Phần lớn cộng đồng quốc tế không công nhận cuộc bầu cử lần này từ trước khi nó bắt đầu. (Nguồn: Foreign Policy) |
Con số nói lên điều gì?
95,1% - đó là tỷ lệ phiếu bầu (theo kết quả chính thức) mà ông Al-Assad đã giành được trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 26/5, một cuộc bầu cử mà mọi thông số đều do Al-Assad và đảng Baath của ông kiểm soát.
Số phiếu bầu mà Al-Assad nhận được - 13,5 triệu phiếu - vượt xa con số mà giới quan sát cho là tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu trên thực tế.
Sau khi có kết quả kiểm phiếu, nhật báo Al-Watan thân chính phủ hôm 28/5 đã đăng trên trang nhất dòng tiêu đề: “95,1% người dân Syria đã lên tiếng: Bashar Al-Assad là Tổng thống của nền cộng hòa”.
Với việc 2 “đối thủ” do chính ông Al-Assad sắp đặt chỉ nhận được chưa đầy 5% số phiếu còn lại, kết quả bầu cử lần này dường như đã khép lại khả năng Al-Assad có thể sử dụng bầu cử để bắt đầu một nền chính trị tự do hơn.
Chuyên gia phân tích Nicholas Heras thuộc Viện Newlines ở Washington (Mỹ) nói: “Nỗ lực ngoại giao quốc tế nhằm cải cách Syria đã chết và cuộc bầu cử lần này với tỷ lệ 95,1% phiếu bầu ủng hộ nhà độc tài Al-Assad chính là chiếc đinh cuối cùng đóng lên cỗ quan tài của họ”.
Liên hợp quốc (LHQ) đã hy vọng cuộc bầu cử lần này sẽ là một bước ngoặt trong nỗ lực cải cách Syria, song những sửa đổi Hiến pháp được kỳ vọng từ lâu đã không bao giờ xảy ra. Phần lớn cộng đồng quốc tế không công nhận cuộc bầu cử lần này trước khi nó bắt đầu, ngoại trừ Nga, quốc gia đã hoan nghênh chiến thắng “quyết định” của ông Al-Assad.
Trong diễn văn được phát trên sóng truyền hình quốc gia, ông Al-Assad khẳng định, cuộc bầu cử lần này là một “thách thức chưa từng có tiền lệ đối với kẻ thù của Syria”.
Theo chuyên gia Nicholas Heras, Moscow và một đồng minh quan trọng khác của Damascus – Tehran - đã gửi đi “một thông điệp quan trọng tới Mỹ và các đồng minh của Washington rằng sẽ không có tương lai cho Syria nếu không có ông Assad”.
Những ưu tiên của chính quyền Al-Assad?
Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố tối 27/5, ông Al-Assad đã tuyên bố “giai đoạn” tái thiết Syria đã bắt đầu. Chế độ Al-Assad hiện chỉ kiểm soát khoảng 2/3 lãnh thổ Syria và một số vùng trong số đó đang trong tình trạng đổ nát, chủ yếu do các đợt ném bom do chính lực lượng của chính phủ thực hiện.
Ông Nicholas Heras cho rằng, chiến dịch tranh cử của ông Al-Assad đã xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo “đã chiến thắng cuộc chiến, có ý tưởng lớn để tái thiết Syria và là người duy nhất có thể kiểm soát” tình trạng hỗn loạn giai đoạn hậu chiến.
Tuy nhiên, phương Tây sẽ không muốn viện trợ tái thiết, nếu Syria không thực hiện cải cách chính trị.
Điều này buộc Damascus phải quay sang các cựu thù ở Vùng Vịnh để cầu viện. Một số chế độ quân chủ đã mở lại cơ quan đại diện ngoại giao ở Damascus và ông Al-Assad hy vọng có thể nâng cấp các mối quan hệ này để bắt đầu nhiệm kỳ mới kéo dài 7 năm của mình.
Phát biểu trên một đài truyền thanh địa phương, ông Buthaina Shaaban, Cố vấn cấp cao của Al-Assad, cho biết “các nỗ lực đang được thực hiện nhằm cải thiện mối quan hệ giữa Damascus và Riyadh”. Ngoại trưởng Faisal al-Meqdad cũng đề cập “sự tan băng” trong quan hệ với khu vực.
Ông Shadi Ahmand, chuyên gia phân tích người Syria, nhận định, những tháng cầm quyền đầu tiên của ông Al-Assad trong nhiệm kỳ thứ tư này sẽ được đánh dấu bằng “việc khôi phục các mối quan hệ song phương”.
Việc nối lại quan hệ ngoại giao diễn ra đúng một thập kỷ sau khi bùng phát cuộc nội chiến ở Syria, một cuộc chiến mà ông Al-Assad từng tuyên bố ông phải chống lại các lực lượng nổi dậy được trang bị và tài trợ bởi các cường quốc Vùng Vịnh.
Những lựa chọn thay thế?
Câu thần chú “Tôi hoặc sự hỗn loạn” của ông Al-Assad từ giai đoạn đầu của cuộc chiến đã được đơn giản hóa thành “Tôi hoặc không gì cả”, khi giờ đây, cuộc giao tranh gần như đã kết thúc.
Hai đối thủ trong cuộc bầu cử hôm 26/5 đều được coi là những ứng cử viên “trên giấy tờ”, đến từ phe đối lập “mang tính tượng trưng”.
Đối thủ đáng gờm thực sự của ông hiện đang sống lưu vong tại một số quốc gia và những quốc gia này không muốn hoặc không thể thực hiện các hành động quyết định để thay đổi chế độ ở Syria.
Các cường quốc phương Tây như Mỹ và Pháp, những quốc gia từng khăng khăng đòi ông Al-Assad rời bỏ quyền lực, đã mô tả cuộc bầu cử lần này là “không tự do và bất công” và là “một trò hề”.
Ông Karim Emile Bitar, chuyên gia phân tích Trung Đông và là Giáo sư tại Đại học Saint Joseph ở Beirut, cho rằng, “ngoài việc mô tả như vậy, tiếng nói của họ hầu như rất ít trọng lượng”.
Tuy nhiên, về lâu dài, ông Bitar khẳng định, bản thân ông Al-Assad sẽ cảm thấy mình trở thành “con tin của các quốc gia bảo trợ trong khu vực, đặc biệt là Iran và Nga”.
Ông nói: “Sớm hay muộn, cuộc chơi sẽ thay đổi và phe đối lập sẽ nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm và hy vọng một chương mới trong lịch sử Syria sẽ mở ra. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, tôi thấy có rất ít lý do để lạc quan”.