Tiến sĩ Kinh tế và duyên thơ
Sinh năm 1949, ông Nguyễn Xuân Nho vào công tác tại Bộ Ngoại giao cuối năm 1973, sau đó ông học và bảo vệ luận án Tiến sĩ Kinh tế ở Tiệp Khắc năm 1985. Là tùy viên Đại sứ quán Việt Nam ở Tiệp Khắc (1979), khi về nước ông trở thành chuyên gia nghiên cứu về Tiệp Khắc thuộc Vụ châu Âu 1. Ông giữ cương vị Trợ lý Vụ trưởng vào năm 1990, trở lại Tiệp Khắc làm Tham tán Đại sứ quán (1992 – 1995) rồi là Trợ lý Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế (1996).
Ông Nguyễn Xuân Nho. |
Suốt quãng thời gian dài công tác và cống hiến, ông Nho là một chuyên gia giỏi về Tiệp Khắc, cán bộ chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế đối ngoại, đồng thời là phiên dịch. Ông còn tham gia những đề tài nghiên cứu về khôi phục kinh tế đất nước, chống lạm phát...
Ông Nho chia sẻ, từ thời còn học lớp 10, ông từng có chân trong đội tuyển học sinh giỏi Văn toàn quốc. Trong quá trình làm việc, với tâm hồn lãng mạn và giàu tình cảm, ông Nho đã sáng tác hàng trăm bài thơ. Thời gian công tác tại Báo Thế giới & Việt Nam trước khi về hưu, ông có tới 12 bút danh trên báo với các bài nghiên cứu về kinh tế, chứng khoán. Viết nhiều về kinh tế nhưng ông vẫn dành thời gian cho thơ. Thơ ông mộc mạc mà xúc động, như:
“Và tôi đi, cũng như đồng chí quê ta
Bạn khoác ba lô đi vào xứ nóng
Là tôi ngồi tàu sang xứ lạnh
Hai trái tim theo tiếng gọi quê nhà”
Hay:
“Hái một chùm mây gửi bạn nhà
Hoa trời nói hộ những ngày xa
Lên non mới biết non cao thật
Thiên đường mặt đất thật nguy nga…”
Đặc biệt, ông đã sáng tác nhiều bài thơ theo chủ đề Ngọc Hoàng như: Chat với Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng lên Facebook, Ngọc Hoàng uống bia cùng Bút Trúc… đăng trên các số Tết của báo. Mới đây, bài thơ “Lý Sơn sừng sững một tượng đài” của ông đã được phổ nhạc, có những câu thơ xúc động như:
“Ai bảo biển ngày xưa không có cát
Sao dã tràng xe cát Biển Đông
Ai bảo biển mình cả đời ca hát
Sao đậm những câu ca tan nát cõi lòng...”
Nữ thi sĩ của Bộ
Bà Trần Thị Tâm, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao là người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Bà có rất nhiều thành tích, tiêu biểu là tham gia xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến công tác lãnh sự, bảo hộ công dân... Bà nhiều lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, đặc biệt là từng được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tặng bằng khen do có thành tích góp phần sơ tán các công dân Việt Nam đang sống và làm việc tại Lybia về nước năm 2010. Không chỉ công tác giỏi, bà làm thơ cũng giỏi.
Ngay từ hồi lớp 5, cô bé Tâm đã học sáng tác thơ văn với các thầy là những nhà thơ nổi tiếng như Phạm Hổ, Phong Thu, Nguyễn Khoa Điềm, Kim Chuông, các nhà văn Đức Hậu, Lê Bính... Từ đó cô bé được học cách viết văn, làm thơ đúng lề luật. Lên cấp III và vào đại học, nữ sinh Tâm tham gia Trại sáng tác văn thơ tỉnh Thái Bình và có nhiều bài thơ được đưa vào Tuyển tập Búp trên cành của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình.
Bà Trần Thị Tâm |
Bà đã đoạt các giải của Cuộc thi "Viết về thế hệ trẻ Việt Nam anh hùng", do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức. Bà nhận Giải khuyến khích cho bài thơ "Tiếng đập đất".
Đặc biệt, khi đang học cấp II ở Thái Bình, tham gia Cuộc thi "Em yêu đồng ruộng quê em" do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức, bà nhận Giải nhất với chùm ba bài thơ: "Trang sổ của mẹ"; "Ngõ nhỏ ngày mùa" và "Hương cau". Tại Cuộc thi "Bảo vệ môi trường sống" do Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước tổ chức, bà cũng đoạt Giải nhì (không có Giải nhất) với bài thơ "Cây bàng trong vườn trẻ". Những năm sau đó, bà tiếp tục có nhiều bài thơ được đăng trên các báo Văn nghệ, Thiếu niên Tiền phong…
Bà Tâm tâm sự, những cảm xúc về mẹ - người phụ nữ mòn mỏi chờ đợi chồng trong những năm tháng chiến tranh dài đằng đẵng đã khiến bà viết bài thơ Mòn đêm chờ đợi mà sau này được một nhạc sĩ phổ nhạc thành bài hát Đợi chờ. Ngoài ra, các cán bộ ngành Ngoại giao đều biết đến bài hát Tự hào lãnh sự Việt Nam của bà sáng tác nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Lãnh sự Việt Nam. Thời gian sau này, bà còn rất nhiều bài thơ đăng trên báo Văn Nghệ, một số bài viết về đề tài thương binh, thanh niên xung phong...
Bà cho biết: “Tôi làm thơ chỉ để chơi, để ghi lại cảm xúc của mình, cho mọi người thân xung quanh đọc, do đó tôi chưa có ý định xuất bản”. Có lẽ vậy, bà hay làm thể thơ tự do và viết rất nhanh, có lúc đang lái xe ý thơ tự bật ra trong đầu.
Dưới đây là bài thơ Những mùa thu D.C. bà Tâm viết tặng Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến và những cán bộ đã từng công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ:
“Mai ta về, Trái Đất nửa vòng quay
Hà Nội vào thu nồng nàn hoa sữa
Phố nhỏ, người đông, xe nêm chật cửa
Bụi đường bay, cay lòng mắt cố nhân.
Mùa hạ đi qua rừng Rock Creek xanh
Nuối tiếc điều chi vàng hoe mắt lá?
Potomac xót đôi bờ nước cả
Tháp bút chì đơn chiếc đứng trầm ngâm!
Thêm một lần thu cho tròn những
mùa xuân,
Bớt một mùa đông để ấm nồng nắng hạ.
Người đến, người đi... nơi bờ bến lạ,
Khúc tâm tình người đi sứ xa quê.
Sáng đấu “Nhân quyền”,
chiều dẹp “Ba que”,
Bằng ánh sáng của Làng Sen, Mỏ Hạt.
Như con sóng miệt mài ru bờ cát,
Hiến đời mình cho khao khát biển xanh.
Những mùa thu qua…
đường thơ thênh thênh,
Hành trang theo ta
đủ bốn mùa mưa nắng.
“Tôn giáo”, “Nhân quyền”,
... lùi vào xa vắng,
Vãn nỗi nhọc nhằn…
khơi nhịp phách liêu trai!”