Tác giả cùng cảnh sát bảo vệ cửa khẩu biên giới Wagah, nơi duy nhất được mở giữa Pakistan và Ấn Độ, đồng thời là điểm du lịch hấp dẫn. |
Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, được sống tại địa bàn “đặc biệt khó khăn” này cùng những người bạn Pakistan, cảm nhận về nơi này trong tôi đã khác. Pakistan không chỉ có những “thương hiệu” đầy ái ngại như vậy, mà còn ẩn chứa rất nhiều điều kỳ lạ và ấn tượng. Một xứ sở từng vang bóng một thời về phát triển kinh tế, có những thung lũng hoang sơ đẹp mê hồn, những đền đài tráng lệ nghìn năm tuổi chứa đựng những câu chuyện kiểu nghìn lẻ một đêm và những người trẻ đáng khâm phục hôm nay…
Bao giờ cho đến… thời xưa
Pakistan là quốc gia lớn thứ hai Nam Á sau Ấn Độ, có vị trí địa chính trị chiến lược cực kỳ quan trọng trong khu vực và là nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Được hình thành từ nền văn minh sông Indus với niên đại khoảng 5.000 năm, Pakistan có bề dày lịch sử, nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng hầu hết chưa được khai thác.
Với dân số gần 200 triệu, Pakistan đã từng là “con rồng Nam Á” với mức tăng trưởng GDP trung bình 6,8% vào cuối thế kỷ trước và được coi là một hình mẫu phát triển kinh tế khu vực thời đó với những trung tâm kinh tế lừng danh như Karachi, Lahore...
Nhưng trong vài thập kỷ gần đây, do phải gánh chịu hậu quả của các cuộc tranh chấp chính trị nội bộ, nạn khủng bố gia tăng và xung đột biên giới với Ấn Độ, đất nước Nam Á này đã bị giậm chân tại chỗ và tụt hậu. Từ năm 2008 đến nay, đã có khoảng 80.000 người Pakistan bị thiệt mạng bởi các vụ tấn công khủng bố và xung đột sắc tộc. Pakistan lại thường xuyên phải hứng chịu những trận động đất lớn nhỏ, với tần suất hàng chục trận mỗi tháng mà gần đây nhất là trận động đất 7,5 độ richter ngày 26/10/2015 làm hàng trăm người thiệt mạng.
Hậu quả của thiên tai, nhân họa này đã làm du lịch Pakistan mất hàng tỷ USD mỗi năm với lượng khách giảm 70% so với trước năm 2000. Mặc dù Chính phủ của Thủ tướng Nawaz Sharif đã nỗ lực cải thiện tình hình, cả đối nội và đối ngoại, nhưng từ khi lên nắm quyền lần thứ ba năm 2011 đến nay, hiệu quả vẫn chưa rõ rệt. Nạn thiếu điện vẫn cực kỳ trầm trọng với khoảng 8-10 tiếng cắt điện mỗi ngày, kể cả Thủ đô Islamabad, trong khi mức tăng trưởng chỉ ở mức 4,24% so với 6,8% những năm đỉnh cao trước đây.
Hấp dẫn trong nguy hiểm
Chiến tranh, bạo loạn, thiếu điện năng… có thể làm cho Pakistan bị coi là một trong những địa điểm nguy hiểm nhất thế giới. Thế nhưng, chính những điều này lại giữ cho những thung lũng hoang sơ nở đầy hoa dại, những đỉnh núi quanh năm phủ đầy tuyết trắng ở phía Bắc Pakistan giữ được vẻ nguyên sơ làm say đắm những du khách thích mạo hiểm đến từ khắp nơi trên thế giới.
Nhà thờ Faisal ở Thủ đô Islamabad là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Pakistan, một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới. |
Bên cạnh đó, sự đa dạng văn hoá, con người giản dị, chân thành và chiều sâu lịch sử của những thánh đường Hồi giáo ở khắp nơi trên đất Pakistan, những di tích Phật giáo hàng nghìn năm ở Taxila, những thành quách, pháo đài cổ ở Lahore... vẫn khiến du khách không thể cưỡng lại được vẻ đẹp riêng có của Pakistan.
Người Pakistan dường như thích lối sống chậm rãi nhưng lại kiên quyết và nhiều khi cực đoan với niềm tin và lý tưởng mà họ đã chọn, nhất là những thanh niên có học thức. Họ có thể nghỉ làm để dầm mưa dãi nắng hàng tháng tham gia biểu tình ôn hòa ủng hộ cho đảng của họ hoặc phản đối một điều gì đó mà họ cho là không đúng.
Trong số đó, Malala Yousafai, chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2014 là một gương mặt nổi bật. Hình ảnh Malala thường được liên tưởng tới những nhà tranh đấu cho nhân quyền và hòa bình như Nelson Mandela, Aung San Suu Kyi…
Malala sinh năm 1997 tại Swat Valley, một ngôi làng ngèo heo hút vùng núi phía bắc Pakistan. Cha là lái xe, mẹ ở nhà đan lát, gia đình nghèo đến độ có lần phải bán hết đồ đạc để trả nợ. Nhưng rất may mẹ Malala đã mạnh dạn cho cô đến trường mặc dù cha cô phản đối.
Đến năm học lớp Sáu, Malala thấy rất nhiều em nhỏ khác trong làng không được đi học, nên đã gọi khoảng 10 em đến nhà dạy học chữ, viết tiếng Anh… Sau đó, lớp học này được nhân rộng với sự hỗ trợ của một số tổ chức từ thiện của Pakistan và quốc tế.
Thế nhưng, chính điều tốt đẹp này lại mang đến tai họa cho Malala. Những điều cô làm đã bị phiến quân Hồi giáo cực đoan Taliban cho là phản bội lại Hồi giáo vì dám kêu gọi phụ nữ đến trường và họ đã bắn thẳng vào đầu khi Malala vừa ra khỏi trường. Cô ngã trên vũng máu. Tên khủng bố bịt mặt tẩu thoát…
Tin Malala bị ám sát gây bàng hoàng, phẫn nộ trên toàn thế giới. Hàng triệu người trên khắp Pakistan đã thắp nến cầu nguyện cho Malala. Nhưng thánh Alah đã bảo vệ Malala khỏi tử thần. Cô được Thủ tướng Pakistan cho trực thăng chở về bệnh viện Thủ đô cấp cứu và sau đó được đưa sang Anh chữa chạy. Sáu tháng sau, cô hồi phục và được trao Giải thưởng hòa bình thiếu nhi thế giới cùng nhiều vinh danh khác. Năm 2014, Malala đã được trao giải Nobel Hòa bình.
Trong buổi nói chuyện tại Trụ sở Liên hợp quốc, Malala cho biết: “Tôi học được tấm lòng nhân ái của Đấng tiên tri Mohammad, của Đức Phật, của Chúa Jesus Christ. Tôi sẽ không bao giờ trả thù người đã bắn tôi… những kẻ phản bội Hồi giáo”.
Khi giới thiệu cuốn hồi ký Tôi là Malala của mình tại Ngân hàng Thế giới, trả lời câu hỏi của Chủ tịch Yong Kim tại sao em lại không học để trở thành bác sỹ cứu người mà đi vào con đường chính trị quá sớm, Malala trả lời ngay tắp lự: “Bác sĩ chỉ có thể cứu người bị khủng bố bắn. Tôi làm công việc ngăn không cho khủng bố bắn người”.
Vậy đấy, Pakistan hẳn là vùng đất đầy nghi ngại cho những ai chưa từng đặt chân đến. Nhưng như câu thơ của Chế Lan Viên, “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”, những khó khăn tại Pakistan càng làm cho tôi thêm nhiều kỷ niệm để yêu và gắn bó hơn với quốc gia Nam Á này.