📞

Qua tập thư gửi cho con gái

07:00 | 19/02/2017
Có nhiều điểm tương đồng giữa Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai vị gần như đồng tuế: Nehru sinh năm 1889, hơn Hồ Chí Minh một tuổi. Cả hai đều là những ngọn cờ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân trên phạm vi thế giới, đều lãnh đạo nhân dân mình đấu tranh đến khi đất nước được giải phóng.  

​Cả hai đều chủ trương đoàn kết các nước thế giới thứ ba để bảo vệ hòa bình. Nehru nằm trong số những người giản dị nhất, lương thiện nhất, hào hiệp nhất vào thời ông. Nhận xét ấy của một nhà báo quốc tế có thể áp dụng vào trường hợp Hồ Chí Minh.

Cả hai vị đều đã viết về một thời bị giam cầm. Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh có bài thơ tặng Nehru lúc đó cũng ở một nhà tù thực dân. Năm 1942, Nehru xuất bản tuyển tập nhan đề: Đời tôi và những lần bị cầm tù, ông đi tù đến 9 lần. Đây là cuốn sách của một người tự đặt ra nhiều câu hỏi, đau khổ, hoang mang, vui mừng khi tìm ra được những giải đáp.

Đặc biệt, Những bức thư gửi cho con gái vẫn giữ nguyên giá trị thời sự. Trong văn học thế giới, có hai tập thư viết cho con rất nổi tiếng. Trong Tập thư gửi cho con trai - 1774 (viết từ năm con lên 5 tuổi cho đến khi con chết năm 36 tuổi), Bá tước người Anh Chesterfield có ý đồ đào tạo con thành một nhà quý tộc lịch thiệp - ông có những lời khuyên thực tế, đôi khi trắng trợn. Vào thế kỷ XVII, phu nhân Sévigné, người Pháp, cũng lừng danh vì Tập thư, thư gửi cho bè bạn, nhất là cho con gái đi lấy chồng ở tỉnh xa. Bà kết hôn năm 18 tuổi, góa chồng năm 26 tuổi. Tập thư  phản ánh những sự kiện lớn và xã hội đương thời, một tâm hồn giàu tình cảm (yêu con tha thiết, mến bạn, say sưa thiên nhiên).

Tập thư của Nehru được viết vào thời hiện đại, viết cho con gái Indira Gandhi lúc đó mới 8 - 9 tuổi, sau này là Thủ tướng Ấn Độ (bị ám sát vào năm 1984). Những bức thư nói lên mối quan tâm đầy âu yếm của một người cha là trí thức yêu nước, muốn truyền cho con những tình cảm cao quý: tình yêu đất nước và nhân dân, xây dựng một cuộc sống con người hài hòa với thiên nhiên - điều này là bản sắc của văn hóa Ấn Độ. Ông dạy con phải biết đọc pho sách của thiên nhiên. Với tầm tri thức uyên bác, tài năng sư phạm, một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, ông đã dùng giọng kể chuyện giản dị trình bày những vấn đề cơ bản về lịch sử vũ trụ và loài người: sự hình thành của trái đất, những sinh vật, động vật đầu tiên, người nguyên thủy, sự hình thành các chủng tộc, ngôn ngữ, bộ tộc, các tôn giáo và các nền văn minh, hàng hải và thương mại, văn minh Ấn Độ... Mỗi bức thư là một bài học hấp dẫn, tóm tắt một vấn đề cơ bản một cách gọn gàng. Tôi mong những bố mẹ Việt Nam cho con cái tuổi 10 - 18 đọc tập thư của Nehru (đã có bản dịch tiếng Việt) để làm cái vốn tri thức và đạo lý trang bị cho cả cuộc đời. Thanh niên và người lớn đọc cũng không thừa vì các bức thư khiến ta suy nghĩ, “mở ra những chân trời rộng lớn” (Indira Gandhi).

Nhiều tư tưởng của Nehru rất thích hợp và cần thiết cho thế giới hiện nay, một thế giới bị chi phối bởi trận cuồng phong của bạo lực chiến tranh và làn sóng cạnh tranh kinh tế sống còn của toàn cầu hóa. Vì hòa bình, vì hạnh phúc nhân loại, cần xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa; trước mắt phải là cuộc đối thoại giữa văn hóa Hồi giáo và văn hóa Kitô giáo phương Tây, mặc dù nhiều khi văn hóa chỉ là hỏa mù che đậy động cơ kinh tế. Toàn cầu hóa là một hiện tượng có tính quy luật xuất hiện từ những năm 80 - 90 thế kỷ trước, chủ yếu có lợi cho các nước phát triển.

Nehru nêu lên một bài học về khiêm tốn đồng thời tự hào dân tộc, rất thích hợp với thời buổi toàn cầu hóa có khuynh hướng đề cao bạo lực.

Dân tộc nào cũng tự cho mình là thông minh nhất. Người Anh nghĩ mình và đất nước mình mới là nhất. Người Pháp rất kiêu hãnh về đất nước và mọi thứ của Pháp. Người Đức và người Italy càng nghĩ quá nhiều về đất nước mình. Những người Ấn Độ cho rằng về nhiều mặt, Ấn Độ là nước vĩ đại nhất trên thế giới. Nếu Nehru sống đến ngày nay, chắc ông phải dẫn chứng người Mỹ đầu tiên.

Tất cả đều là tự kiêu. Người nào cũng muốn nghĩ tốt về bản thân mình và đất nước mình. Nhưng thực ra ai mà chẳng có cái hay cái dở. Tương tự như vậy, nước nào mà chẳng có phần hay dở. Chúng ta phải tiếp thu cái hay, cho dù nó có nguồn gốc ở đâu chăng nữa và loại trừ cái dở, bất chấp từ đâu...

...Là người Ấn Độ, ta phục vụ cho lợi ích của Ấn Độ. Nhưng ta không được quên rằng chúng ta thuộc về một đại gia đình trên thế giới.