Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhà Trắng tháng 9/2015. (Nguồn: AP) |
Giữa hai nước còn tồn tại nhiều bất đồng. Đặc biệt, Chính quyền Mỹ có xu hướng tăng dần áp lực đối với Trung Quốc, thậm chí Washington còn có cả những hành động mang tính đe dọa Bắc Kinh, nhằm thể hiện sự phản đối các động thái làm gia tăng căng thẳng của Bắc Kinh trong quan hệ quốc tế.
“Đấu tay đôi” trên Biển Đông
Thời gian qua, hai nước dường như “đấu tay đôi” tại Biển Đông và có nhiều quan điểm trái chiều trong lĩnh vực hàng hải. Hơn nữa, hai đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á là Nhật Bản và Philippines cũng đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Thời gian qua, Washington đã công khai thách thức những hoạt động của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Cụ thể, ngay từ tháng 5, nội bộ Mỹ đã đưa ra nhiều dòng ý kiến về việc ủng hộ hay phản đối việc quân đội Mỹ thực hiện các chương trình tuần tra Biển Đông nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải, chống lại yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại vùng biển quan trọng này. Kế hoạch đã đi vào thực tiễn khi tháng 10 qua, Hải quân Mỹ đưa tàu khu trục vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại Biển Đông, tạo ra một vết nứt trong quan hệ song phương.
Trước đó, Chính phủ Mỹ cũng cho phép một phóng viên CNN tới thực địa quay phim, chụp hình hoạt động của Mỹ tại các quần đảo tranh chấp, từ đó phơi bày những hoạt động trái phép của Bắc Kinh. Bên cạnh Chính phủ, những nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ như Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế Mỹ (CSIS) cũng góp phần cho thế giới thấy quá trình xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc một cách rõ ràng và cung cấp cơ sởlập luận cho các quan chức Mỹ.
Thời gian tới, hy vọng những kế hoạch tự do hàng hải của Mỹ được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và Trung Quốc dần phải hiểu rằng mình đang bị thách thức bởi đã đi quá xa luật pháp quốc tế. Năm 2016, Tòa trọng tài thường trực (PCA) của Liên hợp quốc cũng sẽ đưa ra một phán quyết và có những biện pháp buộc Trung Quốc phải tuân thủ mặc dù nước này nhiều lần từ chối thẩm quyền của Tòa và từ chối thực thi phán quyết.
Nhưng… không quên hợp tác
Tuy nhiên, bên cạnh những bất đồng công khai, năm 2015 cũng chứng kiến nhiều thành tựu hợp tác, đặc biệt là trong an ninh mạng, lĩnh vực mà trước đó cả hai bên đều khá kín tiếng.
Tổng thống Mỹ Barrack Obama bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị COP 21 (Nguồn: AP) |
An ninh mạng vốn là vấn đề nhức nhối giữa hai nước thời gian qua nhưng dần được tháo gỡ trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9. Trước chuyến thăm, Chính quyền Tổng thống Obama đã có ý định áp đặt các lệnh trừng phạt với nhiều công ty Trung Quốc có liên quan tới các tội phạm an ninh mạng. Việc lãnh đạo hai nước thảo luận về vấn đề này là một bước đột phá và tạo điều kiện để những bất đồng cũng như lợi ích chung của hai nước được đưa ra thảo luận công khai. Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau hội đàm ngày 25/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết hai nước đạt được thỏa thuận chung về các chương trình trong không gian mạng liên quan tới mục đích thương mại.
Trong năm 2016, các nhà quan sát cho rằng hai bên sẽ có nhiều cơ hội để nhìn nhận thành công hay thất bại của thỏa thuận đối phó với vấn đề an ninh mạng. Chính phủ Mỹ vẫn nắm trong tay các biện pháp trừng phạt đối với nhiều công ty Mỹ vi phạm và các nhà quan sát Mỹ nhìn chungcòn khá hoài nghi trước những bản báo cáo mơ hồ rằng chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu hành động để giải quyết những sự cố an ninh mạng nghiêm trọng. Mặc dù vậy, nhiều kênh trao đổi đã được mở ra và hai chính phủ vẫn tiếp tục tham gia vào quá trình phát triển các tiêu chuẩn không gian mạng đa phương dưới sự bảo trợ của LHQ.
Ngoài an ninh mạng, 2015 cũng chứng kiến một mối quan hệ Mỹ - Trung nhất quán trong vấn đề hạt nhân Iran, khi Bắc Kinh là một thành viên tích cực trong nhóm P5+1 để đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Tehran. Hơn nữa, Washington và Bắc Kinh cũng khá nỗ lực liên kết để hướng tới một thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris. Thành công của COP21 vừa qua có đóng góp không nhỏ từ những cố gắng của Mỹ và Trung Quốc. Thời gian qua, hai nước cũng tích cực trao đổi quân sự, các thỏa thuận tránh đụng độ quân sự ngoài ý muốn đã giúp hai bên giảm đáng kể những nguy cơ tai nạn hoặc những tính toán sai lầm.