Nhỏ Bình thường Lớn

Ông nghè Huyên và Văn Miếu

Thời Pháp thuộc, vào cuối những năm 30 thế kỷ trước, ở Ban Tú tài trường Bưởi, tôi được học sử địa ông Nguyễn Văn Huyên, khi đó vừa mới học ở Pháp về. Về sau, ông làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục khi nước nhà độc lập. Về bề nổi, học sinh đánh giá thầy là vị tiến sĩ xuất sắc, có nhiều công trình nghiên cứu, một thầy giáo tận tâm, một con người nho nhã, lịch sự.
TIN LIÊN QUAN
ong nghe huyen va van mieu Vụ án “Cách mạng Pháp”
ong nghe huyen va van mieu Gặp nhà văn hóa tuổi bách niên

Lớn lên, khi ra đời, nhất là khi nước nhà độc lập, theo dõi sự nghiệp của thầy Huyên tôi mới thấy rõ bề “chìm” của thầy, những đóng góp cơ bản của một trí thức Tây học cho nền văn hóa Việt Nam. Không cần kể đến những công trình nghiên cứu của thầy trong thời gian là thành viên Việt Nam duy nhất của trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp và trước đó như Hát đối của thanh niên nam nữ ở Việt Nam, Nhà sàn ở Đông Nam Á, Lý Phục Man…

ong nghe huyen va van mieu
GS Nguyễn Văn Huyên (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) đón Hồ Chủ tịch ở Viện Viễn Đông Bác Cổ. (Ảnh tư liệu)

Chỉ một chi tiết nhỏ sau đây cũng khiến cho ta thấy cái tầm nhìn sâu sắc của ông nghè Huyên với quốc học.

Có lần, tình cờ trong tập báo Tri tân cũ, tôi được đọc bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn Huyên về Văn Miếu Hà Nội. Bài in ngày 28/9/1944, tác giả là ông Phạm Mạnh Phan. Ông Huyên lúc đó đã thôi dạy trường Bưởi và làm công tác nghiên cứu ở trường Viễn Đông Bác Cổ, nơi ông tiếp nhà báo. Ông Phan tả ấn tượng gặp gỡ:  Người tôi tiếp chuyện bữa nay có một vẻ điềm đạm, đơn giản và phong nhã. Nhìn làn tóc tơ của ông, nhởn nhơ trước gió thu, tôi như cảm thấy vẻ hiền hậu phảng phất trên gương mặt của bậc thiếu niên anh tuấn. Suốt từ đầu câu chuyện đến lúc ra về, tôi thấy ông Huyên dùng toàn tiếng mẹ đẻ, không hề xen tiếng Pháp như hầu hết anh em Tây học…

Nhà báo được biết đến ông Huyên “đặc biệt chú ý đến Văn Miếu Hà Nội”, nên hỏi về vấn đề này. Ông Huyên miêu tả: "Vâng, nói đến Văn Miếu thật là buồn. Chắc cũng có lúc ngài đi qua và nếu tò mò vào trong đó sẽ thấy cảnh tượng cỏ mọc rêu phong. Chỗ thờ đức Khổng Tử và các bậc tiên hiền là nơi các con dơi làm tổ và chim chóc vẫn hằng ngày đi về… Một không khí ảm đạm, ẩm thấp tỏa ra khắp các căn nhà khiến du khách phải vội vàng trở bước… Ở ngoài thì Khuê Văn Các là nơi đùa nghịch của trẻ em, nếu không là nơi trăng gió của các cặp tình nhân". Đó là cảnh ông Huyên tả năm 1944. Sáu mươi năm trước đó, Văn Miếu cũng chẳng kém thê lương. Năm 1844, bác sĩ Hocquard tham gia chiến dịch Pháp bình định Bắc Kỳ, miêu tả: “Họ hàng nhà quạ đã chiếm lĩnh các cây to và sinh đẻ bình yên dưới sự che chở của các triết gia. Mỗi bước chúng tôi tiến đến gần, thì chúng bay tung tóe, tiếng kêu bi thảm. Người Pháp ở Hà Nội chỉ gọi Văn Miếu với cái tên Pagode des Corbeaux, nghĩa là Chùa Quạ”. Có nghĩa là sau khi nhà Nguyễn thiên đô, thì Văn Miếu Thăng Long cũng bị lãng quên.

Trở lại bài báo Tri tân. Nhà báo hỏi ông Huyên tại sao trường Viễn Đông Bác Cổ lại không trông nom sửa sang Văn Miếu Hà Nội. Ông Huyên cho biết tuy Hà Nội là một nhượng địa Pháp theo điều ước 1884, nhưng Văn Miếu vẫn thuộc Nam triều và do quan chức Nam triều tỉnh Hà Đông trông nom. Mỗi năm, họ đến tế Xuân Thu nhị kỳ, thế thôi! Ông Huyên đã có nhận thức rất đúng đắn: Văn Miếu không phải của riêng tỉnh Hà Đông, không phải của Hà Nội, mà là của toàn quốc, không phải của riêng phái cựu học hay tân học, mà là của hết thảy người Việt Nam, vì đó là di tích của các vị tiền bối có quan hệ đến lịch sử văn học nước nhà. Xưa Văn Miếu là nơi giảng học, là trường đại học của toàn quốc, chung quanh là cả một bầu không khí văn học. Ông có ý kiến rất hay là nên làm sống lại cái tinh thần văn học ấy bằng cách tạo lập khu Đông Dương học xá ở quanh Văn Miếu, giữ không khí trọng cổ như khu Latin ở Paris.

Để bảo tồn Văn Miếu, ông Huyên chủ trương: Thứ nhất, sửa sang tu bổ thành một thư viện cho cả nước, thu thập các sách nho, nôm, quốc ngữ và nước ngoài về châu Á quan hệ đến quốc học. Thứ hai, làm một giảng đài cho các vị cựu học và tân học có uy tín đến giảng về các bậc tiên hiền; cần có tập san in các bài giảng ấy vào sách quốc học; cần có Hội Văn Miếu, Hội đó sẽ trao giải thưởng hàng năm về văn học, mỹ thuật và âm nhạc, đặt giải cho những thanh niên nào tốt nghiệp xuất sắc nhất các trường đại học, cấp học bổng cho sinh viên nghèo; rồi chọn lấy một ngày có ý nghĩa mà làm lễ kỷ niệm cho Văn Miếu quốc gia. Ngày đó sẽ xướng danh những người giỏi có giải thưởng hoặc các thanh niên xuất sắc trong các kỳ thi tốt nghiệp…

Xin nhắc lại là những ý kiến trên đây được phát biểu vào năm 1944, thời Nhật Pháp. Trong khi tiền đồ đất nước còn mờ mịt, ông Huyên đã có những ý tưởng xây dựng quốc học vững vàng như vậy. Ý đồ của ông chỉ thực sự được thực hiện vào những năm 1980, sau khi cùng với Đổi Mới, phần tích cực của Khổng học được công nhận, Văn Miếu đã trở thành một biểu trưng của văn hóa Việt Nam, kể cả với khách nước ngoài. Nhiều gợi ý của ông nghè Huyên từ dạo ấy cũng nên được khai thác. 

ong nghe huyen va van mieu Phải chăng Hồ Xuân Hương đã có thơ về Vịnh Hạ Long?

Phải chăng Hồ Xuân Hương, tác giả của những bài thơ Hán thanh tao và bác học về Vịnh Hạ Long cũng chính là cô ...

ong nghe huyen va van mieu Cái thiện và cái ác

Người ta sinh ra là Thiện, theo thuyết của Mạnh Tử hay Rousseau. Còn theo thuyết của Tuân Tử hay Rochefoucault thì người ta sinh ...

ong nghe huyen va van mieu Người Hà Nội nhớ tiếng leng keng

Tôi sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Gai thuộc khu phố cổ Hà Nội. Nhà bán tạp hóa lấy tên là Bảo Hợp, ...

Hữu Ngọc