📞

Ông đồ cũng học chơi Facebook

12:00 | 12/02/2016
Gắn bó cả cuộc đời với sinh viên và giảng đường, hàng tuần lên lớp, tôi tự gọi mình là "ông đồ". Không phải ông đồ với bút lông, nghiên mực mà với phấn trắng, bảng đen. Rồi phấn bảng cũng phải nhường chỗ cho bảng trắng với bút dạ. Đến những năm đầu thế kỷ mới, mỗi giảng đường được trang bị một máy chiếu, rất hiện đại. Giữa thời buổi @, ông đồ biết làm sao đây?
Tác giả bài viết.

Những năm đầu thời kỳ Đổi mới, nhà trường tổ chức nhiều lớp học vi tính cho cán bộ, giảng viên. Háo hức lắm, ông đồ xưa cũng đi dự vài buổi. Giảng viên thao thao những vấn đề lý thuyết, những nguyên tắc cơ bản của máy tính. Vốn làm nghề dạy Sử, tôi nghe cứ "ù ù cạc cạc", chẳng hiểu gì. Nhưng lại nghĩ, đây là "xu hướng hiện đại", không tránh được nên tôi phải tìm lối đi cho riêng mình.

Gần nhà tôi có cửa hiệu máy vi tính rất hoành tráng. Cậu chủ khá trẻ và nhiệt tình. Tôi đến làm quen và đưa ra yêu cầu: "Ông dạy tôi đánh máy vi tính, không lý thuyết, chỉ thực hành". Từ khởi động máy, làm quen những thao tác cơ bản, chỉ sau vài buổi, tôi đã có thể "mổ cò" trên bàn phím. Số là sau ngày giải phóng miền Nam, trong khi mọi người vào Sài Gòn đi tìm xe máy, tủ lạnh thì một mình tôi đi nhờ mua một máy chữ loại xịn. Cho nên mổ cò trên máy vi tính với tôi không mấy khó khăn. Thế là cặm cụi, say sưa đánh máy bài giảng, bài tham luận… sướng lắm, vì sửa bài, lắp ghép các đoạn tiện hơn máy chữ nhiều.

Dù vậy, tôi cũng gặp không ít phen hú vía. Có đêm, tôi đang rà soát bài viết chuẩn bị cho hội thảo sáng hôm sau thì chẳng biết bấm vào chỗ nào, cả bài biến mất sạch! Loay hoay, tìm toát mồ hôi cũng chẳng thấy, tôi lại phải gọi cậu con trai dậy cứu nguy. Trong cơn ngái ngủ, nó gắt: "Bố chẳng chịu học cơ bản gì cả". Tôi "im thin thít" ngồi xem nhưng thầm nghĩ: "U60 rồi, học cơ bản thì đến bao giờ"? Nói vậy nhưng tôi cũng phải rút kinh nghiệm, ghi chép lại, mỗi việc phải làm mấy động tác để cứ theo thế mà làm. Mò mẫm gửi email, đọc báo mạng, ghi footnote, sưu tầm tài liệu, lập bảng thống kê… Rồi cứ làm đúng như thế, lâu dần thành quen.

Có bạn nói gõ máy tính làm mất hứng, gián đoạn nguồn tư duy, nhất là khi cảm hứng đang lai láng! Tôi lại thấy khác. Vì mình đánh máy không phải chuyên nghiệp nên tốc độ vừa phải, hợp với luồng suy nghĩ. Nghĩ đến đâu, gõ đến đấy. Tiện lợi nhất là việc sửa chữa, xóa bỏ, cắt ghép, bản thảo vẫn gọn gàng, đẹp đẽ.

Một lần đi dự hội thảo, diễn giả cứ miệng nói, tay gõ vào máy tính. Các sơ đồ, các hình ảnh cứ lần lượt xuất hiện trên màn hình, rõ ràng, dễ hiểu. Tôi nghĩ rằng mình phải học để giảng bài và đoán là sinh viên sẽ thích. Trước hết, tôi áp dụng phương pháp này vào bài giảng về Lịch sử văn minh thế giới. Tôi phải nhờ một trợ giảng trẻ giúp đỡ, lớp trẻ vốn nhanh nhạy với cái mới. Cậu ấy hướng dẫn từ cách tìm hình ảnh, các đoạn phim rồi đưa chúng vào bài như thế nào, chiếu lên như thế nào… Những buổi giảng đầu tiên theo cách này, tôi phải nhờ chàng trợ giảng đi theo để đề phòng “bất trắc”. Kết quả giờ học khác hẳn, sinh viên theo thầy đi từ Kim tự tháp Ai Cập, qua đền Borobudur ở Indonesia, đến Vạn lý trường thành Trung Quốc. Sinh viên phân biệt giáo lý, kiến trúc và các nghi lễ tôn giáo (đạo Phật, đạo Hồi, đạo Hindu, đạo Thiên chúa); nhìn tận mắt các tác phẩm hội họa và điêu khắc thời Phục Hưng, theo chân các nhà hàng hải người Âu đến châu Phi, châu Á, tìm ra châu Mỹ… Sau một học kỳ quen với cách giảng mới, tôi bắt đầu đòi hỏi sinh viên phải tự làm thuyết trình. Giờ học trở nên hứng thú, sôi động hơn hẳn.

Với học viên cao học và nghiên cứu sinh, đặt ra những đòi hỏi cao trong việc sưu tầm, xử lý tài liệu nước ngoài, khắc phục khó khăn trước đây là không có điều kiện cập nhật thông tin mới. Nhưng muốn đòi hỏi người học thì tự mình phải học trước, làm trước, phải mày mò tìm hiểu, hỏi han. Anh em trẻ bây giờ làm rất nhanh, rất giỏi, nhiều điều mình phải hỏi họ, phải học họ. Nhờ vậy, mình đỡ bị lạc hậu, cố theo kịp anh em.

Đến nay, vào độ tuổi U80, tôi vẫn cùng anh em trẻ xử lý, tiếp cận các nguồn thông tin mới. Nhưng để cho vui, tôi bắt đầu bước vào làng Facebook. Khi gặp, nhiều cựu sinh viên trách tôi sao không chấp nhận kết bạn, không trả lời tin nhắn inbox. Tôi phải cười trừ, lấy lý do mới vào làng "phây" nên kỹ thuật còn lúng túng lắm.

Thày đồ thời @ là thế đấy. Phải cố học hỏi để khỏi tụt hậu, để tiếp cận cái mới và để giải khuây lúc tuổi già. Nhưng xin các bạn trẻ đừng bắt chước vì tôi "không học căn bản" mà chỉ học theo lối thủ công, giống anh du kích thời đánh Tây thôi!

Sắp đến Tết rồi, nhờ có Facebook mà tôi sẽ chúc mừng năm mới được nhiều bạn bè hơn và chắc sẽ "gặp" thêm nhiều anh em cựu sinh viên. Niềm vui của ông đồ tôi nhờ cái máy tính và mạng xã hội này mà được nhân lên nhiều lắm!