Tàu ngầm Dosan Ahn Chang-ho của Hàn Quốc trong quá trình thử nghiệm. (Nguồn: Hải quân Hàn Quốc) |
Củng cố học thuyết "Đáp trả ồ ạt"
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, tuần trước, Hàn Quốc đã tiến hành các vụ phóng thử SLBM từ tàu ngầm mới hạ thủy Dosan Ahn Chang-ho KSS-III. Đây là quốc gia duy nhất phóng các loại vũ khí như vậy không mang đầu đạn hạt nhân.
Seoul tuyên bố loại tên lửa vũ trang thông thường này được thiết kế hỗ trợ đối phó trước mọi cuộc tấn công từ Triều Tiên.
Các nhà phân tích cho rằng, loại vũ khí đặc biệt này mang lại nhiều lựa chọn, trong đó có việc giúp Hàn Quốc hạn chế sự phụ thuộc vào Mỹ.
Hiện Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vẫn từ chối xác nhận các vụ phóng thử nói trên, song cho biết nước này đang theo đuổi các hệ thống tên lửa nâng cấp để đối phó với Triều Tiên.
Loại tên lửa SLBM của Hàn Quốc, được cho là một "biến thể" của tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2B phóng từ đất liền với tầm hoạt động khoảng 500 km, nhỏ hơn so với các SLBM mang đầu đạn hạt nhân do Triều Tiên phát triển.
Tuy nhiên, theo chuyên gia về tàu ngầm quân sự H.I. Sutton thì công nghệ của Hàn Quốc tiên tiến hơn.
Sự kết hợp giữa SLBM với hệ thống động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập (AIP) của tàu ngầm trên là một “yếu tố thay đổi cuộc chơi” tiềm năng.
Trong một bài báo đăng trên Naval News của Hải quân Hoàng gia Anh, ông Sutton nêu rõ: “Xét trên nhiều khía cạnh, đây là loại tàu ngầm vũ trang mang hỏa lực thông thường sát thương mạnh nhất thế giới”.
Ông Ankit Panda, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế có trụ sở tại Mỹ, cho rằng SLBM của Hàn Quốc là một trong những loại tên lửa thông thường có tầm hoạt động rộng mà nước này đang phát triển để củng cố học thuyết "Đáp trả ồ ạt".
Học thuyết này là một kế hoạch hành động đánh phủ đầu cuộc tấn công của Triều Tiên hoặc vô hiệu hóa ban lãnh đạo của Bình Nhưỡng trong trường hợp có cuộc xung đột quy mô lớn.
Ông Panda nói: “Về lý thuyết, loại SLBM phù hợp với những điều kiện này, qua đó cho phép các nhà hoạch định chiến lược của Hàn Quốc lựa chọn phản công bằng vũ khí thông thường hiệu quả cao trước các đợt tấn công của Triều Tiên”.
Ông Ankit Panda khẳng định, mặc dù các loại SLBM thường gắn liền với vũ khí hạt nhân, nhưng điều đó không có nghĩa là Hàn Quốc đang sở hữu hoặc có ý định theo đuổi loại vũ khí này.
"Tuy nhiên, nếu liên minh Mỹ-Hàn xảy ra mâu thuẫn trong tương lai hoặc năng lực quốc phòng của Hàn Quốc cần một sự thay đổi mạnh mẽ, thì những SLBM này sẽ cung cấp nền tảng sẵn có để Seoul xây dựng một lực lượng vũ khí hạt nhân giới hạn, có sức chống chịu tốt”, ông Ankit Panda nói.
Ai mạnh hơn ai?
Hiện tại, mặc dù đây mới chỉ là một cuộc tranh luận trên lý thuyết, song cũng đã được đề cập trong các chiến dịch tranh cử tổng thống ở Hàn Quốc. Một số ứng cử viên tổng thống bảo thủ cho rằng Seoul nên theo đuổi biện pháp răn đe hạt nhân bằng vũ khí tự tạo, hoặc là nơi bố trí vũ khí của Mỹ như một số thành viên NATO đang làm.
Năm 1991, Mỹ đã loại bỏ vũ khí hạt nhân chiến trường khỏi Hàn Quốc, nhưng vẫn tiếp tục bảo vệ đồng minh dưới "ô hạt nhân".
Tuy nhiên, những năm gần đây, liên minh Mỹ-Hàn đã có nhiều xáo trộn khi cựu Tổng thống Donald Trump hối thúc Seoul phải chi trả nhiều hơn để đổi lấy sự hiện diện quân sự của Mỹ.
Tháng trước, ứng cử viên tổng thống Yoo Seung-min nhấn mạnh: “Việc ngăn chúng ta sở hữu vũ khí hạt nhân là điều phi thực tế, trong khi Triều Tiên vẫn chưa từ bỏ loại vũ khí này”.
Tuy vậy, ông Joshua Pollack, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, cho biết chương trình SLBM của Hàn Quốc dường như không nhằm hướng đến một kế hoạch theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Ông Joshua Pollack nói: “Vấn đề chỉ đơn giản là Hàn Quốc đang cố gắng bắt kịp Triều Tiên. Trong nhiều thập niên, hai bên đều quyết tâm chứng tỏ rằng mình có vũ khí mạnh và hiện đại hơn”.
Tháng 7/2019, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang thị sát một tàu ngầm lớn và mới hoàn thành.
Mặc dù phía Triều Tiên không mô tả các loại vũ khí trang bị trên tàu này, nhưng các nhà phân tích cho rằng dựa trên kích thước, nhiều khả năng con tàu được thiết kế để mang tên lửa đạn đạo.
Cho đến nay, các quan chức Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước láng giềng khác của Hàn Quốc vẫn chưa đưa ra phản ứng công khai đối với vụ phóng thử trên, nhưng chuyên gia Pollack cho rằng các nước này chắc chắn sẽ đặt ra những câu hỏi hóc búa với Seoul.