TIN LIÊN QUAN | |
Tổng kết các hoạt động Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam | |
Mít tinh trọng thể kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris |
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), chiến lược của Mỹ là duy trì nguyên trạng, củng cố chính quyền Sài Gòn, dùng đòn bẩy kinh tế đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) để kiềm chế cả miền Bắc và Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMN). Trong khi đó, Chính quyền Sài Gòn muốn xóa ngay Hiệp định, chiếm đất, giành dân, tiếp tục chiến tranh.
Đấu tranh thi hành Hiệp định Paris
Trong bối cảnh đó, với phương châm giương cao ngọn cờ hòa bình, thi hành Hiệp định Paris, chúng ta đã tiến hành triển khai nhiều hoạt động ngoại giao lớn. Một là, cùng Mỹ triệu tập, đồng chủ trì Hội nghị quốc tế về Việt Nam, tiến hành tại Paris từ 26/2-2/3/1973. Tại Hội nghị , 12 nước, bên ký định ước xác nhận và cam kết tôn trọng các văn bản của Hiệp định Paris, tăng thêm giá trị pháp lý của Hiệp định cũng như vị trí của VNDCCH và CPCMLTCHMN.
Đoàn đại biểu Việt Nam tại lễ ký kết Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973. |
Hai là, mở các diễn đàn, tiếp tục vừa đánh, vừa nói chuyện. Trong đó có Diễn đàn Ban liên hợp quân sự bốn bên và hai bên tại sân bay Tân Sơn Nhất, tập trung đấu tranh buộc Mỹ rút hết quân, đòi Sài Gòn thực hiện ngừng bắn và trao trả những người bị giam giữ; Diễn đàn hai bên miền Nam Việt Nam họp tại Lacelle Saint Cloud (Paris), chủ yếu là đấu tranh dư luận; và Diễn đàn VNDCCH - Mỹ.
Ba là, đấu tranh đòi Mỹ chấm dứt dính líu quân sự. Do sức ép của nhân dân Mỹ, Quốc hội nước này buộc phải cắt giảm viện trợ cho chính quyền Sài Gòn.
Bốn là, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới. Chúng ta hạn chế mặt tiêu cực của dư luận cho rằng chiến tranh đã chấm dứt, không cần ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam như trước.
Một kế hoạch ấp ủ trong hai năm
Thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 và Lệnh của Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng ngày 15/10/1973, trên các chiến trường quân ta lên tiếp tấn công làm thất bại kế hoạch lấn chiếm, bình định của chính quyền Sài Gòn, mở rộng thêm một số vùng giải phóng, đánh dấu so sánh lực lượng trên chiến trường đã thay đổi cơ bản. Chuyển biến trên chiến trường ở miền Nam trùng hợp với chuyển biến mới ở Mỹ. Vụ Watergate khiến Richard Nixon phải từ chức, gây rối loạn về quyền lực và khủng hoảng niềm tin kéo dài trong xã hội Mỹ. Chính quyền Mỹ yếu và phải đối mặt với nhiều khó khăn. Liệu Mỹ có dám can thiệp trở lại bằng quân sự ở miền Nam Việt Nam hay không?
Hội nghị Bộ Chính trị (30/9-8/10/1974) nhận định "đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam". Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Ba tháng sau (18/12/1974-8/1/1975), Bộ Chính trị họp mở rộng và kết luận: “nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc”. Dù kế hoạch được dự liệu trong hai năm, nhưng Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh: “Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Đó là một khả năng hiện thực”.
Để thực hiện mục tiêu chiến lược trên, Bộ Chính trị giao cho mặt trận ngoại giao nhiệm vụ: “sử dụng khôn khéo vũ khí đấu tranh ngoại giao, góp phần giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập, hòa hợp dân tộc nhằm cô lập bọn tay sai ngoan cố, làm sáng tỏ chính nghĩa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới; ngăn chặn âm mưu và thủ đoạn can thiệp, phá hoại của đế quốc Mỹ và bọn phản động quốc tế”. Trọng tâm hoạt động ngoại giao là ngăn chặn khả năng can thiệp trở lại bằng quân sự của Mỹ.
Từ khi bắt đầu chuẩn bị thực hiện quyết tâm chiến lược mới, chúng ta tiến hành một loạt các biện pháp ngoại giao nhằm tấn công địch và chuẩn bị dư luận. Trước tiên là kết thúc cục diện vừa đánh vừa đàm. Do thái độ ngoan cố của chính quyền Sài Gòn, Diễn đàn hai bên miền Nam ở Paris đã ngừng hoạt động từ tháng 4/1974 và chấm dứt hoàn toàn vào ngày 25/8/1974. Ta cũng chủ động "cắt cầu" hẳn Diễn đàn Việt – Mỹ. Việc làm này nhằm tố cáo Mỹ và chính quyền Sài Gòn; quy trách nhiệm và cắt mọi sợi dây mà chúng có thể bấu víu, trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Thứ hai, chúng ta đưa ra hai đòi hỏi cấp bách: Mỹ chấm dứt mọi can thiệp, dính líu; thay Thiệu cùng phe cánh bằng một chính quyền Sài Gòn tán thành hòa bình, hòa hợp dân tộc và thi hành Hiệp định. Với Tuyên bố này, chúng ta đã khóa vấn đề ngừng bắn, cột chặt thêm vấn đề chính quyền, đồng thời tố cáo và cô lập chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Ngăn chặn những mưu toan cuối cùng
Cuối 1974 - đầu 1975, chúng ta triển khai kế hoạch hai năm, giành nhiều thắng lợi trên mặt trận Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Sau giải phóng Buôn Ma Thuột, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975; hướng tấn công chiến lược là Sài Gòn. Chúng ta dự đoán Mỹ có thể thay Nguyễn Văn Thiệu bằng nhân vật khác để yêu cầu thương lượng và thi hành Hiệp định. Ngày 21/3/1975, ta khóa chặt thêm giải pháp chính trị, nêu yêu cầu thay Nguyễn Văn Thiệu bằng chính quyền tán thành hòa bình, hòa hợp dân tộc, độc lập và dân chủ.
Đầu tháng 4, Chính quyền Sài Gòn mất Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, nguy cơ sụp đổ đến gần. 2/4/1975, Mỹ gửi công hàm cho Liên Xô, Trung Quốc đề nghị họp hội nghị quốc tế bàn việc thực hiện ngừng bắn. Ngày 9/4/1975, đại quân ta tấn công Xuân Lộc, Phan Rang (16/4/1975) hình thành thế bao vây, uy hiếp Sài Gòn. Hai ngày sau, Tổng thống Gerald Ford ra lệnh sơ tán người Mỹ khỏi Sài Gòn.
Những ngày Sài Gòn sắp thất thủ, Mỹ cầu cứu Liên Xô. Đại sứ Liên Xô tại Mỹ nhớ lại: “Ngày 19/4, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger chuyển “bức thư thượng khẩn” của Tổng thống Ford gửi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev khẩn thiết đề nghị Liên Xô giúp đỡ làm thế nào để tạm thời ngưng chiến tại Nam Việt Nam… thực hiện được việc di tản những người Mỹ và Nam Việt Nam mà Mỹ có trách nhiệm đối với họ”. Moscow đồng ý chuyển đề nghị của Mỹ cho VNDCCH. 24/4/1975, ông Brezhnev gửi thư cho ông Ford: “Ban lãnh đạo Liên Xô đã liên hệ với phía Việt Nam. Việt Nam hứa không gây bất kỳ trở ngại nào trong việc sơ tán các công dân Mỹ khỏi Nam Việt Nam. Về giải pháp chính trị, phía Việt Nam sẽ căn cứ vào Hiệp định Paris. Việt Nam không có ý định làm cho uy tín của Mỹ bị tổn thương”.
Ngày 20/4/1975, chính quyền Mỹ ép Nguyễn Văn Thiệu từ chức với hy vọng một chính quyền không có Thiệu có thể thương lượng để trì hoãn thất bại. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, 23/4/1975, Tổng thống Ford tuyên bố: “cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với nước Mỹ”, công khai thừa nhận sẽ không can thiệp trở lại. Cùng ngày, Mỹ đề nghị ngưng bắn và thương lượng. Trần Văn Hương, Phó Tổng thống lên thay, cử đại diện đến sân bay Tân Sơn Nhất gặp phái đoàn CPCMLTMN trong Ban Liên hợp quân sự hai bên nhằm thực hiện ý đồ của Mỹ.
Chúng ta coi chính quyền Trần Văn Hương là chính quyền Thiệu không có Thiệu nên không tiếp đại diện của Trần Văn Hương. Trên cơ sở phân tích âm mưu các thế lực thù địch, chúng ta dự đoán sẽ có một chính quyền Sài Gòn thuộc lực lượng thứ ba đứng ra thương lượng với CPCMLT. Vì vậy, ngày 26/4/1975, CPCMLT tuyên bố: “xóa bỏ hoàn toàn bộ máy Ngụy quyền và bộ máy chiến tranh, kìm kẹp của nó”, đồng thời kêu gọi quân đội Sài Gòn hạ vũ khí để bớt đổ máu và thương vong cho nhân dân. Tuyên bố khẳng định không còn giải pháp chính trị, vượt qua khuôn khổ Hiệp định Paris. Đây chính là tối hậu thư buộc địch đầu hàng.
Ngày 27/4/1975, Dương Văn Minh - nhân vật đối lập - đã lập chính phủ mới gồm người thuộc lực lượng thứ ba. Dương Văn Minh tuyên bố đòi Mỹ rút hết, yêu cầu thương lượng, cử đại diện gặp phái đoàn quân sự CPCMLT ở Tân Sơn Nhất và dự định cử đại diện ra Hà Nội thương lượng, nhưng chúng ta không chấp nhận. Đại sứ Mỹ cũng cố gắng gặp đại diện của chúng ta ở Tân Sơn Nhất, song chúng ta không trả lời. Tất cả đã quá muộn. Ngay từ đêm 26/4, quân ta đã mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Ngoài ra, ngoại giao còn góp phần giải quyết một số vấn đề có tính chất sách lược: ngăn chặn hành động trung gian muộn mằn của một số nước lớn, làm thất bại kế hoạch di tản nhân đạo của Liên hợp quốc do Mỹ gợi ý. Phía ta bác bỏ các gợi ý đàm phán không thích hợp của Liên Xô, Trung Quốc và ngăn cản các hành động trung gian của Pháp.
Hiệp định Paris qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Trung tâm ... |
40 năm Hiệp định Paris và những bài học trong lĩnh vực ngoại giao Theo đề nghị của Báo Thế giới và Việt Nam, tờ báo của ngành Ngoại giao, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris, ... |
Hiệp định Paris, sự ủng hộ của một cộng đồng mạnh Trong những thỏa thuận và những hiệp định quốc tế, chỉ có ngày ký và tên của những người ký là xuất hiện trước lịch ... |