Với bất kỳ nhà ngoại giao nào, để sẵn sàng bắt tay vào một nhiệm kỳ mới, đặc biệt là ở những địa bàn khó khăn,… thì việc chuẩn bị tốt về mọi mặt là không bao giờ thừa. Nhiệm kỳ của tôi tại Indonesia cũng không phải là ngoại lệ.
Khủng hoảng không báo trước
Vừa tới Indonesia khoảng hai tuần, tôi đã có ngay một kỷ niệm khá “sốc”. Đó là chuyến công tác đến Palembang do Bộ Ngoại giao bạn tổ chức. Dù được chuẩn bị từ trước đó khá lâu, nhưng đến khi chuyến thăm sắp diễn ra thì Palembang lại là tâm điểm của nạn khói mù, che phủ một phần quốc gia vạn đảo và lan cả sang các nước láng giềng như Malaysia và Singapore.
Phía bạn không muốn đổi lịch, mà muốn nhân cơ hội này để cho các nước thấy Chính phủ Indonesia nỗ lực và người dân Indonesia đang nỗ lực xử lý khủng hoảng như thế nào. Vậy là tôi cùng một số Đại sứ khác vẫn quyết định lên đường dưới cái nắng 40 độ C, trên tay luôn cầm một chiếc khăn ướt để lau mát, còn miệng lúc nào cũng thường trực nụ cười tươi.
Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn thăm và chúc tết cựu Tổng thống Megawati Sukarnoputri, hiện là Chủ tịch Đảng Dân chủ Đấu tranh (PDI-P) - Đảng chính trị mạnh nhất Indonesia và Bộ trưởng Bộ Điều phối Phát triển Nguồn nhân lực và Văn hóa Puan Maharani. |
Tiếp sau đó là vụ khủng bố tại Jakarta vào trưa 14/1 làm 8 người thiệt mạng và 24 người bị thương. Khi vụ khủng bố xảy ra, tôi đang chuẩn bị chủ trì cuộc ăn trưa làm việc với hơn 10 học giả và lãnh đạo một số báo lớn tại Jakarta. Lúc này, khách đã đến nên buổi làm việc không thể hủy được nữa, khách muốn về cũng không được do Trung tâm Jakarta bị phong tỏa. Đúng lúc này, con trai tôi ở trường lại liên tục gọi điện nói rằng bố mẹ các bạn đang đến trường đón về…
Lúc này, tôi vừa phải liên lạc khắp nơi để thông báo tình hình, vừa chỉ đạo các cán bộ Đại sứ quán chuyển sang chế độ xử lý khủng hoảng như đã phân công và lên kế hoạch dự phòng từ trước, vừa trấn an con trai để cháu yên tâm nán lại trường học… Chính việc dự liệu và chuẩn bị từ trước các tình huống bất ngờ có thể xảy ra giúp chúng tôi luôn chủ động và ra các quyết định nhanh, chính xác trong mọi tình huống.
Trọng trách “nặng” hai vai
Trong vai trò Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, hoạt động ngoại giao tôi tâm huyết nhất và cũng chiếm nhiều thời gian của cá nhân tôi cũng như các cán bộ khác của Đại sứ quán là công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt.
Việc ngư dân bị phía Indonesia bắt ngày càng tăng đang đặt ra một số khó khăn nhất định. Một là, quan hệ nhiều mặt Việt Nam - Indonesia hiện nay đang phát triển nhanh, việc ngư dân bị bắt tăng cũng ít nhiều ảnh hưởng đến quan hệ này. Hai là, trong khi số tàu và ngư dân của các nước khác bị Indonesia bắt giảm đi thì của Việt Nam lại có xu hướng tăng.
23/12/2015 ĐSQ Việt Nam tại Jakarta đã hoàn tất việc đưa 42 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ tại Indonesia về nước. Đây là đợt lớn nhất cuối cùng của năm 2015. |
Về phía Đại sứ quán cũng có những khó khăn khách quan nhất định khi công việc bảo hộ ngư dân tăng đột biến nhưng biên chế Sứ quán lại không tăng. Các ngư dân Việt Nam bị bắt rải rác tại nhiều nơi nên cũng gặp một số khó khăn nhất định trong việc thăm lãnh sự, tập hợp và xác minh thông tin để đưa bà con về nước. Mặc dù vậy, tôi luôn quán triệt và làm gương để các cán bộ, nhân viên làm sao bảo vệ các ngư dân của Việt Nam với nghĩa vụ và trách nhiệm cao nhất. Bản thân tôi cũng đi nhiều nơi, gặp gỡ trực tiếp ngư dân bị bắt, làm việc với các cơ quan hữu quan của Indonesia từ trung ương đến địa phương.
Điểm mừng là phía Indonesia rất chia sẻ với những khó khăn thực tế của việc chống đánh bắt cá trái phép, cũng như nỗ lực của phía Việt Nam trong ngăn chặn tình trạng này. Nhờ nỗ lực của Đại sứ quán, phía Indonesia hiện nay chỉ giam thuyền trưởng và máy trưởng, nếu ra tòa bị kết án là có tội, còn các trường hợp khác bạn đều tha bổng và đối xử nhân đạo khi bị giam giữ.
Sẵn sàng trước mọi tình huống
Có những điều mà chỉ riêng cán bộ đi công tác nhiệm kỳ tại Đại sứ quán ở Jakarta mới “được” trải nghiệm. Việc giữ được mình không bị sốt rét hay nằm viện do muỗi đốt trong những tuần, tháng đầu tiên sang công tác tại Jakarta đã là một “kỳ tích”.
Điều này không có nghĩa những người ở lâu được “miễn trừ” hay không bị sốt trở lại. Để giữ sức khỏe cho cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, việc phun thuốc muỗi định kỳ hàng tháng với cường độ mạnh xung quanh nơi làm việc, nơi ở, và phun thuốc hàng tuần tại phòng làm việc và trong nhà, mắc màn khi ngủ, cũng như phải đi viện ngay khi có triệu chứng sốt… là những bài học “nằm lòng” và bắt buộc với anh em trước khi nói chuyện về công việc.
Một câu chuyện vui nữa mà anh em hay nói với nhau khi mới “chân ướt chân ráo” sang Jakarta là “đặc sản” tắc đường. Tôi vẫn còn nhớ Đại sứ Canada kể chuyện rằng: “Tôi ở Jakarta được ba năm, nhưng nếu tính cả thời gian tắc đường là bốn”. Viết điều này để thấy nạn tắc đường ở Jakarta kinh khủng ra sao. Do đó, khi có sự kiện quan trọng, tôi thường chủ động đi sớm trước cả tiếng và trong Đại sứ quán anh em thường truyền nhau kinh nghiệm là lên lịch các cuộc gặp ở trung tâm, gần cơ quan để tránh tắc đường và luôn đúng hẹn.
Như vậy, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, bản thân cán bộ ngoại giao cũng phải như một chiến sỹ, có sức khỏe tốt và luôn năng nổ, hoạt bát. Những tình huống như vừa đi công tác về khuya 12 giờ đêm hôm trước, sáng hôm sau đã phải dậy sớm dự một sự kiện cách nơi ở hàng giờ chạy xe là chuyện bình thường. Đến nơi, dù tắc đường, nắng nóng, xe hư điều hòa, nhưng người cán bộ vẫn phải xuống xe với nụ cười thường trực trên môi, còn cái đầu thì luôn phải tỉnh táo để sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào ngoài kịch bản.
Khác với thời kỳ trước khi nhiệm vụ chính của ngoại giao là vận động sự ủng hộ quốc tế cho sự nghiệp thống nhất đất nước, các cán bộ ngoại giao ngày nay được đòi hỏi nhiều hơn thế. Đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, hội nhập với thế giới ngày một sâu rộng nên các lợi ích của Việt Nam trải khắp toàn cầu. Chúng tôi xác định, ở đâu có công dân Việt Nam, ở đâu có lợi ích Việt Nam thì ở đó phải có mặt của ngoại giao để bảo vệ công dân và lợi ích quốc gia.
Khi cần, có lúc nhà ngoại giao có thể trở thành một học giả sẵn sàng nói chuyện, viết bài bảo vệ lập trường chính nghĩa của ta; khi khác lại là nhà văn hóa để quảng bá về đất nước con người; hay là nhà kinh tế để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư. Muốn đảm nhận tốt vai trò của mình, nhà ngoại giao phải luôn không ngừng học hỏi, tìm cách bổ sung kiến thức, rèn luyện bản thân.