5 năm để Tòa Trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc (12/7/2016). Phán quyết cũng đã trải qua 5 năm.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, có 2 vấn đề được coi là xu hướng. Mọi sự kiện xuất hiện, ít nhiều đều tạo dư chấn và sự kiện dù lớn nhỏ, rồi thời gian cũng sẽ khỏa lấp. Sự kiện 12/7 có theo dòng chảy đó không?
Tòa trọng tài ở The Hague (Hà Lan) tổ chức tranh tụng kín từ ngày 7-13/7/2016 cho vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến yêu sách phi pháp của Trung Quốc về Biển Đông. (Nguồn: PCA) |
Nhìn lại 5 năm
Xin nhắc lại một chi tiết, Tổng thống Philippines Benigo Aquino III là người gốc Hoa. Sau khi lên cầm quyền, Trung Quốc là nước đầu tiên ngoài khối ASEAN ông tới thăm. Khi đó, truyền thông Trung Quốc bình luận ông Aquino “về thăm quê ngoại”. Chưa đầy 1 năm sau, ông khởi xướng vụ kiện. Ông mãn nhiệm được gần 2 tuần, Tòa Trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết nghiêng về Philippines. Xem ra, vụ kiện còn quan trọng hơn gốc gác cá nhân.
Người Philippines vui mừng vì thắng lợi của công lý. Chính phủ kế nhiệm gần như tránh nhắc tới phán quyết để đổi lấy đầu tư kinh tế, tránh xung đột, đối đầu. Nhưng hơn 20 ngàn tỷ USD đầu tư vẫn chỉ là lời hứa. Bãi cạn Scarborough vẫn do Trung Quốc kiểm soát.
Hàng trăm tàu cá Trung Quốc hiện diện trên các vùng biển quốc tế, vùng biển nước khác mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền theo yêu sách lịch sử. Tháng 3/2021, hơn 200 tàu cá được cho là của dân quân biển Trung Quốc neo đậu bất thường ở đá Ba Đầu, Trường Sa. Ngư dân Philippines vừa đánh bắt vừa trông chừng tàu cá, tàu Hải cảnh Trung Quốc ngăn chặn, xua đuổi, đâm va.
Nội bộ Philippines phân hóa. Trong cuộc thăm dò dư luận tháng 7/2020, 70% người Philippines muốn Chính phủ có lập trường cứng rắn hơn về vấn đề Biển Đông. Trước áp lực trong nước và dư luận quốc tế, gần đây, Tổng thống và một số quan chức Philippines lại kêu gọi tuân thủ phán quyết.
Trung Quốc giận dữ, công khai bác bỏ, tuyên bố không chấp nhận phán quyết. Bắc Kinh bằng nhiều cách, cả “cứng” và “mềm” để vô hiệu hóa phán quyết.
Sau thời gian im ắng, Trung Quốc tiếp tục hành động mạnh. Thúc đẩy hoạt động ngoại giao, tuyên truyền, nghiên cứu khoa học, đưa người vào các cơ quan pháp lý của Liên hợp quốc… Đưa ra “Thuyết Tứ Sa” thay thế yêu sách “đường 9 đoạn” có phần yếu thế.
Rầm rộ cải tạo, quân sự hóa hàng loạt đảo, đá; gia tăng hiện diện nhiều tàu Hải cảnh, tàu chiến, tàu sân bay - căn cứ di động trên Biển Đông. Xây dựng hàng loạt cơ sở “dân sự” dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ hàng hải; hàng nghìn tàu cá, không chỉ để đánh cá, mà thực chất là khẳng định chủ quyền.
Cộng đồng quốc tế nhìn chung ủng hộ phán quyết, kêu gọi các bên tuân thủ. Song ít hành động thực tế và chưa thống nhất. Một số nước, vì những lý do khác nhau, tính toán riêng, ràng buộc lợi ích mà nghiêng về Trung Quốc hoặc ủng hộ việc để phán quyết “chìm xuồng”. Chính sách “cây gậy” và “củ cà rốt” tỏ ra hữu hiệu.
Được và chưa được
5 năm sau phán quyết, tranh chấp Biển Đông vẫn phức tạp, chưa tìm ra lối thoát khả dĩ. Nhiều nước lo ngại Trung Quốc đang chiếm ưu thế ở Biển Đông, không chỉ so với các nước nhỏ có tranh chấp mà cả với Mỹ và nhiều nước lớn khác.
Đã có những kết luận bi quan. Phán quyết của Tòa không có tính cưỡng chế! Càng kích động sự hung hăng của Bắc Kinh. Không nên theo đuổi biện pháp pháp lý với Trung Quốc!
Nhiều nhà lãnh đạo và học giả đánh giá cao ý nghĩa phán quyết của Tòa. Phán quyết bác bỏ hầu hết yêu sách biển của Trung Quốc một cách rõ ràng. Tòa tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Các thực thể nổi ở quần đảo Trường Sa chỉ có vùng biển không quá 12 hải lý. Không có cơ sở pháp lý cho đường cơ sở nối liền bao quanh toàn bộ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa… Có nghĩa là “Thuyết Tứ Sa” cũng không có cơ sở pháp lý… Chừng đó cũng đủ thu hẹp đáng kể các tranh chấp ở Biển Đông.
Phán quyết của Tòa cho thấy Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là công cụ pháp lý góp phần hạn chế, giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển; là nền tảng thiết lập trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế.
Vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và tuân thủ UNCLOS là chủ đề nóng của nhiều diễn đàn, hội nghị đa phương, song phương. Có một cuộc chiến công hàm liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Tháng 6/2021, gần 100 nước thành viên Liên hợp quốc đã tham gia “Nhóm bạn bè của UNCLOS”, theo sáng kiến đề xuất của Việt Nam, Đức và một số nước khác. Ngày càng có nhiều nước tham gia FONOP trên Biển Đông, ngầm phản đối yêu sách chủ quyền trái pháp luật.
Không ít ý kiến cho rằng bề ngoài Trung Quốc tỏ ra cứng rắn, “phớt Ăng-lê”, nhưng bên trong vẫn lo ngại trước dư luận quốc tế. Trung Quốc bác bỏ phán quyết cũng có nghĩa là không tuân thủ UNCLOS mà họ là quốc gia thành viên.
Những ngôn từ đẹp kiểu “xây dựng cộng đồng chung vận mệnh” trái ngược với hành động thực tế… Với một quốc gia muốn đóng vai trò chi phối, dẫn dắt thế giới, thu hút cộng đồng, thì đó là những điểm trừ đáng kể. Đơn độc không phải là chìa khóa để một nước lớn có thể duy trì vị thế, ảnh hưởng lâu dài trên đỉnh cao. Sức mạnh áp đặt, cưỡng chế không tạo ra công lý.
Xung quanh phán quyết nói riêng, UCLOS nói chung vẫn còn những góc nhìn, cách vận dụng, thái độ khác nhau. Nhưng không thể không thừa nhận phán quyết đã xới lên một vấn đề nóng: khẳng định sự cần thiết giải quyết các tranh chấp chủ quyền Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở pháp luật quốc tế…
Chừng đó cũng chứng tỏ tác động của sự kiện 12/7.
Những khuyến nghị
Tranh chấp chủ quyền là chuyện muôn thuở. Biển Đông đủ chỗ cho tất cả, nếu tất cả tuân thủ luật pháp quốc tế. Giải quyết hòa bình, lâu dài vấn đề Biển Đông là một biểu tượng của duy trì trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế.
Nếu các quốc gia chạy theo toan tính lợi ích riêng, coi tranh chấp Biển Đông là chuyện của người khác, là thứ để mặc cả…, thì các hành động cứng rắn, dựa trên ưu thế nước lớn, theo tư duy “tổng bằng không” càng tiếp diễn.
Cộng đồng quốc tế cần thống nhất cao hơn trong lập trường giải quyết vấn đề Biển Đông theo UNCLOS, phù hợp với tinh thần phán quyết; tạo ra một áp lực hòa bình đủ mức, có khả năng kiềm chế các hành động cưỡng chế, cưỡng chiếm.
ASEAN cần đóng vai trò trung tâm trong giải quyết vấn đề Biển Đông.
Giải pháp tốt nhất là ASEAN và các đối tác đi đến một thỏa hiệp chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế vững chắc, tôn trọng chủ quyền của nhau, cùng đầu tư giữ ổn định khu vực, bảo vệ lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia. Xây dựng, đàm phán COC thực chất, có tính ràng buộc pháp lý là một bước đi quan trọng, cần thiết.
Đôi điều rút lại
Không có một giải pháp duy nhất nào có thể giải quyết được mọi vấn đề, các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Giải quyết bằng pháp lý là một trong những công cụ văn minh, cần thiết của xã hội loài người. Nhưng đó không nên là giải pháp đầu tiên, càng không phải là giải pháp duy nhất.
Tuần tự hợp lý là đi từ quản lý tranh chấp, kiềm chế hành vi để từng bước giải quyết tranh chấp. Tất cả các bên dựa trên phán quyết, UNCLOS để nhìn nhận lại chính sách biển của mình. Ngoại giao tiên phong, mở đường. Đối thoại làm rõ khác biệt. Lựa chọn lĩnh vực dễ nhất có thể hợp tác, từ đó tìm kiếm lợi ích chung.
Thực tế chứng tỏ những gì phù hợp với quy luật, cần thiết, sẽ tồn tại, dù muốn hay không. Không ai và không gì có thể cản được. Phán quyết ngày 12/7, rộng ra là UNCLOS, luật pháp quốc tế sẽ luôn đồng hành và phải được tuân thủ.