Quan hệ Trung - Hàn sẽ là bài toán không đơn giản đối với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Tuy vậy, sự bất cân xứng trong quan hệ, cùng thái độ gay gắt của dư luận hai nước buộc Seoul dưới thời Tổng thống Yoon Suk Yeol cần được tính toán cẩn thận trong hoạch định chính sách với Bắc Kinh, nhất là trong năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Về ngoại giao và an ninh, Hàn Quốc chủ trương tạo sự cân bằng. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, đường lối cơ bản trong chính sách đối với Trung Quốc của Seoul được xây dựng dựa trên nền tảng liên minh Hàn-Mỹ. Trọng tâm cơ bản của chính sách là tạo sự cân bằng giữa các mối quan hệ.
Dưới thời ông Moon Jae In, chính sách xoa dịu Trung Quốc đã góp phần cải thiện những “sóng gió” sau khi Hàn Quốc lắp Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối THAAD năm 2014. Tuy vậy, sự bất đối xứng ngày càng tăng trong quan điểm của hai nước khiến nỗ lực cải thiện phức tạp hơn.
Giờ đây, Hàn Quốc cùng lúc phải đối mặt hai bài toán khó: nỗ lực cứu vãn mối quan hệ Hàn-Trung đình trệ và khôi phục lòng tin chiến lược đối với liên minh Hàn - Mỹ.
Do đó, ông Yoon Suk Yeol sẽ cần tính toán lại chính sách xoa dịu Trung Quốc, cân bằng lập trường của Seoul thông qua xác định rõ giá trị, bản sắc và lợi ích quốc gia của Hàn Quốc trong vấn đề then chốt như phát triển chuỗi cung ứng, tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF), Biển Đông hay Eo biển Đài Loan.
Về kinh tế, từ năm 1992, Hàn Quốc đã tận dụng liên kết ngoại giao với Trung Quốc để tối đa hóa lợi ích, làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại.
Tuy nhiên, điều này đã làm phức tạp các vấn đề hợp tác an ninh trong chiến lược tiếp cận với Mỹ. Nói cách khác, những nỗ lực của chính quyền trước trong hợp tác kinh tế với Bắc Kinh đã làm dấy lên nghi ngờ của Washington về cam kết của Seoul.
Năm 2014, động thái đáp trả của Trung Quốc khi Hàn Quốc quyết định triển khai THAAD đã tác động mạnh tới nền kinh tế. Xuất khẩu đình trệ, thặng dư thương mại sụt giảm và cạnh tranh trở nên ngày một gay gắt trong nhiều ngành công nghiệp lớn.
Tuy vậy, với quy mô thị trường của Trung Quốc, Seoul vẫn cần liên tục hợp tác với Bắc Kinh về kinh tế, nhưng có thể thay đổi thành chiến lược “Trung Quốc+1” để quản lý rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, đồng thời đa dạng hóa đối tác.
Trong bối cảnh doanh nghiệp hai nước cạnh tranh gay gắt, Hàn Quốc cần lợi thế cạnh tranh trong sản xuất chất bán dẫn và công nghệ cao. Khi đó, duy trì quan hệ với Washington trong các lĩnh vực này sẽ giúp Seoul bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.
Về văn hóa-xã hội, chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol có thể thúc đẩy cách tiếp cận “an ninh mềm”. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ văn hóa-xã hội song phương đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, số lượng du khách và du học sinh gia tăng mạnh. Tuy vậy, dư luận hai bên vẫn còn cái nhìn không mấy thiện cảm.
Hai nước đã nỗ lực thúc đẩy, xây dựng mối quan hệ ổn định như thảo luận về chương trình nghị sự hữu nghị tháng 4/2021, tuyên bố về Năm trao đổi văn hóa (2021-2022), tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi văn hóa trên 160 dự án tư nhân. Hàn Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi văn hóa với Trung Quốc, ngay cả giữa bất đồng.
Tuy vậy, chính trị bản sắc và chủ nghĩa dân tộc ở Đông Bắc Á đã biến các vấn đề phi chính trị liên quan quan đến lịch sử, văn hóa của một quốc gia thành các vấn đề an ninh. Kể từ khi Trung Quốc khởi động Dự án Đông Bắc (2002), cư dân mạng hai bên đã bắt đầu tranh luận gay gắt về nguồn gốc của chữ Hàn (Hangul), ca khúc Arirang, món Kimchi và trang phục Hanbok, cũng như về chiến tranh Triều Tiên.
Để giải quyết vấn đề mang tính cấu trúc, việc tìm ra gốc rễ của căng thẳng và thảo luận cởi mở, phổ biến thông tin đáng tin cậy, tránh kích động các tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, sẽ giúp Seoul giải quyết rạn nứt ngày càng gia tăng với Bắc Kinh trong các lĩnh vực xã hội và văn hóa.