức quản lý, Bouazizi đã đến văn phòng thống đốc ở thị trấn Sidi Bouzid, miền trung Tunisia và tự thiêu. Bouazizi bị bỏng 90% và qua đời sau đó hai tuần. Sự kiện được lan truyền nhanh chóng qua mạng xã hội Facebook, gây nên sự căm phẫn dẫn tới biểu tình diện rộng.
Vụ việc của Bouazizi không phải là vụ tự thiêu đầu tiên tại đây, hay thậm chí là đầu tiên ở Tunisia, nhưng nó đã trở thành mồi lửa cần thiết làm sự giận dữ của người dân trên toàn đất nước bùng cháy. Phong trào phản đối việc nắm quyền kéo dài 23 năm của Tổng thống Zine Al-Abidine Ben Ali đã sớm trở thành các cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ.
Những người biểu tình giương cao các biểu ngữ phản đối nạn thất nghiệp và nghèo đói, đòi Tổng thống Ben Ali từ chức. Cuối cùng, ngày 14/1/2011, lo sợ cho tính mạng của mình, ông Ben Ali buộc phải từ chức và bỏ chạy khỏi Tunisia sang Saudi Arabia.
Tunisia được coi là điểm khởi đầu của tình trạng hỗn loạn trong khu vực, nhưng Ai Cập mới được coi là bước ngoặt của phong trào Mùa xuân Arab. Những tuần tiếp theo, tại thủ đô Cairo, thành phố lớn nhất và mang nhiều dấu tích về những tranh chấp lịch sử tại khu vực, hàng trăm nghìn người đã xuống đường để yêu cầu phế truất ông Hosni Mubarak, người nắm giữ chức Tổng thống từ năm 1981.
Những sức ép từ người biểu tình đã khiến ông Mubarak phải từ chức vào ngày 11/2/2011, điều mà nhiều người nghĩ sẽ không thể xảy ra.
Kể từ đó, người dân ở những quốc gia khác hiểu ra rằng lãnh đạo lâu năm của họ không phải là những người “bất khả xâm phạm” và thay đổi có thể xuất phát từ bên trong, từ chính tiếng nói của những người dân này.
Tiếp theo, các cuộc biểu tình và bạo loạn đã liên tục lan rộng ra ở Algeria, Yemen, Jordan, Moritani, Arabia Saudi, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Lybia và Morocco. Kết quả là, chính quyền ở một số nước tiến hành cải cách, ở một số nước khác tuyên bố giải tán chính phủ.
Chỉ trong vòng 18 tháng từ tháng 12/2010 đến tháng 5/2012, bốn nguyên thủ quốc gia đã bị lật đổ. Ngoài Tunisia và Ai Cập, ngày 23/8/2011, nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ và bị sát hại vào ngày 20/10/2011. Ngày 27/2/2012, Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh từ chức sau 34 năm cầm quyền và chuyển giao quyền lực cho Tổng thống mới được bầu trong các cuộc bầu cử trước hạn. Ông bị sát hại ngày 4/12/2017.
Theo giới phân tích phương Tây, các cuộc nổi dậy của Mùa xuân Arab không chỉ đơn thuần chống lại giới cầm quyền độc tài lâu năm mà còn phản ánh nhu cầu của công chúng muốn chính phủ cải cách, quan tâm đến quyền lợi và nguyện vọng của người dân. |
Hệ quả không mấy tích cực
Báo cáo của Viện Nghiên cứu an ninh Liên minh châu Âu (IES) đưa ra tháng 5/2017 nhận xét: Bức tranh toàn cảnh của khu vực Trung Đông và Bắc Phi rất ảm đạm. Còn theo báo cáo của các tổ chức quốc tế và Liên hợp quốc, tổng thiệt hại về kinh tế của các nước Arab lên tới hơn 600 tỷ USD, bên cạnh hơn 22 triệu người thất nghiệp, tổn thất về cơ sở hạ tầng lên tới 461 tỷ USD, còn có 15 triệu người phải di tản và 1,3 triệu người chết và bị thương.
Được đánh giá là quốc gia thành công nhất trong Mùa xuân Arab, người dân Tunisia giờ đây có thể tự do bầu lãnh đạo cũng như công khai góp ý trước những sai lầm, yếu kém của nhà nước. Song con đường dân chủ ở quốc gia Bắc Phi này vẫn lắm gập ghềnh khi các đảng phái chính trị trong nước tham gia quá trình bầu cử dân chủ để lập Hiến pháp và chính quyền mới nhưng sau đó lại lao vào đấu đá chính trị và tranh giành quyền lực.
Ở Ai Cập, sau khi Tổng thống Mubarak mất chức, người dân đã bầu ông Mohammed Morsi thay thế trong một cuộc bầu cử tổng thống tự do đầu tiên vào mùa hè năm 2012. Thế nhưng chỉ sau một năm, hàng triệu người dân lại thất vọng và bức xúc đổ xuống đường đòi phế truất ông.
Tổng thống Morsi đã bị quân đội dùng vũ lực lật đổ ngày 3/7/2013 và Ai Cập rơi vào cảnh hỗn loạn, tranh giành quyền lực đẫm máu suốt cho tới khi có Tổng thống mới Abdel Fattah Al-Sisi vào tháng 6/2014.
Tại Lybia, nơi được coi là bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ phong trào này, sau cái chết của ông Gaddafi, quốc gia Bắc Phi đã lâm vào một cuộc nội chiến kéo dài giữa các phe phái gần mười năm nay mà chưa có hồi kết, khiến hơn 25.000 người thiệt mạng. Tại Syria, các cuộc biểu tình leo thang thành một cuộc nội chiến toàn diện. Tổng thống Syria Bashar Al-Assad cầm quyền từ năm 2000 trở thành nhà lãnh đạo duy nhất có thể cầm cự được trước sự tấn công của các lực lượng đối lập nhờ sự giúp đỡ của Nga.
Mùa xuân Arab 2.0
Dư chấn của Mùa xuân Arab không chỉ dừng lại ở đó mà còn liên tục diễn ra cho đến hiện nay và tạo ra một làn sóng biểu tình mới, mà nhiều người gọi là “Mùa xuân Arab phiên bản 2.0”. Algeria, Sudan, Lebanon và Iraq là bốn quốc gia trong khu vực ít bị ảnh hưởng bởi phong trào năm 2011, nhưng vào năm ngoái, làn sóng biểu tình lại tiếp tục nổ ra, thậm chí dẫn đến sự sụp đổ của các chính quyền.
Tháng 4/2019, Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika đã đệ đơn từ chức sau khi xảy ra các cuộc biểu tình chưa từng có tiền lệ và thủ lĩnh quân đội kêu gọi phế truất. Ở Sudan, cũng trong tháng 4/2019, quân đội đã lật đổ, bắt giữ Tổng thống Omar al-Bashir. Biểu tình rầm rộ cũng lan rộng khắp Lebanon và Iraq từ cuối năm 2019 với khẩu hiệu của đám đông muốn loại bỏ toàn bộ tầng lớp cầm quyền.
Trong bối cảnh đó, nhiều người đang đặt dấu hỏi lớn liệu phong trào biểu tình lần này có tạo thêm một “hiệu ứng domino” mới và tiếp tục lan rộng ra khu vực hay không? Tuy nhiên, khi mà những ký ức không mấy tốt đẹp về Mùa xuân Arab 1.0 vẫn còn lưu lại trong tâm trí người dân tại khu vực, ít có khả năng sự phát triển bạo loạn ở Algeria và Sudan sẽ lây lan sang các quốc gia khác.
Không phủ nhận rằng, ở những quốc gia trong khu vực, nhiều nhà lãnh đạo, bị lên án là “độc tài”, đã phải ra đi, nhiều cơ cấu chính trị mới được hình thành, nhưng những cơn dư chấn, biến động trong chính trị các nước Arab vẫn đang tiếp diễn, không biết đến bao giờ mới kết thúc.
Đến nay, giới quan sát hoàn toàn có thể kết luận rằng, làn sóng Mùa xuân Arab đầu tiên không mang lại kết quả như mong đợi. Nói cách khác, Mùa xuân Arab chỉ thật sự đến với những quốc gia này khi người dân không còn đói nghèo và thiếu thốn, khi những bất ổn chính trị được đẩy lùi và cải cách kinh tế được thực hiện.
Sau Mùa xuân Arab, các học giả đã đưa ra thuật ngữ Mùa đông Arab để miêu tả về khoảng trống mà những chính quyền bị lật đổ để lại đã không được lấp đầy tương xứng với yêu cầu và nguyện vọng từ những người biểu tình và thậm chí bất ổn vẫn nảy sinh. Phương Tây, đặc biệt là Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, ban đầu lên tiếng ủng hộ những người biểu tình, nhưng sau đó đã ngưng can thiệp trực tiếp, ngoại trừ chiến dịch lật đổ ông Gaddafi ở Libya. Những chính quyền kế nhiệm non trẻ phần lớn không nhận được sự hỗ trợ từ phương Tây. Đến nay, tại Yemen xảy ra tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong khi Libya rơi vào xung đột liên miên. Theo các học giả của Đại học Warsaw, “Mùa xuân Arab” đã biến thành “Mùa đông Arab” từ năm 2014 với hệ lụy là sự trỗi dậy của nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Thời tang tóc mà IS gây ra cho không chỉ châu Phi, Trung Đông mà cả châu Âu. |