Mối quan hệ Nga - Trung có thể trở thành một liên minh ? (Nguồn: Diplomatcourier.com) |
Bài phân tích của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Phó Oánh, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc cho thấy sự phức tạp trong mối quan hệ "tay ba": Trung Quốc, Nga và phương Tây.
Hai quan điểm sai lầm
Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, có hai quan điểm chính định hướng các đánh giá của phương Tây về mối quan hệ Trung-Nga và những dự đoán về tương lai của nó. Quan điểm thứ nhất cho rằng mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow dễ tổn thương, bấp bênh, và đậm dấu bất ổn. Đó là một cuộc "hôn nhân dàn xếp" - cụm từ được nhiều người ủng hộ quan điểm trên sử dụng, họ cho rằng Nga và Trung Quốc khó xích lại gần nhau và việc họ "chia tay" là có thể xảy ra. Một quan điểm khác nhận định rằng các yếu tố chiến lược và thậm chí ý thức hệ là cơ sở của mối quan hệ Trung-Nga và dự đoán hai nước này - đều coi Mỹ như là vật cản đối với các mục tiêu của họ - sẽ thành lập một liên minh chống Mỹ và phương Tây.
Cả hai quan điểm trên đều không phản ánh được chính xác bản chất thực sự của mối quan hệ này. Mối quan hệ Trung-Nga là một quan hệ đối tác chiến lược ổn định và hoàn toàn không phải là một "cuộc hôn nhân dàn xếp": nó phức tạp, vững chắc, và có cội nguồn sâu xa. Những diễn biến của các mối quan hệ quốc tế kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh chỉ đưa hai nước xích lại gần nhau hơn. Một số nhà phân tích và giới chức phương Tây suy đoán (và thậm chí hy vọng) rằng các cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria và Ukraine, trong đó Nga tích cực can thiệp, sẽ dẫn đến những căng thẳng – thậm chí sự đổ vỡ trong mối quan hệ Bắc Kinh-Moscow. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Tuy nhiên, Trung Quốc không quan tâm tới việc thiết lập một liên minh chính thức với Nga hay một mặt trận chống Mỹ hay chống phương Tây dưới bất cứ hình thức nào. Trái lại, Bắc Kinh hy vọng Trung Quốc và Nga duy trì mối quan hệ hai bên nhằm mang lại cho hai nước láng giềng lớn một môi trường an toàn thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi bên và hỗ trợ lẫn nhau thông qua mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, xây dựng một mô hình các nước lớn biết quản lý những bất đồng và hợp tác nhằm củng cố hệ thống quốc tế.
Kể từ năm 1992, quan hệ Trung-Nga dần được cải thiện và trở nên sâu đậm hơn. (Nguồn: orientalreview.org) |
Những mối quan hệ ràng buộc
Từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, Trung Quốc đã ký kết nhiều thỏa thuận liên minh với Đế chế Nga, và Liên Xô sau đó. Tuy nhiên, những thỏa thuận này chỉ có thời hạn ngắn, và bất cứ thỏa thuận nào cũng chỉ mang tính dàn xếp giữa hai nhà nước có sức mạnh không ngang bằng nhau. Trong các thập niên sau đó, hai nước đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác, nhưng thường bị chi phối bởi sự ngờ vực và tranh đua. Năm 1989, vào thời điểm Liên Xô suy tàn, quan hệ giữa hai nước cuối cùng đã bình thường trở lại. Hai nước đã cùng nhau tuyên bố rằng họ sẽ phát triển mối quan hệ song phương dựa trên "sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không gây hấn, không can thiệp vào nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, và cùng tồn tại hòa bình". Hai năm sau, Liên Xô tan rã nhưng quan hệ Trung-Nga vẫn được duy trì dựa trên nguyên tắc "không liên minh, không xung đột, và không nhằm vào bất kỳ nước thứ ba nào".
Không lâu sau đó, Liên bang Nga non trẻ ra đời và đã đề ra cái gọi là phương thức tiếp cận Đại Tây Dương. Để giành được sự tin cậy và giúp đỡ của phương Tây, Nga không chỉ tuân theo những quy tắc của phương Tây về cải cách kinh tế, mà còn nhượng bộ về các vấn đề an ninh quan trọng, gồm cả việc cắt giảm kho dự trữ vũ khí hạt nhân chiến lược. Tuy nhiên, mọi thứ đã không diễn ra như Nga hy vọng khi nền kinh tế Nga bắt đầu đình trệ và ảnh hưởng của Nga trong khu vực suy yếu.
Năm 1992, thất vọng trước việc Mỹ và châu Âu không thực hiện những cam kết, và tức giận trước những bàn tán về việc NATO mở rộng về phía Đông, Nga đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến châu Á. Trong năm đó, Trung Quốc và Nga đã tuyên bố rằng họ xem nhau như là "hai nước bạn hữu" và đã đưa ra một tuyên bố chính trị chung khẳng định "quyền tự do lựa chọn con đường phát triển riêng của mỗi dân tộc phải được tôn trọng, và những khác biệt về hệ thống xã hội và ý thức hệ không thể là vật cản đối với sự phát triển bình thường của các mối quan hệ quốc tế".
Kể từ đó, quan hệ Trung-Nga dần được cải thiện và trở nên sâu đậm hơn. Trong hơn 20 năm qua, thương mại và đầu tư song phương phát triển ồ ạt. Năm 2011, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Chỉ riêng năm 2014, đầu tư của Trung Quốc tại Nga tăng 80% - và xu hướng đầu tư vẫn tiếp tục tăng mạnh. Để có thể hình dung về sự phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước trong giai đoạn đó, chỉ cần làm một phép so sánh: vào đầu những năm 1990, thương mại song phương hàng năm giữa Trung Quốc và Nga chỉ đạt khoảng 5 tỷ USD, so với gần 100 tỷ USD vào năm 2014.
Cũng trong năm 2014, Bắc Kinh và Moscow đã ký một thỏa thuận lịch sử về việc xây dựng một đường ống dẫn dầu - bắt đầu vận hành vào năm 2018, và mỗi năm sẽ cho phép vận chuyển gần 38 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga sang Trung Quốc. Hai nước cũng lên kế hoạch ký kết nhiều thỏa thuận về sản xuất điện hạt nhân, xây dựng không gian vũ trụ, hệ thống đường sắt cao tốc và phát triển hạ tầng. Ngoài ra, hai nước còn có quan hệ hợp tác trong một số thể chế tài chính đa quốc gia mới, như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Ngân hàng phát triển BRICS và Quỹ dự phòng của các nước BRICS.
Đồng thời, quan hệ an ninh giữa hai nước cũng được cải thiện. Trung Quốc trở thành một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga, và hai nước hiện đang thảo luận về một số dự án nghiên cứu và phát triển chung về vũ khí. Việc mở rộng hợp tác quốc phòng Trung-Nga gồm hoạt động tham vấn giữa các quan chức quân sự cấp cao, huấn luyện và diễn tập chung, trong đó có hơn 10 cuộc diễn tập chống khủng bố trong suốt 10 năm qua, được thực hiện song phương hoặc trong khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Trong 20 năm qua, hàng nghìn quân nhân Trung Quốc đã học tập tại Nga, và nhiều quan chức quân sự Nga được đào tạo ngắn hạn tại Học viện Quốc phòng Trung Quốc.
Cùng lúc với sự tăng cường các mối quan hệ kinh tế và quân sự, quan hệ chính trị giữa hai nước cũng được củng cố. Năm 2008, Trung Quốc và Nga đã giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ vốn cản trở quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ, chính thức phân định biên giới dài hơn 2.600 dặm (4.184 km) và nhờ đó loại bỏ được nguyên nhân chính gây căng thẳng giữa hai nước - một thành quả hiếm khi đạt được của các nước láng giềng lớn. Trong những năm gần đây, hai nước đã tổ chức đều đặn các cuộc họp thường niên giữa nguyên thủ quốc gia, thủ tướng, các nhà lập pháp và các ngoại trưởng. Kể từ năm 2013, sau khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đã 5 lần đến thăm Nga và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã 3 lần thăm Trung Quốc trong cùng thời kỳ. Tổng cộng, ông Tập và ông Putin đã gặp nhau 12 lần, và Putin đã trở thành vị nguyên thủ nước ngoài mà ông Tập gặp thường xuyên nhất kể từ khi nhậm chức chủ tịch.
Giữa quan hệ Nga - Trung vẫn tồn tại những khác biệt trong chính sách đối ngoại. (Nguồn: Tratfor) |
Quản lý các bất đồng
Cho dù quan hệ hai nước đã đạt được những bước tiến như trên, song những mâu thuẫn vẫn còn tồn tại, và họ luôn không có cùng những ưu tiên trọng tâm trong chính sách đối ngoại. Nga có truyền thống hướng về châu Âu, trong khi Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến châu Á. Phong cách ngoại giao của hai nước cũng khác nhau. Nga có nhiều kinh nghiệm hơn trên trường quốc tế, thiên về những ứng xử ngoại giao mạnh mẽ, năng động, và gây bất ngờ. Ngược lại, ngoại giao Trung Quốc mang tính phản ứng và thận trọng hơn.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đôi khi đã gây ra một tâm trạng bất an ở Nga, một số người Nga khó thích ứng với sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa Trung Quốc và Nga. Ở Nga vẫn có người nhắc đến "mối đe dọa từ Trung Quốc", một cụm từ lưu truyền từ các thời kỳ trước đây. Một cuộc thăm dò do Quỹ công luận Nga tiến hành năm 2008 cho thấy khoảng 60% người Nga lo ngại rằng luồng di dân Trung Quốc tới các vùng biên giới Viễn Đông sẽ đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga; 41% tin rằng một Trung Quốc mạnh hơn sẽ phương hại đến các lợi ích của Nga.
Việc Trung Quốc tìm kiếm các cơ hội đầu tư và thương mại ở nước ngoài đã dẫn đến sự tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc với các nước thuộc Liên Xô cũ, và Nga đã bắt đầu lo sợ Trung Quốc cạnh tranh với Nga ở những khu vực ảnh hưởng trong các nước láng giềng. Một phần vì lý do này, Moscow đã không mặn mà với sáng kiến "Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa" của Bắc Kinh trước khi rốt cuộc cũng đã tán thành sáng kiến này vào năm 2014. Trong khi đó, một số người Trung Quốc vẫn tiếp tục ấp ủ những hiềm thù lịch sử đối với Nga. Cho dù vấn đề biên giới đã được giải quyết, các nhà bình luận Trung Quốc đôi lúc đã gay gắt nhắc lại việc gần 600.000 dặm vuông (tương đương 965.400 km2) thuộc lãnh thổ Trung Quốc đã bị nước Nga Sa Hoàng thôn tính hồi cuối thế kỷ XIX.
Tuy nhiên, khó có thể dựa trên những khác biệt này để tiên đoán, như ở phương Tây, là Bắc Kinh và Moscow đang quay lưng lại với nhau. Giả định này đã có lúc xuất hiện trong các bình luận ở phương Tây trong 2 năm qua, khi quan hệ giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trở nên xấu đi do các cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine. Tuy nhiên, dù có một số mâu thuẫn, Trung Quốc và Nga đều mong muốn phát triển vững chắc quan hệ song phương của họ và hiểu rằng họ phải chung tay để đảm bảo an ninh quốc gia và sự phát triển. Sự hợp tác của họ có lợi cho thế cân bằng trong hệ thống quốc tế và có thể tạo thuận lợi cho việc giải quyết một số vấn đề quốc tế. Có khi họ đồng ý với nhau, có khi không. Song họ có thể thừa nhận và kiềm chế những bất đồng và tiếp tục mở rộng phạm vi đồng thuận. Như Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nhận định, mối quan hệ Trung-Nga đã mang lại một phương thức tiếp cận mới trong việc quản lý các quan hệ đối ngoại và là một mô hình mà các nước khác có thể noi theo.
Các cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine đã cho thấy rõ cách Trung Quốc và Nga quản lý hiệu quả các quan hệ đối tác của họ. Nhiều người ở Mỹ xem thái độ của Trung Quốc đối với cuộc xung đột ở Ukraine là mập mờ hay nghi ngờ Trung Quốc đã đứng về phía Nga. Trên thực tế, sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được tôn trọng. Trung Quốc nhấn mạnh rằng tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột Ukraine nên giải quyết các mâu thuẫn thông qua đối thoại, thiết lập cơ chế phối hợp, tránh các hoạt động có thể khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, và giúp Ukraine duy trì ổn định kinh tế và tài chính. Trung Quốc không đứng về phe nào: công bằng và khách quan là những nguyên tắc chỉ đạo của Bắc Kinh trước các vấn đề quốc tế.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao và lãnh đạo Trung Quốc cũng lưu tâm đến những nguyên nhân gây khủng hoảng, trong đó có các "cuộc cách mạng màu" mà phương Tây hỗ trợ ở các quốc gia hậu Xôviết, và sức ép đối với Nga xuất phát từ việc NATO mở rộng về phía Đông. Ngoài ra, những vấn đề lịch sử, dân tộc, tôn giáo và lãnh thổ phức tạp vốn đã tồn tại từ lâu giữa Nga và các nước thuộc Liên Xô trước đây cũng được nêu lên. Cuộc khủng hoảng Ukraine là kết quả của tất cả những yếu tố này. Như ông Tập đã nói, cuộc khủng hoảng "không từ trên trời rơi xuống".
Liên quan tới vấn đề Syria, theo quan điểm của Bắc Kinh, việc Nga can thiệp quân sự là theo yêu cầu của Chính phủ Syria để chống lại các lực lượng khủng bố và cực đoan. Tuy kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức, Washington có chung mục tiêu với Moscow là tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Do vậy, Mỹ một mặt chỉ trích sự can thiệp của Nga, nhưng mặt khác, lại bày tỏ mong muốn hợp tác với Nga trong các hoạt động chống khủng bố. Tuy nhiên, động thái của Nga không đúng như Mỹ mong đợi, nhưng cũng không hoàn toàn gây tổn hại cho các lợi ích của Mỹ. Theo quan điểm của Trung Quốc, Nga và Mỹ cùng quan tâm tới việc tấn công thế lực khủng bố IS tàn bạo. Điều mà Trung Quốc hy vọng là cuộc đàm phán giữa Nga, Mỹ, Iran, và một số cường quốc khác trong khu vực sẽ đạt được tiến bộ trong việc giải quyết cuộc xung đột.
Tuy nhiên, khó có thể xác định quan hệ hợp tác Mỹ-Nga ở Syria có thể sẽ đi đến đâu khi hai nước không có cùng cách hiểu về những gì sẽ đưa đến hòa bình và cho phép thiết lập lại trật tự, và nhiều quan sát viên Trung Quốc vẫn cảm thấy khó hiểu khi thấy công luận Mỹ và Nga vẫn còn bị Chiến tranh Lạnh chi phối quá nặng nề. Các chính trị gia và các nhà bình luận Mỹ có xu hướng nói về Nga như thể nước này vẫn là đối thủ bại trận trong Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, các quan chức và quan sát viên Nga thường xuyên chỉ trích cách hành xử của Washington là kiêu ngạo hay đế quốc. Một số nhà phân tích của cả Nga và Mỹ cho rằng sự cách biệt giữa Moscow và Washington về vấn đề Syria và Ukraine có thể dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Nhưng theo quan điểm của Trung Quốc, các cuộc đối đầu hiện tại giống nhiều hơn như một sự nối dài thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh. Người ta vẫn còn khó có thể biết liệu Moscow và Washington có nắm bắt cơ hội này để đặt dấu chấm hết những sự thù địch trước đây hay không.
Xem tiếp Nước Nga trong mắt Trung Quốc (Kỳ 2): Cuộc chơi ba bên