📞

Phụ nữ Việt Nam không ngừng đấu tranh bảo vệ quyền bình đẳng giới

Khánh Linh 07:00 | 13/03/2022
Việc sử dụng khái niệm “phái yếu” không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới, đã bỏ qua giá trị, tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ và trẻ em gái.
Đại sứ Colombia tại Việt Nam Miguel Ángel Rodríguez Melo. (Nguồn: NLĐ)

Đại sứ Colombia: Trân trọng nỗ lực bình giới của Việt Nam

Đại sứ Colombia tại Việt Nam Miguel Ángel Rodríguez Melo đánh giá, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định cam kết trong thúc đẩy bình đẳng giới và đã đạt được những bước tiến dài trong việc thực hiện mục tiêu này.

Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam, đã và đang thực hiện nhiều chính sách, chương trình tạo cơ hội phát triển cho phụ nữ trên mọi lĩnh vực, nhằm thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 5 (MDG5) của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong khuôn khổ Chương trình nghị sự 2030.

Đại sứ Miguel Rodríguez cũng đề cao việc Việt Nam không ngừng bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ như đưa ra những quy định cụ thể về bình đẳng giới trong Hiến pháp, thông qua Luật Bình đẳng giới vào năm 2006 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

Những công cụ pháp lý này có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khi mà bất bình đẳng giới xuất hiện trong công sở hay đơn giản như phân công việc nhà và tình trạng bạo lực gia đình gia tăng.

Đề cập vai trò của phụ nữ, nhà ngoại giao Colombia cho rằng việc sử dụng khái niệm “phái yếu” không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới, đã bỏ qua giá trị, tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ và trẻ em gái.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, vai trò không thể thiếu của người phụ nữ trong phát triển chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước càng được thể hiện rõ nét.

Các cấp Hội Phụ nữ Việt Nam không ngừng đấu tranh bảo vệ quyền bình đẳng giới và đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình Khởi nghiệp quốc gia.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam. (Nguồn: UNFPA)

UNFPA cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện “Không bỏ ai ở lại phía sau”

Vừa qua, Ban Điều hành của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã thông qua Chương trình Quốc gia lần thứ 10 dành cho Việt Nam giai đoạn 2022-2026 với mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030".

Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện của UNFPA tại Việt Nam về chương trình quốc gia mới cho Việt Nam, Chương trình với tổng ngân sách là 26,5 triệu USD ưu tiên hỗ trợ các nhóm dân số có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, trẻ vị thành niên và thanh niên, người cao tuổi, các dân tộc thiểu số, lao động di cư, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực dựa trên cơ sở giới.

Trong 5 năm tới, những can thiệp và sáng kiến của Chương trình nhằm đạt được ba kết quả chuyển đổi trong Kế hoạch chiến lược của UNFPA toàn cầu, đó là: không có ca tử vong mẹ do các nguyên nhân có thể ngăn ngừa; không có nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình không được đáp ứng; và không còn bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Các phương pháp tiếp cận dựa trên quyền, nhạy cảm giới và lấy con người làm trọng tâm sẽ được áp dụng, và các can thiệp liên quan đến sự sẵn sàng, ứng phó nhân đạo sẽ được lồng ghép trong tất cả các lĩnh vực can thiệp của Chương trình. Theo những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam, Chương trình của UNFPA sẽ chú trọng áp dụng chuyển đổi số và cách mạng dữ liệu để tiếp cận những ai bị bỏ lại phía sau nhất.

Đặc biệt hơn, hỗ trợ của UNFPA sẽ ưu tiên: cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục có chất lượng cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm các dân tộc thiểu số và lao động di cư; ứng phó với già hóa dân số và thúc đẩy an sinh xã hội cho người cao tuổi; thúc đẩy phát triển và sự tham gia của thanh thiếu niên; sản xuất và phân tích dữ liệu dân số cho công tác xây dựng chính sách và ra quyết định, đồng thời theo dõi giám sát các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs); và phòng chống và ứng phó hiệu quả với bạo lực trên cơ sở giới, lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và tảo hôn.

(theo TTXVN)