📞
Kỷ niệm 60 năm Học viện Ngoại giao:

Nhớ về một người thầy của mái trường Ngoại giao

Nguyễn Danh Sáo 08:49 | 20/11/2019
TGVN. Thầy Thanh đã đi xa, nhưng mỗi thành viên lớp Phiên dịch 2, Đại học Ngoại giao vẫn nhớ tới người thầy giản dị, thương yêu học sinh hết mực. 
Thầy Vũ Văn Thanh, thầy giáo dạy tiếng Pháp của Phân lớp Pháp, lớp Phiên dịch 2, Đại học Ngoại giao.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam và cũng là dịp Học viện Ngoại giao, mà tiền thân là Trường Đại học Ngoại giao vừa long trọng tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập, tôi không thể không nhớ đến các thầy cô đã dạy dỗ chúng tôi (lớp Phiên dịch 2) trong suốt 5 năm. Một trong số các thầy, cô đó là thầy Vũ Văn Thanh, thầy giáo dạy tiếng Pháp cho lớp chúng tôi.

Thầy Thanh bắt đầu dạy tiếng Pháp cho lớp Phiên dịch 2 từ năm thứ 2, sau khi thầy kết thúc nhiệm vụ phiên dịch cho phái đoàn Việt Nam đàm phán tại Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thầy dạy chúng tôi các môn nghe, đọc hiểu, dịch xuôi và dịch ngược. Từ cuối năm học thứ ba, chúng tôi được thầy dẫn đi thăm Viện Bảo tàng cách mạng, Viện Bảo tàng Quân đội và cả Viện Bảo tàng Lịch sử, một số danh thắng. Thầy liên hệ với các Viện bảo tàng, đặt lịch để các hướng dẫn viên thuyết minh, giới thiệu về các sự tích, hình ảnh trưng bày tại đó. Mỗi thành viên chúng tôi được thầy chỉ định để dịch lời thuyết minh ra tiếng Pháp.

Trong các buổi thực tập như thế này, thầy thường mời cô giáo người Pháp, cô Marie Locket đi cùng để đánh giá, nhận xét về khả năng phiên dịch và diễn đạt của chúng tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi bị tắc, do thiếu từ ngữ diễn đạt hoặc không nhớ được nội dung thuyết minh. Thầy hướng dẫn tỉ mỉ cách ghi nhớ nội dung và cách thức diễn đạt ngắn gọn, mạch lạc. Đây là những bài thực hành rất sinh động và bổ ích.

Những buổi tối mùa hè, thỉnh thoảng thầy dẫn chúng tôi ra sân ngắm sao. Thầy chỉ cho chúng tôi biết tên những chòm sao trên trời cao, đâu là sao Bắc đẩu, dải Ngân hà, rồi chòm Gấu lớn, Gấu nhỏ… Vì thầy ở trong khu nhà tập thể của trường dành cho cán bộ nhân viên, chúng tôi ở nội trú trong trường và tối đến lại tới các phòng học để tự học hoặc học nhóm nên thầy trò gặp nhau như vậy là thường tình.

Thầy Thanh cùng các thầy cô giáo và sinh viên lớp Phiên dịch 2, Đại học Ngoại giao thăm chùa Thầy năm 1974.

Thầy Thanh rất giản dị, gần gũi và thân tình với học sinh. Thầy mới đi nước ngoài về, thầy vẫn đi cái xe đạp cũ. Xe cũ nhưng rất chắc chắn. Vào năm học thứ 4, tôi mời thầy về nhà tôi chơi, nhà cách Trường Đại học Ngoại giao chừng 13 km. Tôi không có xe đạp, xe máy mà đi ô khách thì cũng không thuận tiện. Thầy đưa xe đạp để tôi đèo thầy. Dọc đường đi, thầy nói nhỏ nhẹ là tai nạn giao thông thường hay xảy ra với những người đèo nhau lắm. Tôi hiểu là thầy lo lắng và nhắc khéo tôi đi cẩn thận.

Những năm cuối đời, thầy bị lẫn và mất trí nhớ. Nhưng mỗi khi tôi tới thăm thầy, vừa nhìn thấy tôi là thầy đã gọi đúng tên tôi và bảo tôi vào chơi. Tôi cũng ngạc nhiên và rất mừng là thầy vẫn nhận ra mình và nhớ mình.

Một số thành viên Phân lớp Pháp, Phiên dịch 2, sau khi đi học đạt thành tích tốt tại Trường Đại học Sorbonne của nước Pháp về nước, được thầy Thanh động viên về Trường Đại học Ngoại giao làm giáo viên. Thế là một số chúng tôi được trở thành đồng nghiệp của thầy. Từ đó, thầy Thanh lại ân cần động viên, giúp đỡ để chúng tôi trở thành những giáo viên tốt. Thầy cũng đã được chứng kiến sự phát triển và thành công của chúng tôi, những học trò và sau là đồng nghiệp của thầy.

Thầy Thanh đã đi xa, nhưng mỗi thành viên lớp Phiên dịch 2 chúng tôi vẫn nhớ tới người thầy giản dị, thương yêu học sinh hết mực. Nhất là vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, khi Lớp Phiên dịch 2 chúng tôi cũng vừa tròn 50 năm nhập trường và 45 năm ngày tốt nghiệp đại học, chúng tôi lại càng nhớ và biết ơn thầy.