Hiểu về Retinol
Retinol là chất dẫn xuất và chiết xuất tổng hợp từ vitamin A dùng nhiều trong da liễu để làm chậm lão hóa, chữa mụn, chữa nám da, tăng collagen và nhiều chức năng khác.
Có 3 dạng kem retinol là retinol (Alcohol), retinal (Aldehyde) và retinoid acid (acid). Ba dạng này tuy cùng là retinol nhưng có tốc độ hấp thụ và tác dụng khác nhau lên tế bào da.
Retinol hấp thu chậm nhất và retinoic acid hấp thụ nhanh nhất. Kem retinol cũng được sản xuất theo nhiều thế hệ nên tác dụng phụ và độ thẩm thấu cũng khác nhau.
Kem chứa retinol cũng có nhiều loại: OTC (không cần đơn) và thuốc kê đơn với các hàm lượng khác nhau. Đây là điểm quan trọng cần hiểu rõ vì nhiều bệnh nhân không biết rằng kem retinol mua ngoài cửa hàng mỹ phẩm hay mua online có nồng độ và tiêu chuẩn khác với kem retinol kê đơn của bác sĩ.
Thường kem retinol tự mua khó kiểm soát về chất lượng, độ tinh khiết và các hoạt chất khác.
Trong đó, kem retinoids bác sĩ kê toa có nhiều nồng độ khác nhau, từ 0,01% đến 0,1% với dạng gel, kem... Thông thường bác sĩ sẽ kê đơn kem thoa với nồng độ thấp nhất.
Còn kem retinol mỹ phẩm thường kèm theo chất giữ ẩm, có thể thoa toàn bộ lên mặt trong khi kem retinol kê toa chỉ nên dùng vào vùng da bị ảnh hưởng, cần điều trị.
Chúng ta có thể lấy retinoid tự nhiên qua ăn uống, trong thức ăn trái cây màu vàng đỏ, trứng, hay rau xanh.
Kem retinol chống lão hóa da thế nào?
Retinol khi vào da sẽ bám vào tế bào giữa thượng bì và trung bì, di chuyển vào nhân tế bào, bám vào thụ thể RARs (Retinol acid receptor) và RXRs (Retinol X receptor), làm tăng độ dày sừng, tăng collagen trung bì, tăng hyaluronic acid (là chất filler hay tiêm vào làm giảm nếp nhăn), giảm khả năng tạo mạch máu, kết quả là làm làn da dày, căng, và trẻ hơn.
Retinol cũng ức chế lên các AP1 và NF-IL-6, tăng Th1, giảm Th2... là các dẫn xuất gây viêm sưng, làm giảm viêm nhiễm, từ đó cải thiện làn da bị mụn.
Kem retinol khi vào da phải chuyển hóa thành retinoic acid để có thể hiệu quả lên tế bào. Do đó, các loại kem retinol và retinal sẽ có tác dụng chậm hơn, ít tác dụng phụ hơn nhưng cũng chậm có kết quả hơn so với retinoic acid.
Tác dụng trị nám của retinol
Như chúng ta đã biết, retinol là một dẫn xuất của vitamin A. Vitamin A có vai trò làm giảm vết thâm nám, vết nhăn và giúp mau liền sẹo.
Vitamin A cũng hỗ trợ khả năng tái tạo và hồi phục làn da và thúc đẩy chuyển hóa tế bào, sản sinh collagen để cho da khỏe mạnh và săn chắc. Do đó, retinol có thể dùng để trị nám da, thâm da khá hiệu quả.
Hơn nữa, retinol có vai trò trong điều trị mụn - cũng là cách để chống thâm da, nám da. Chính vì thế, retinol thường được các bác sĩ kê toa trong điều trị nám và mụn.
Cách sử dụng kem retinol an toàn
Kem retinol khi thoa những ngày đầu thường gây khó chịu với triệu chứng da khô, đỏ, sưng và tróc thành từng mảnh. Vì vậy, dùng retinol theo hướng dẫn của bác sĩ là rất quan trọng.
Bệnh nhân chỉ nên dùng 3 lần/tuần vào mỗi tối trong những tuần đầu tiên để cơ thể từ từ quen với việc thay đổi da.
Trước khi thoa kem, cần kiểm tra độ nhạy cảm của da bằng cách thoa retinol lên mặt trong cánh tay. Nếu không có phản ứng bất thường có thể sử dụng retinol lên phần da mặt.
Tuy nhiên, retinol có thể gây những kích ứng nhẹ như đã nêu ở phần trên, sau đó, khi làn da quen dần, các tác dụng kích ứng này sẽ hết. Có thể thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn cách thoa kem an toàn hơn.
Đậy nắp hộp kem sau khi mở để đảm bảo chất retinol ổn định.
Nên thoa kem giữ ẩm trước khi dùng kem retinol ít nhất 15 phút, đợi đến khi kem giữ ẩm thấm hoàn toàn vào da thì mới thoa kem retinol lên, nhất là kem retinol từ đơn của bác sĩ.
Khi sử dụng retinol, làn da sẽ nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, do đó, cần thoa kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên, thoa kem chống nắng cả khi không đi ra ngoài trời.