📞

Quan hệ kinh tế Mỹ - Trung đã lung lay

14:13 | 08/07/2018
Mức thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã bắt đầu có hiệu lực từ 0 giờ 01 phút ngày 6/7 (giờ Mỹ), khi nhiều người Mỹ còn đang ngon giấc, nhưng Bắc Kinh thì đã sẵn sàng thức giấc để đối phó với một tình huống đã được dự liệu từ trước.  

Khi 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc chính thức bị áp mức thuế 25% để nhập khẩu vào Mỹ thì ngay lập tức Bộ Thương mại Trung Quốc có lời cáo buộc Mỹ "vi phạm các quy tắc" của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chính thức "nổ phát súng đầu tiên" khơi mào cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế thế giới.

Không phải người khai hỏa, nhưng…

Trung Quốc trước đó từng tuyên bố họ sẽ không phải là người "khai hỏa đầu tiên", nhưng họ sẽ đáp trả ngay khi Mỹ áp thuế suất lên hàng hóa Trung Quốc. Điều đó đã được thực hiện. Chính quyền Trung Quốc lập tức trả đũa với mức thuế tương đương trị giá 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ - từ các loại xe đến đậu tương, thịt bò và các sản phẩm nông nghiệp khác.

Trung Quốc từng tuyên bố, họ sẽ không phải là người "khai hỏa đầu tiên", nhưng họ sẽ đáp trả ngay khi Mỹ áp thuế suất lên hàng hóa Trung Quốc.(Nguồn: Marketplus)

Tổng thống Mỹ từng giải thích về các quyết định của ông rằng, "Thương mại giữa các quốc gia của chúng tôi đã rất bất công, trong một thời gian quá dài”. Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định, mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung hiện tại đã trở nên "không còn bền vững". Và gói trừng phạt kinh tế ngày 6/7 sẽ không phải là lần cuối cùng.

Phía Trung Quốc cũng không còn mềm mỏng nữa, “Bắc Kinh đang bị ép phải đưa ra các biện pháp ứng phó để bảo vệ lợi ích cốt lõi của quốc gia và lợi ích của người dân”, đại diện Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố.  

Hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới đã nhập cuộc khẩu chiến từ những tháng gần đây, nhưng tranh chấp thương mại giữa hai bên chỉ thực sự gia tăng đáng kể từ "phát súng đầu tiên" của Tổng thống Mỹ - khiến các nhà đầu tư trên toàn thế giới bắt đầu lo lắng về những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Khi những mũi tên bắn ra

"Điều chúng ta lo ngại nhất là sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Chúng ta có thể thấy một viễn cảnh mất việc làm, sự suy giảm trong đầu tư và niềm tin của người tiêu dùng", Luật sư James Zimmerman tại Bắc Kinh nói với kênh NPR. "Và điều đó sẽ tác động đến thị trường chứng khoán. Tác động mạnh đến việc kinh doanh của Mỹ, theo ước tính của tôi, điều đó sẽ rất đáng kể", Luật sư James Zimmerman quan ngại.

Tác động là đáng kể, nhưng trong một thời gian ngắn trước mắt, người tiêu dùng bình thường ở Mỹ có thể sẽ không thấy được những thiệt hại đã xảy ra đối với mình. Theo phân tích của Giáo sư kinh tế Mary Lovely của Đại học Syracuse, khoảng 60% thương mại Mỹ - Trung liên quan đến các vật liệu phụ trợ và vật tư, chứ không phải là hàng hóa cuối cùng. Vì vậy, tác động tức thời, khiến chi phí tăng lên sẽ chỉ được các công ty trực tiếp sản xuất hàng hóa cảm nhận được, chứ không phải những người chỉ việc chọn hàng trên các kệ siêu thị.

Nhưng cuối cùng, những chi phí đó sẽ sớm lẹm vào túi tiền của người tiêu dùng. Đến lúc đó, có thể nó sẽ không đơn giản chỉ là hệ quả của mức thuế này. Tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Unmade in China" Jeremy Haft từng nói trên kênh NPR rằng, Bắc Kinh sở hữu một số "mũi tên" và họ đã sử dụng thứ vũ khí này.

Vấn đề càng trở nên lớn dần, đặc biệt đối với những loại hàng hóa mau hỏng, thậm chí có thể hỏng ngay ở cảng, nếu nó không được lưu giữ trong điều kiện làm lạnh phù hợp. (Nguồn: Getty Images)

"Bắc Kinh có thể làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn đối với các hoạt động thương mại trên chính thị trường Trung Quốc", Chuyên gia Haft nói. "Họ có thể lưu kiểm dịch các sản phẩm của Mỹ trong một thời gian dài. Hoặc họ có thể làm cho hàng hóa nhập khẩu trở nên khó khăn trong việc xóa thông quan".

Jeremy Haft cho biết, ông đã nhìn thấy những vấn đề này trong ngành công nghiệp thịt lợn. "Thông thường, nếu giấy tờ của các mặt hàng như thịt lợn đã được đặt hàng từ trước, thì quy trình thông quan sẽ được tiến hành thông suốt và nhanh chóng. Nhưng với tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng như hiện nay, bỗng nhiên thịt lợn lại trở thành mặt hàng khó khăn trong việc thông quan và dần trở nên đắt đỏ vì khan hiếm. Vấn đề càng trở nên lớn dần, đặc biệt đối với những loại hàng hóa mau hỏng, thậm chí có thể hỏng ngay ở cảng, nếu nó không được lưu giữ trong điều kiện làm lạnh phù hợp", Chuyên gia Haft phân tích.

Gậy ông lại đập lưng ông

Tuy nhiên, khi Nhà Trắng đã đưa ra một loạt các mức thuế mới, như một chiến lược dài hạn để tìm lại sự cân bằng lâu dài trong thương mại giữa Mỹ với các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Trong đó, Tổng thống Trump đã cáo buộc các hoạt động thương mại của Trung Quốc là không lành mạnh, đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ và buộc các công ty Mỹ phải giao nộp sở hữu trí tuệ.

Nhưng đến nay, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất phản ứng đối với quan hệ thương mại với Mỹ. Từ tháng trước, Chính quyền Trump đã chính thức tham gia vào một cuộc tranh chấp thương mại quy mô lớn với Liên minh châu Âu, Mexico và Canada.

Thời gian qua, kể từ khi Mỹ chính thức áp mức thuế cao đối với thép và nhôm - mà EU gọi là bất hợp pháp - Mexico đã trả đũa với mức thuế từ 15% đến 25% đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ; Canada áp đặt thuế quan đối với gần 13 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ; và EU đã trở lại với mức thuế 25% đối với các sản phẩm đặc biệt của Mỹ, từ rượu bourbon đến xe máy Harley-Davidson.

Các bang Alabama, Texas và Wisconsin, nơi mà Harley-Davidson đang đóng trụ sở - có khả năng đã dự tính được khoảng 1 tỷ USD xuất khẩu sẽ bị mất. (Nguồn: Themalaysianreserve)

Chỉ vài ngày sau khi gánh chịu sự trả đũa của EU, Harley-Davidson cho biết họ đang lên kế hoạch di chuyển dây chuyền sản xuất xe máy để bán ở thị trường châu Âu ra nước ngoài. Đại diện Công ty này cũng cho biết, "sẽ có một tác động bất lợi ngay lập tức và kéo dài đến việc kinh doanh của mình trong khu vực".

Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã đi ngược lại chính sách thương mại của Chính quyền Trump, khi công bố một phân tích về những hậu quả của Chính sách thuế mới. Tổ chức này cho biết, một số bang của Mỹ - như Alabama, Texas và Wisconsin, nơi mà Harley-Davidson đang đóng trụ sở - có khả năng đã dự tính được khoảng 1 tỷ USD xuất khẩu của bang đang bị đe dọa, bởi một cuộc chiến thương mại đa lĩnh vực.

Tuy nhiên, Chính quyền Trump hiện chỉ đang nhìn nhận những tác động tiêu cực như là nhưng "trục trặc nhỏ", ngắn hạn, trên con đường dẫn đến các giải pháp lâu dài hơn.

"Tổng thống đang cố gắng sửa chữa những vấn đề lâu dài trong quan hệ thương mại và trong nền kinh tế. Việc này đáng ra cần được giải quyết từ lâu rồi", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã nói như vậy. Ông này cũng cho rằng, tất nhiên sẽ có một số “rung lắc, kéo, giật” khi chúng tôi cố gắng giải quyết các vấn đề rất nghiêm trọng.

(theo NPR News)