Hồ tiêu Việt Nam là nông sản xuất khẩu đạt 1 tỷ USD liên tục trong những năm 2014 - 2017, đặc biệt lập kỷ lục 1,42 tỷ USD vào năm 2016. (Nguồn: TTXVN) |
Hồ tiêu Việt Nam vốn đã rất nổi tiếng trên thị trường thế giới và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao trong ngành gia vị. Việt Nam hiện là nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới với 40% sản lượng và 60% thị phần, nhiều sản phẩm phong phú như tiêu đen, tiêu xanh, tiêu trắng, tiêu bột, tiêu ngâm dấm… xuất khẩu sang hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, thương hiệu hồ tiêu Việt Nam vẫn chưa thực sự mạnh xứng tầm, giá tiêu xuất khẩu nước ta vẫn thấp hơn một số nước.
Thế mạnh dẫn đầu thế giới
Việt Nam liên tục là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới kể từ năm 2004. Mặt hàng hồ tiêu Việt Nam là nhóm nông sản xuất khẩu đạt 1 tỷ USD liên tục trong những năm 2014 - 2017, đặc biệt lập kỷ lục 1,42 tỷ USD vào năm 2016. Loại hạt được ví như “vàng đen” này được trồng tại 6 tỉnh trọng điểm là Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Phước.
Những năm gần đây, diện tích hồ tiêu tại Việt Nam giảm đáng kể, từ 152.000 ha (năm 2017) xuống còn 130.000 ha (năm 2022), đứng thứ 3 thế giới thế giới sau Indonesia (188,8 nghìn ha) và Ấn Độ (131,7 nghìn ha). Sản lượng năm 2022 đạt 175.000 tấn, giảm 10% so với 2021.
Trong hơn một thập niên qua, giá tiêu Việt đã trải qua giai đoạn lên xuống, có thời điểm đạt đỉnh gần 230.000 đồng/kg, nhưng có thời điểm giá giảm còn 34.000 đồng/kg. Hiện nay, giá hồ tiêu tại thị trường trong nước ở mức 70.000 đồng/kg.
Ngành hồ tiêu và gia vị đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng trên 2 tỷ USD, với tổng sản lượng từ 400.000 - 500.000 tấn. Để đạt được mục tiêu này, ngành cần nâng cao chất lượng sản phẩm và khai thác tốt nguồn lực từ các thị trường, phát huy lợi thế từ nước xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới.
Tuy diện tích sản xuất không lớn nhất nhưng sản lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm hơn 40% về sản lượng và gần 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu của thế giới. Khoảng hơn 90% khối lượng hồ tiêu của Việt Nam dùng cho xuất khẩu sang các nước Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Trung Đông… còn lại tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2023, lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam đạt 183.900 tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022; tuy nhiên, kim ngạch đạt 600 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu trung bình hạt tiêu của Việt Nam đạt 3.263 USD/tấn, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam 8 tháng 2023, đạt 53.792 tấn, tăng 454,8% và chiếm 28,7% thị phần. Tiếp theo là Mỹ đạt 33.589 tấn, giảm 10,6%, chiếm 17,9% thị phần.
Ngoài ra, EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam. Năm 2022, khối này chiếm 23,1% thị phần xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam, đạt 53.543 tấn.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong một thời gian dài, hồ tiêu Việt Nam đến với thế giới bằng một cái tên khác. Nhưng hiện nay, tình hình đã được cải thiện. Có đến 50% lượng hạt tiêu xuất khẩu được bán trực tiếp cho các nhà máy chế biến gia vị tại nhiều nước.
Với năng lực chế biến lớn, mỗi năm, các doanh nghiệp có thể xử lý lên tới trên 140.000 tấn hồ tiêu, trong khi sản lượng tiêu trong nước còn thấp. Do đó, ngoài việc tham gia vào khâu chế biến sản phẩm trong nước, ngành hồ tiêu có thể chế biến cho những nước xuất khẩu tiêu có công nghệ chế biến chưa phát triển như Indonesia, Campuchia, Brazil… Các nhà xuất khẩu Việt Nam đã và đang trở thành một mắt xích trong chuỗi phân phối toàn cầu, khả năng chi phối giá cả thị trường cũng được mở rộng.
Khó khăn, thách thức còn nhiều
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song hiện nay, ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều vướng mắc.
Giá hồ tiêu Việt Nam, bao gồm cả tiêu đen và tiêu trắng, thường ở mức thấp so với mặt bằng thế giới. Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) năm 2020, giá tiêu đen Việt Nam ở mức 4.100-4.200 USD/tấn, thấp hơn giá tiêu đen Malaysia khoảng 1.000 USD/tấn và thấp hơn tiêu Ấn Độ khoảng 2.800 USD/tấn. Trong khi đó, giá tiêu trắng của Việt Nam khoản g6.100 USD/tấn so với 7.600 USD/tấn tiêu trắng Malaysia và 7.000 USD/tấn tiêu trắng Muntok.
Dù hồ tiêu Việt Nam đã có vị thế trên thị trường quốc tế nhưng trong 6 tỉnh trọng điểm sản xuất, Việt Nam mới chỉ xây dựng được thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê (từ cuối năm 2021). Hiện nay, giá xuất khẩu hồ tiêu có thương hiệu luôn cao hơn từ 15%-20% so với hồ tiêu xuất khẩu loại 1, đây là vấn đề để các doanh nghiệp xuất khẩu cần xem lại.
Ngoài ra, hồ tiêu Việt Nam đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn. Những bất ổn về địa chính trị, xung đột Nga-Ukraine, lạm phát… hiện vẫn đang còn tác động đến tiêu thụ hàng hóa nói chung, trong đó có hồ tiêu. Trong bối cảnh đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ còn biến động trong thời gian tới.
Ngoài ra, gần đây, yêu cầu và quy định của các thị trường nhập khẩu, nhất là EU, về rào cản phi thuế quan tiếp tục gia tăng và ngày càng khắt khe. Hàng rào lớn nhất của ngành tiêu ở thị trường EU là tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.
Để phát triển bền vững thương hiệu "Hồ tiêu Việt Nam"
Để sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam khẳng định được thương hiệu, vị thế trên thị trường thế giới, ngành cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, tiêu chí sản xuất theo hướng phát triển bền vững, tăng cường liên kết nhà sản xuất với các doanh nghiệp chế biến và nhà xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu cần tiếp cận thông tin cũng như tìm hiểu thị trường để đưa ra những quyết định về xuất khẩu phù hợp nhất. (Nguồn: Black Pepper Plant) |
Tại Hội nghị quốc tế ngành hồ tiêu Việt Nam năm 2022 tổ chức ở Đắk Lắk, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương cho rằng, để các sản phẩm tiêu của Việt Nam khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới một cách bền vững, ngành hồ tiêu cần tăng khả năng hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về các khía cạnh như dư lượng hóa chất, các tiêu chí sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường.
“Ngoài ra, ngành hồ tiêu cần áp dụng các công nghệ quản lý sản xuất, truy xuất và kết nối khách hàng. Đồng thời, định hướng lại chiến lược xây dựng hình ảnh, tăng cường sự hiện diện một cách có chiến lược ở các thị trường chủ chốt, có chiến lược cụ thể, hiệu quả về phát triển sản phẩm mới vào các thị trường cao cấp”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Còn theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA, để đảm bảo giá trị ngành hàng hồ tiêu, luôn luôn cần sự hợp tác chặt chẽ giữa người xuất khẩu, nhà chế biến với người sản xuất. Phải đặt nông dân ở vị trí trung tâm và nông dân cần nâng cao kiến thức canh tác.
Cần sự hợp tác của doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu, cụ thể là cần khuyến khích doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ hoặc liên kết với hợp tác xã, nông dân. Nhà sản xuất cần ứng dụng các công nghệ trong quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, kết nối khách hàng.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu cần tiếp cận thông tin cũng như tìm hiểu thị trường để đưa ra những quyết định về xuất khẩu phù hợp nhất. Tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu và Thương vụ Việt Nam tại các nước tiếp tục cập nhật các thông tin, chính sách thay đổi của các nước sở tại để thông báo kịp thời cho doanh nghiệp.
Ngành hồ tiêu đang nỗ lực tìm hướng phát triển bền vững bằng cách khuyến khích sản xuất theo hướng hữu cơ. Nguồn cung dồi dào, chất lượng khiến Việt Nam còn là địa điểm lý tưởng để cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài mở nhà máy chế biến sâu gia vị, trong đó có hồ tiêu.
Thực tế, đã có doanh nghiệp nước ngoài thực hiện được việc này, hiệu quả đạt được rất tốt, vừa nâng cao giá trị cho doanh nghiệp, vừa nâng cao vị thế thương hiệu hồ tiêu Việt Nam”. Ngày càng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới
Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Hiện nay, ngành hồ tiêu và gia vị của Việt Nam mới chỉ khai thác được 40 - 50% tiềm năng nên vẫn còn nhiều dư địa. Nếu được hỗ trợ kết nối với thị trường, cùng với định hướng sản xuất quy hoạch ngành hàng bền vững, đáp ứng nhu cầu nhà nhập khẩu thì kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu và các loại gia vị có thể đạt đến 2 - 3 tỷ USD/năm”.