Trung Quốc ngày 7/7 lên tiếng cảnh báo, bất kỳ một liên minh thương mại nào chống lại các hành động của Bắc Kinh sẽ không có tác dụng trong thị trường tự do toàn cầu. (Nguồn: SCMP) |
Trung Quốc "phản pháo" mạnh mẽ
Ngày 7/7, trước yêu cầu bình luận của hãng thông tấn China News Service về một số ý kiến của các nhà phân tích nói rằng, Australia “không nên theo Mỹ một cách mù quáng”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, các quốc gia tấn công Bắc Kinh một cách bất công sẽ phải gánh chịu hậu quả mà không cần có chế tài cụ thể.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nêu rõ: “Trung Quốc sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào thu được lợi ích từ việc làm ăn với Bắc Kinh trong khi vẫn cáo buộc, bôi nhọ và phá hoại lợi ích cốt lõi của Trung Quốc".
Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Australia nảy sinh từ tháng 4/2020 khi Canberra thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19 mà không tham khảo ý kiến của Bắc Kinh.
Sau đó, thương mại của hai nước bị gián đoạn khi Trung Quốc áp đặt một loạt lệnh cấm không chính thức đối với một số sản phẩm, bao gồm than đá, tôm hùm, bông và đường.
Theo các phân tích của tờ South China Morning Post, Mỹ đã xuất khẩu nhiều than hơn đến Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm, trong khi Trung Quốc không nhập khẩu bất kỳ loại than nào từ Australia trong thời gian đó.
Là một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký với Mỹ vào tháng 1/2020, Trung Quốc cam kết mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn. Do đó, Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều rượu, bông và gỗ hơn từ Mỹ, trong khi hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng của Australia.
Mặc dù Australia vẫn là nhà xuất khẩu quặng sắt hàng đầu sang Trung Quốc, Mỹ cũng đã tăng lượng quặng sắt xuất khẩu hàng tháng sang Bắc Kinh trong năm nay, chủ yếu ở dạng viên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho biết, mặc dù Trung Quốc đã tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa, song nước này vẫn sẽ “mở ra những cơ hội lớn” để hợp tác với các đối tác thương mại. Đây là một phần trong cách tiếp cận chiến lược của Bắc Kinh nhằm thích ứng với một thế giới bên ngoài ngày càng bất ổn và thù địch.
Ông cũng lặp lại cam kết nhập khẩu hàng hóa trị giá hơn 30 nghìn tỷ USD trong 15 năm tới. Ông khẳng định: "Có thể nói, tôn trọng lẫn nhau là nền tảng và là biện pháp bảo vệ cho sự hợp tác thiết thực giữa các quốc gia".
Lợi ích kinh tế chỉ là "thứ yếu"
Mặc dù không có phản hồi chính thức về bình luận của Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ tài chính Australia Josh Frydenberg đã trả lời một câu hỏi cùng ngày 7/7 về việc Canberra đã có một thời gian dài căng thẳng với Bắc Kinh.
Người đứng đầu ngành tài chính Australia nói rằng, Trung Quốc ngày nay đã khác với Trung Quốc của những năm trước. Nhưng đồng thời, ông nhắc lại rằng, Bắc Kinh vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng của xứ sở kangaroo.
“Trung Quốc không thể phủ nhận thực tế rằng, các mặt hàng xuất khẩu của Australia không đến được Trung Quốc, bao gồm lúa mạch, rượu vang, than đá. Sản phẩm quan trọng nhất của chúng tôi là quặng sắt. Hiện tại, giá sắt đang ở mức cao gần kỷ lục, điều đó đang mang lại nguồn thu đáng kể cho nền kinh tế của Canberra cả ở cấp tiểu bang và liên bang”, ông nhấn mạnh.
Ông Frydenberg cho biết thêm: "Nhưng Australia sẽ không đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, mà chúng tôi sẽ đặt lợi ích quốc gia to lớn hơn lên hàng đầu. Điều đó có nghĩa là phải có ý thức rất rõ ràng và nhất quán về lợi ích quốc gia của chúng tôi ở đâu, và đó là những gì chúng tôi đã làm dưới thời Thủ tướng Scott Morrison".
Những thiệt hại kinh tế mà Australia phải gánh chịu đã làm dấy lên lo ngại giữa các đồng minh phương Tây như Mỹ và Anh.
Tuần trước, các chính trị gia bảo thủ của Anh và một nhóm vận động hành lang công nghiệp của Mỹ đã kêu gọi thành lập một "NATO thương mại" để chống lại các hành động kinh tế của Trung Quốc đối với các nước thành viên.
Mặc dù vậy, việc các nền dân chủ thống nhất về các vấn đề thương mại có thực dụng hay không là một vấn đề còn nhiều tranh cãi.