📞

Những ngày cuối nhiệm sở, ông Trump lại nhận 'đòn đau' từ Quốc hội Mỹ

15:00 | 03/01/2021
TGVN. Ngày 1/1, Quốc hội Mỹ đã bác quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump đối với dự luật chi tiêu quốc phòng. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Những nỗ lực phủ quyết của ông Trump đều bị Quốc hội Mỹ vô hiệu hóa. (Nguồn: AFP)

Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã tổ chức một phiên họp hiếm hoi trong ngày đầu năm mới để tranh luận về dự luật, vốn đã được Hạ viện bỏ phiếu thông qua. Dự luật trị giá 740 tỷ USD sẽ tài trợ cho chính sách quốc phòng trong năm tới.

Ông Trump, người sẽ rời nhiệm sở trong vài tuần tới, đã phản đối một số điều khoản trong dự luật. Thượng viện đã bỏ phiếu 81-13 cho Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) - đa số cần thiết để bác quyền phủ quyết của Tổng thống ở cả 2 viện. Động thái này diễn ra chỉ 2 ngày trước khi một Quốc hội mới của Mỹ tuyên thệ nhậm chức.

Ông Trump trước đó đã phủ quyết 8 dự luật và đều được thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội ủng hộ. Ông sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20/1 và được thay thế bởi đảng viên Dân chủ Joe Biden.

Ông Trump phản đối điều gì?

Ông Trump đã phản đối các chính sách hạn chế việc rút quân khỏi Afghanistan và châu Âu, đồng thời phản đối việc đổi tên các căn cứ quân sự hiện được đặt theo tên các lãnh đạo Liên minh miền Nam thời nội chiến Mỹ. Ông cũng gọi dự luật dài 4.500 trang, kéo dài gần một năm để thực hiện là một “món quà cho Trung Quốc và Nga”.

Ông Trump nói trong một tuyên bố: “Thật đáng tiếc đạo luật không bao gồm các biện pháp an ninh quốc gia quan trọng, nhưng lại bao gồm các điều khoản không tôn trọng các cựu chiến binh và lịch sử quân đội, mâu thuẫn với nỗ lực của chính quyền của tôi nhằm đặt nước Mỹ trên hết trong các hành động chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia”.

Ông Trump cũng cho rằng các biện pháp hạn chế đưa quân về nước của dự luật là “chính sách tồi” và “vi hiến”. Dự luật hạn chế khả năng của Trump trong việc ra quyết định rút tất cả binh sĩ Mỹ còn lại khỏi Afghanistan ngay lập tức.

Dự luật yêu cầu ông phải gửi một "đánh giá toàn diện, liên ngành về các rủi ro và tác động trước khi sử dụng ngân quỹ để giảm quân nhân Mỹ ở Afghanistan xuống dưới 4.000 quân hoặc dưới mức hiện tại và thực hiện điều đó một lần nữa trước khi rút xuống dưới 2.000 quân”.

Trước khi cuộc tranh luận bắt đầu, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết ông quyết tâm thông qua dự luật. Ông nói: “Đây là những gì Thượng viện đang tập trung vào- hoàn thành luật quốc phòng hàng năm để chăm sóc những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm của chúng ta, những người tình nguyện mặc quân phục. Chúng tôi đã thông qua đạo luật này 59 năm liên tiếp. Và bằng cách này hay cách khác, chúng tôi sẽ hoàn thành NDAA hàng năm lần thứ 60 và thông qua luật này trước khi Quốc hội này kết thúc vào ngày 3/1”.

Sau đó, ông Trump đã phản ứng về cuộc bỏ phiếu, cụ thể nhắm vào vấn đề bảo vệ các công ty truyền thông xã hội. Ông muốn dự luật bãi bỏ các biện pháp bảo vệ đối với các công ty truyền thông xã hội.

Ông viết trên Twitter: “Thượng viện đảng Cộng hòa của chúng ta vừa bỏ lỡ cơ hội loại bỏ Mục 230, trao quyền lực vô hạn cho các công ty công nghệ lớn. Điều đó thật thảm hại!!!”.

Vì sao Quốc hội phải thực hiện động thái này?

Các dự luật được Quốc hội thông qua cần có chữ ký của tổng thống để trở thành luật. Trong những trường hợp hiếm hoi, một tổng thống có thể chọn phủ quyết hoặc bác bỏ luật vì một số bất đồng chính sách.

Các nhà lập pháp có thể bác quyền phủ quyết của tổng thống và ban hành các dự luật thành luật bằng cách tập hợp đủ 2/3 số phiếu trong cả hai viện của Quốc hội.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng quyền phủ quyết của ông Trump là “một hành động liều lĩnh đáng kinh ngạc gây tổn hại cho quân đội, gây nguy hiểm cho an ninh và làm suy yếu ý chí của Quốc hội lưỡng đảng”.

Bà nói trong một tuyên bố: “Trong thời điểm đất nước chúng ta là mục tiêu của một cuộc tấn công mạng quy mô lớn, thật khó hiểu lý do đằng sau sự vô trách nhiệm của tổng thống”.

Ngày 1/1, Thượng nghị sĩ Jack Reed, thành viên cấp cao của đảng Dân chủ trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nói rằng dự luật là "cần thiết" trong việc tăng cường an ninh mạng quốc gia chống lại kiểu tấn công có chủ đích trên diện rộng gần đây đã nhằm vào cả chính phủ và một số công ty tư nhân.

Về nhận xét của ông Trump rằng Moscow và Bắc Kinh có thể sẽ “tán thành” dự luật đó, ông Reed nói rằng bình luận đó là "hoàn toàn vô căn cứ”.

Trong dự luật cũng có một điều khoản lên án Trung Quốc xâm lược quân sự Ấn Độ. Theo hãng tin PTI của Ấn Độ, điều khoản này phản ánh sự yểm trợ mạnh mẽ của chính phủ Mỹ đối với các đồng minh và đối tác ở vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và những nơi khác.

Cụ thể, một nghị quyết trong NADD, do nghị sĩ gốc Ấn Độ Raja Krishnamoorthi đề nghị, yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt tấn công quân sự vào Ấn Độ dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC).

Bày tỏ “quan ngại rất lớn” về hành động xâm lấn quân sự tiếp diễn của Trung Quốc dọc theo LAC, dự luật ngân sách quốc phòng Mỹ yêu cầu Trung Quốc cùng với Ấn Độ giải quyết tình hình tại đường ranh giới này thông qua các cơ chế ngoại giao hiện có, chứ không được dùng đến hành động cưỡng ép hay vũ lực.

Theo hãng tin này, phản ứng về việc nghị quyết mà ông đề nghị được đưa vào luật ngân sách quốc phòng Mỹ, nghị sĩ Krishnamoorthi nói: “Sự xâm lấn thô bạo của Trung Quốc dọc theo LAC với Ấn Độ, cũng như nhắm vào các nước khác là không thể chấp nhận được. Việc nghị quyết này trở thành luật là một thông điệp rõ ràng về sự yểm trợ và đoàn kết đối với Ấn Độ và các đối tác khác của chúng ta trên khắp thế giới vào thời điểm chúng ta bước vào năm mới”.

Dự luật về ngân sách quốc phòng Mỹ vừa được thông qua còn nhấn mạnh rằng những yêu sách chủ quyền “vô căn cứ” của Trung Quốc đối với các vùng như Biển Đông và Biển Hoa Đông là những yêu sách gây mất ổn định và trái với luật pháp quốc tế.

Tại Thượng viện hôm 1/1, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Jim Inhofe và ông Jack Reed liên tục chúc mừng nhau về sự hợp tác kéo dài trong nhiều tháng qua của họ đối với dự luật này- một điều hiếm thấy về hợp tác giữa hai đảng trong một Quốc hội đang bị chia rẽ sâu sắc.

(theo AFP/Reuters)