UNICEF cho rằng, các quốc gia G7 và nhóm các quốc gia thành viên EU có thể quyên góp khoảng 153 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. (Nguồn:AP) |
Theo người đứng đầu UNICEF: "Con đường rõ ràng nhất để thoát khỏi đại dịch này là công bằng toàn cầu trong việc phân phối vaccine, chẩn đoán và điều trị. COVAX hướng tới cho một con đường như vậy".
Tuy nhiên, cơ chế COVAX hiện đang bị thiếu nguồn cung mà một trong những nguyên nhân là do tình hình dịch ở Ấn Độ, trung tâm sản xuất vaccine cho toàn cầu.
Theo bà Fore, do nhu cầu sử dụng vaccine của Ấn Độ tăng vọt dẫn tới việc COVAX không có được 140 triệu liều dự định phân phối cho các nước có thu nhập thấp và trung bình cho đến cuối tháng 5. Khả năng 50 triệu liều dự kiến vào tháng Sáu cũng khó đạt được.
Bên cạnh đó, chủ nghĩa dân tộc vaccine, năng lực sản xuất hạn chế và thiếu kinh phí, là những lý do tại sao tiến độ triển khai vaccine Covid-19 quá chậm.
Bà Fore kêu gọi nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chia sẻ vaccine dư thừa của họ ngay lập tức như một biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Giám đốc UNICEF nêu rõ: "Các quốc gia G7 và nhóm các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể quyên góp khoảng 153 triệu liều vaccine nếu họ chia sẻ chỉ 20% nguồn cung sẵn có của họ trong tháng 6, tháng 7 và tháng 8 trong khi vẫn đáp ứng được các cam kết tiêm phòng cho người dân nước mình".
Bà Fore cho hay, một số thành viên G7 có nguồn cung ứng vaccine lớn trong khi một số thành viên đã triển khai vaccine trên diện rộng, vì vậy, một cam kết chung khẩn cấp trong việc thu lại các liều vaccine dư thừa và chia sẻ gánh nặng trách nhiệm sẽ có thể giúp cho các quốc gia dễ bị tổn thương không trở thành điểm nóng toàn cầu trong thời gian tới.
Người đứng đầu UNICEF nhấn mạnh, chia sẻ những liều vaccine hiện đang dư thừa là một biện pháp ngăn chặn tối thiểu, thiết yếu, khẩn cấp và cần được thực hiện ngay.