Căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ của Đức với Washington và Bắc Kinh. (Nguồn: AFP) |
Thảo luận nhiều vấn đề “nóng”
Ngày 6/9, trong buổi tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh nước này và châu Âu có cùng chung lợi ích trong việc bảo vệ các quy tắc cơ bản của hệ thống thương mại đa phương.
Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, hai nước cần cùng bảo vệ thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương. Ông tuyên bố Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường, theo đó dần mở rộng từ lĩnh vực sản xuất đến các dịch vụ và tài chính, mang lại thêm nhiều cơ hội cho Đức và những nước khác trên thế giới.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc hội đàm chính thức với Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Tại cuộc gặp này, bà Merkel tuyên bố nước Đức mở cửa và hoan nghênh tất các công ty Trung Quốc đầu tư vào Đức. Tuy nhiên, bà cho biết Đức sẽ hạn chế các dự án đầu tư vào một số khu vực chiến lược cũng như cơ sở hạ tầng quan trọng.
Truyền thông Đức đưa tin, bên cạnh vấn đề thương mại, nhân quyền, các cuộc biểu tình hiện tại ở Hong Kong cũng là chủ đề nổi bật trong chương trình nghị sự. Tại buổi làm việc với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Đức nhấn mạnh một giải pháp hòa bình là cần thiết cho Hong Kong.
Bà Merkel khẳng định thỏa thuận cơ bản giữa Anh và Trung Quốc về việc trao trả Hong Kong vẫn tiếp tục được áp dụng. Bà Merkel hoan nghênh việc chính quyền Hong Kong đã rút hoàn toàn dự luật dẫn độ gây tranh cãi và muốn người biểu tình có thể “tham gia vào cuộc đối thoại trong khuôn khổ tự do dân sự”.
Tại Đại học Huazhong, thành phố Hán Vũ, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế đối với sự nóng lên toàn cầu và thương mại thế giới. Bà Merkel cho rằng với quy mô và sức mạnh của Trung Quốc, thế giới cần một sự đóng góp quan trọng từ nước này với bảo vệ khí hậu.
Ngoài ra, bà Merkel cũng chỉ trích hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc bởi hệ thống này cho phép chính phủ đánh giá uy tín kinh tế và xã hội của các cá nhân và doanh nghiệp sử dụng dữ liệu trực tuyến cá nhân.
Cơ quan quản lý hệ thống thông tin tín dụng xã hội của Trung Quốc cho biết khoảng 20 triệu công dân Trung Quốc đã bị cấm đi máy bay và tàu hỏa trong năm 2018 vì điểm tín dụng của họ quá thấp. Theo bà Merkel, quyền riêng tư dữ liệu được coi là quyền của con người.
Chuyến đi đầy khó khăn
Tờ DW bình luận, quan hệ của Đức với Trung Quốc hiện phức tạp hơn bao giờ hết. Thủ tướng Merkel phải chịu áp lực đối đầu với Trung Quốc về những tranh cãi xung quanh sự can dự của Bắc Kinh tại Hong Kong và Tân Cương. Còn theo tờ TAZ, bà Merkel là người đứng đầu chính phủ đầu tiên ở một quốc gia phương Tây đến thăm Trung Quốc từ sau các cuộc biểu tình nổ ra tại Hong Kong. Những kỳ vọng là rất lớn. Đây là chuyến thăm lần thứ 12 tới Trung Quốc, nhưng nó được coi là chuyến thăm khó khăn nhất của bà Merkel.
Năm 2018, Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Đức với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 199 tỷ Euro (218 tỷ USD). Quan hệ với Trung Quốc được đánh giá là có vai trò quan trọng đối với Đức, nhất là trong bối cảnh giới chuyên gia dự báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu có nguy cơ rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý III/2019.
Theo DW, bà Merkel đã từng nói “Trung Quốc là đối tác chiến lược, nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh”. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Đức sau Mỹ và Pháp. Đây cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của nước này.
Nhưng Trung Quốc ngày càng không chỉ được coi là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức, mà còn là một đối thủ kinh tế. Đầu năm 2019, Hiệp hội Công nghiệp Đức đã cảnh báo về sự cạnh tranh có hệ thống với mô hình kinh tế của Trung Quốc. Suy thoái kinh tế có thể ảnh hưởng đến những nỗ lực của Đức nhằm cải thiện quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đưa ra sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhằm xây dựng quan hệ thương mại với châu Phi và châu Âu. Một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) như Hy Lạp đã đồng ý hợp tác theo khuôn khổ sáng kiến này. Có những lo ngại rằng thông qua sáng kiến trên, Trung Quốc không chỉ tăng cường ảnh hưởng kinh tế trong khu vực mà còn ảnh hưởng đến cả chính trị.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ của Đức với Washington và Bắc Kinh.
Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Trung Quốc đã đưa ra các ưu đãi kinh tế cho Iran để Tehran quay lại thỏa thuận. Tổng thống Donald Trump lại gây áp lực để Đức đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Trung Quốc, Iran và Mỹ. Mặt khác, quan ngại về bảo mật xung quanh việc “người khổng lồ” Trung Quốc Huawei cung cấp công nghệ 5G cũng là một vấn đề nóng mà tại thời điểm hiện nay Đức vẫn còn mơ hồ.
Trong khi Ủy ban châu Âu (EC) mô tả Trung Quốc là một “đối thủ có hệ thống”, Đức và Trung Quốc coi nhau là “đối tác kinh tế toàn cầu”. Bên cạnh các cuộc tham vấn thường xuyên giữa người Đức và Trung Quốc, hai bên đã tổ chức cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên tại Bayern vào tháng 7/2019. Tuy nhiên, bản chất không rõ ràng trong mối quan hệ của Đức và Trung Quốc vẫn là nguyên nhân gây lo ngại cả trong và ngoài nước.