Nhỏ Bình thường Lớn

Những 'lần đầu tiên' của Tuyên bố chung Hội nghị Ngoại trưởng G7

So sánh với các tuyên bố gần đây, Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) năm nay có nhiều điểm đáng chú ý.
Hội nghị Ngoại trưởng G7 tìm cách lập 'chiến tuyến' ứng phó Trung Quốc? (Nuồn: PA)
Hội nghị Ngoại trưởng G7 ra Tuyên bố chung với nhiều điểm đáng chú ý. (Nguồn: PA)

Đầu tháng 5, Hội nghị Ngoại trưởng các nước G7 đã được tổ chức tại Anh cùng khách mời là đại diện từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi và Brunei. Sau cuộc họp trực tiếp giữa các Ngoại trưởng, Hội nghị đã ra Tuyên bố chung.

Bốn vấn đề ưu tiên

Thứ nhất, Tuyên bố 2021 nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hơn.

Tuyên bố chung G7 chỉ bắt đầu nhắc đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ năm 2017. Trong các văn bản năm 2017 đến 2019, khu vực chỉ được nhắc đến một lần trong mô tả chung về trật tự an ninh biển dựa trên luật lệ.

Trong Tuyên bố 2021, lần đầu tiên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được dành riêng một phần trong các trọng tâm đối ngoại của G7, xếp thứ tư từ trên xuống và xếp thứ hai trong số các khu vực quan tâm (chỉ sau vùng Tây Balkan).

Ngoài ra, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước kia chỉ được nhắc đến với tính chất tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ. Năm 2021, Tuyên bố G7 lần đầu đi sâu vào vấn đề giá trị và kết nối cơ sở vật chất trong khu vực.

Thứ hai, ASEAN cũng được G7 chú ý nhiều hơn cả về lượng và chất.

Tuyên bố 2018 mới bắt đầu nhắc đến ASEAN và đề cập hợp tác với ASEAN nói chung trong các tuyên bố 2018 và 2019.

Năm 2021, Tuyên bố G7 không chỉ nhấn mạnh hợp tác với ASEAN mà còn lần đầu tiên khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Các nước G7 sẽ phối hợp với ASEAN theo phương hướng của Tài liệu Quan điểm về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của ASEAN.

Thứ ba, G7 có xu hướng quan ngại với Trung Quốc hơn.

Trung Quốc chỉ bắt đầu được nhắc đến trong Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao G7 từ năm 2018 và thiên về hướng hợp tác (G7 khuyến khích Trung Quốc tham gia vào các hệ thống quốc tế, G7 “mong muốn” hợp tác với Trung Quốc về các thách thức khu vực và quan ngại về tự do biểu đạt và một số nhóm thiểu số - tôn giáo tại Trung Quốc).

Bắt đầu từ 2019, G7 mạnh dạn chỉ trích Trung Quốc hơn khi lên án tình trạng vi phạm nhân quyền tại Tân Cương và Tây Tạng, các hoạt động “thù địch” trên không gian mạng và chính sách thương mại, đầu tư của Trung Quốc (G7 không còn “mong muốn” mà “hoan nghênh” hợp tác với Trung Quốc).

Xu hướng này được tiếp tục trong Tuyên bố 2021. Tuyên bố năm nay lần đầu tiên dành riêng một phần cho Trung Quốc và lần đầu đạt được đồng thuận giữa EU và Mỹ về vấn đề Đài Loan.

Trong Tuyên bố 2021, G7 nhấn mạnh an ninh và ổn định tại Eo biển Đài Loan và các giải pháp hòa bình cho các vấn đề trong quan hệ hai bờ. Các nước G7 cũng ủng hộ việc Đài Loan tham gia các diễn đàn quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tuy nhiên, một điều không thay đổi là G7 tiếp tục chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền, thương mại và an ninh mạng… và vẫn xếp Trung Quốc sau Nga về thứ tự các đối tượng ưu tiên.

Cuối cùng, các tuyên bố cho thấy G7 ngày càng quan tâm đến Biển Đông, Hoa Đông và an ninh hàng hải.

Từ năm 2017, các Bộ trưởng Ngoại giao G7 bắt đầu bày tỏ quan ngại về những diễn biến tại Biển Đông và Hoa Đông trong phần chung về an ninh biển hay trật tự dựa trên luật lệ.

Tin liên quan
Biển Đông: 4 điểm yếu pháp lý trong yêu sách của Philippines đối với Đá Ba Đầu Biển Đông: 4 điểm yếu pháp lý trong yêu sách của Philippines đối với Đá Ba Đầu

Dù không quá khác biệt về nội dung với Tuyên bố 2019, Tuyên bố 2021 lần đầu tiên dành hẳn một phần riêng cho Biển Đông và Hoa Đông, tách biệt khỏi phần an ninh biển.

Trong đó, các nước G7 phản đối các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, tái khẳng định vai trò quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), của tự do hàng hải và hàng không và của phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài.

Tuy nhiên, Tuyên bố 2021 không kêu gọi các nước tuân thủ Hướng dẫn về Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC) hay nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) như các năm trước.

Liệu điều này có ám chỉ rằng G7 không còn coi DOC hay COC là các văn bản mang giá trị thực chất nữa?

Chuyên gia: ASEAN cần có luật riêng để cân bằng sức mạnh hàng hải ở Biển Đông. (Nguồn: AP)
G7 ngày càng quan tâm đến Biển Đông, Hoa Đông và an ninh hàng hải. (Nguồn: AP)

Những “lần đầu tiên” khác

Tuyên bố 2021 cũng là tuyên bố G7 dài nhất và chi tiết nhất trong một thập kỷ qua, với 40 vấn đề được nêu ra, với nhiều ưu tiên mang tính thời sự mà các năm khác không có.

Vấn đề Myanmar được dành một phần riêng, trong đó các nước G7 lên án chính biến bằng “ngôn từ mạnh mẽ nhất”, khẳng định G7 sẵn sàng có các biện pháp tiếp theo (như chặn nguồn vũ khí, kĩ thuật, hỗ trợ phát triển, quan hệ kinh tế… với chính phủ quân sự) và khuyến khích các nước khác có hành động tương tự.

Ngoài ra, G7 tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ người Rohingya như đã làm từ năm 2018.

Bên cạnh đó, G7 lần đầu dành một phần riêng trong Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao cho vấn đề Covid-19.

Ngoài các nội dung về y tế như đảm bảo tiếp cận vaccine hay cam kết tài trợ cho COVAX, các nước G7 cũng quan tâm đến các khía cạnh kinh tế - xã hội liên quan đến dịch bệnh như chốngbạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, bình đẳng giới hay phục hồi kinh tế hậu Covid-19...

2021 cũng là năm đầu tiên G7 nhắc đến việc các chính phủ chặn Internet (Internet shutdown), coi đây là vi phạm quyền công dân và quyền tự do cá nhân và khẳng định sẽ đối xử với các động thái của các quốc gia trên không gian mạng tương tự như trong các không gian khác dựa trên luật quốc tế.

* Thạc sĩ Đỗ Hoàng, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao.

TIN LIÊN QUAN
Cập nhật Covid-19 ngày 27/5: Thái Lan nhận kỷ lục 'buồn'; AstraZeneca bị kiện; Mỹ-Trung tranh cãi về nguồn gốc virus SARS-CoV-2
Mỹ gọi, vì sao Trung Quốc không trả lời?
Giải mã động thái ngoại giao đầu tiên của chính quyền ông Biden với Đông Nam Á
Phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên: Quyết tâm của Mỹ sau nhiều lần lỡ hẹn?
Biển Đông: 4 điểm yếu pháp lý trong yêu sách của Philippines đối với Đá Ba Đầu