📞

Quan hệ 'không lối thoát', Iran và Saudi Arabia đưa ra lựa chọn

Vy Anh 13:50 | 13/10/2021
Hai đối thủ tại khu vực Trung Đông là Saudi Arabia và Iran quyết định lựa chọn thỏa hiệp để tìm lối thoát cho quan hệ song phương. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng hai bên vẫn còn nhiều điều cần phải làm để xoa dịu căng thẳng sau 5 năm rạn nứt.
Đối thoại Iran-Sadi Arabia đang có những tín hiệu lạc quan. (Nguồn: Tehran Times)

Dấu hiệu tích cực

Saudi Arabia (với dòng Hồi giáo Sunni làm chủ đạo) và Cộng hòa Hồi giáo Iran (dòng Shi’ite làm chủ đạo) đã cắt đứt quan hệ vào năm 2016 sau khi những người biểu tình Iran tấn công các phái đoàn ngoại giao của Saudi Arabia để phản đối vụ Saudi Arabia hành quyết một tu sĩ dòng Shi’ite.

Trong những tuần qua, quan chức của cả hai quốc gia đã bày tỏ thái độ lạc quan về những cuộc đối thoại mang tính đột phá được tổ chức tại thủ đô Baghdad của Iraq kể từ tháng 4/2021.

Các cuộc thảo luận này được xúc tiến dưới thời cựu Tổng thống Iran Hassan Rouhani có tư tưởng ôn hòa và đã được duy trì dưới thời Tổng thống Ebrahim Raisi, vốn theo đường hướng bảo thủ.

Ngoại trưởng Saudi Arabia, Thái tử Faisal bin Farhan xác nhận rằng vòng đàm phán thứ tư đã diễn ra vào tháng 9 vừa qua, đồng thời bày tỏ hy vọng sự kiện này sẽ “đặt nền móng” cho việc giải quyết các vấn đề giữa hai nước.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết, các cuộc thảo luận giữa hai nước “đã đi đúng hướng”.

Đầu tháng 10 này, ông Hossein Amir-Abdollahian khẳng định: “Chúng tôi đã đạt được một số kết quả và thỏa thuận, nhưng chúng tôi vẫn cần phải thảo luận thêm”.

Truyền thông Saudi Arabia đã "hạ giọng" khi nói về Iran. Đài truyền hình nhà nước Al-Ekhbariya tuần trước đưa tin, các cuộc thảo luận “trực tiếp và chân thành” giữa hai bên sẽ “mang lại ổn định cho khu vực”.

Kênh truyền hình này cũng dẫn lại tuyên bố của Hoàng tử Mohammed bin Salman rằng Riyadh muốn có “một mối quan hệ tốt đẹp và đặc biệt” với Tehran.

Tháng trước, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al-Saud đã bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán với Iran có thể “dẫn tới những kết quả hữu hình nhằm xây dựng lòng tin” và khôi phục hợp tác song phương.

Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi Tehran chấm dứt “tất cả hình thức hỗ trợ” các nhóm vũ trang trong khu vực, đặc biệt là phiến quân Houthi tại Yemen, những kẻ đã thực hiện các vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào vương quốc này.

Riyadh đã cáo buộc Tehran hỗ trợ cho Houthi vũ khí và máy bay không người lái, nhưng Tehran cho biết họ chỉ cung cấp cho các phần tử nổi dậy sự ủng hộ về chính trị.

Iran cũng đang tìm kiếm những cơ hội kinh tế với Saudi Arabia bởi họ đang nỗ lực khôi phục nền kinh tế vốn bị bóp nghẹt vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ông Ahi Shihabi, cố vấn của chính phủ Saudi Arabia cho rằng, mặc dù bầu không khí giữa hai bên khá tích cực, song Tehran vẫn phải có những hành động “thực sự”, đặc biệt là trong vấn đề Yemen, thì Riyadh mới chấp nhận những động thái như mở lại đại sứ quán.

Cố vấn Shihabi nhấn mạnh: “Iran cần có những bước đi thực tế, chứ không chỉ là sự hợp tác trong các cuộc thảo luận hòa dịu”.

Không có lựa chọn khác

Chuyên gia Yasmine Farouk của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho rằng, Saudi Arabia muốn các vụ tấn công nhằm vào vương quốc này phải được chấm dứt bởi họ đang hướng tới đa dạng hóa nền kinh tế để bớt phụ thuộc vào dầu mỏ và đã chi hàng tỷ USD vào các siêu dự án đầy tham vọng để thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch.

Bà Farouk nhận định thêm, bối cảnh hiện tại là một cơ hội lớn để hai nước đạt được một thỏa thuận. Bởi vì, Saudi Arabia biết chắc rằng nếu Iran tấn công vương quốc này, Mỹ cũng sẽ không đáp trả quân sự.

Chuyên gia Farouk đặc biệt nhắc đến một vụ đột kích mà Houthi nhận là thủ phạm hồi năm 2019, làm gián đoạn tạm thời một nửa hoạt động sản xuất dầu thô của Saudi Arabia. Vụ việc đã bị nhiều nước phương Tây lên án kịch liệt, song lại không có bất kỳ hành động đáp trả nào.

Bất chấp những tín hiệu về một “bầu không khí tích cực”, bà Farouk cảnh báo cuộc đối thoại giữa hai bên thiếu những đảm bảo rằng Iran sẽ “tuân thủ những gì đã được nhất trí".

Cùng nhận định về tình hình, ông Hussein Ibish, một chuyên gia về Trung Đông tại Washington, cho rằng những chỉ dấu về sự ấm lên trong mối quan hệ Iran-Saudi Arabia chủ yếu xuất phát từ Iran và Iraq - quốc gia trung gian hòa giải trong khu vực.

Ông Ibish nói: “Hiện nay, toàn bộ khu vực đã bước vào một kỷ nguyên hóa giải xung đột", vì vậy, hoàn toàn có thể hy vọng về việc "chấm dứt tình trạng đoạn tuyệt trong các mối quan hệ”.

Theo nhà báo người Iran Maziar Khosravi, sự thù địch giữa Riyadh và Tehran "hiện không còn lối thoát. Cả hai nhận ra rằng họ chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc thỏa hiệp”.

(theo AFP)