Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee trồng cây Bồ đề trong Khu di tích Chủ tich Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 15/9/2014. (Nguồn: TTXVN) |
Hình ảnh đất nước Việt Nam đã khắc sâu trong tôi từ khi còn nhỏ. Đất nước đã chống lại sự đàn áp của các cường quốc và đấu tranh cho sự thống nhất và độc lập. Như Thủ tướng Narendra Modi đã nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp vào tháng 10/2014, “mọi đứa trẻ trong ngôi làng nhỏ nhất ở Ấn Độ đều đã nghe về Hồ Chí Minh và những câu chuyện về người dân Việt Nam can đảm, anh dũng”. Đấy là một đất nước đã trỗi dậy từ tro tàn của chiến tranh để trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á.
Vì thế, tôi thực sự phấn khích khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam! Đó là niềm vinh dự của tôi. Với vai trò mới, tôi được tận mắt chứng kiến sự phát triển vượt bậc của đất nước hình chữ S và góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống Ấn Độ-Việt Nam.
Năng lượng lan tỏa
Điều đầu tiên đập vào mắt tôi khi mới đặt chân đến Hà Nội là năng lượng lan tỏa giữa mọi người với nhau. Một sự chuyển đổi kinh tế - xã hội đang diễn ra. Đất nước đang đổi mới, thể hiện qua những chiếc xe máy khéo léo vượt qua mọi trở ngại giao thông để về đích an toàn. Hoạt động xây dựng đường sá, cầu cảng, tòa nhà ở khắp mọi nơi. Tốc độ phát triển rất ấn tượng. Tòa nhà Quốc hội mới, Nhà ga hành khách T2 - Sân bay quốc tế Nội Bài và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nằm trong những dự án quan trọng được hoàn thành trong thời gian kỷ lục trong nhiệm kỳ ba năm của tôi ở Việt Nam.
Tôi chứng kiến cảnh quan thay đổi của các thành phố lớn, sự tồn tại song hành của cái cũ và cái mới. Điều này khiến tôi gợi nhớ về Ấn Độ.
Sự tôn trọng của tôi - một người Ấn Độ với Việt Nam càng được bồi đắp khi nhìn thấy niềm tự hào, lòng yêu nước và tình yêu lớn lao của người Việt Nam dành cho đất nước họ.
Sự tiến bộ của Việt Nam là nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt, các chính sách tập trung vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và ý chí kiên cường của người dân Việt Nam.
Đại sứ Preeti Saran phát biểu chào mừng Diễn đàn giao lưu thương mại Ấn Độ-Việt Nam, ngày 21/1/2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN) |
Tôi đặc biệt ấn tượng trước sự năng động của phụ nữ Việt Nam, những người đã đóng góp một cách bình đẳng cho sự tăng trưởng và phát triển của đất nước từ những năm tháng chiến tranh. Họ luôn thể hiện sự xuất sắc trong mọi cương vị, từ người lính đến nhà lãnh đạo, doanh nhân, chuyên gia, nhà giáo dục… mà vẫn quán xuyến tốt việc nhà, giữ gìn nền văn hóa và di sản phong phú của đất nước.
Những người bạn thân thiết nhất của tôi ở Việt Nam là những phụ nữ Việt Nam duyên dáng, năng động, giỏi giang, vui tính và yêu đời. Họ cũng là những đầu bếp tuyệt vời và đã giới thiệu cho tôi những món ăn Việt Nam ngon nhất.
Những dấu ấn
Một dấu ấn trong nhiệm kỳ của tôi có thể kể đến là những chuyến thăm cấp cao của hai bên, trong đó có chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2013 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee vào năm 2014.
Những chuyến thăm cấp cao này đã giúp tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau và hội tụ lợi ích giữa hai bên. Hai nước chia sẻ những mối quan tâm chung về an ninh, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các cuộc gặp đều tập trung vào việc xác định các lĩnh vực hợp tác mới để củng cố quan hệ chiến lược, hợp tác thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân. Phía Việt Nam quan tâm đến những câu chuyện thành công của Ấn Độ, chẳng hạn như ngành công nghệ thông tin. Hợp tác quốc phòng có bước tiến lớn với việc hoàn tất hạn mức tín dụng trị giá 100 triệu USD lần đầu tiên trong lĩnh vực quốc phòng. Các cuộc thảo luận diễn ra trong không khí thoải mái, thẳng thắn và nồng ấm.
Như Thủ tướng Modi phát biểu vào năm 2014, “Việt Nam đi đầu trong cam kết của Ấn Độ với khu vực”. Hà Nội chính là nơi chúng tôi lần đầu tiên đưa ra chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ thông qua chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj vào tháng 8/2014.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam với tư cách là Đối tác chiến lược của chúng tôi. Hai năm sau, mối quan hệ này đã được nâng tầm lên thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm mang tính bước ngoặt của Thủ tướng Modi tới Việt Nam vào tháng 9/2016.
Đại sứ Preeti Saran tặng bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, ngày 28/8/2015. (Nguồn: TTXVN) |
Một trong những kỷ niệm ấm áp nhất trong thời gian tôi ở Việt Nam là tấm lòng và tình cảm chân thành của người dân nơi đây. Nhờ bộ sari Ấn Độ truyền thống, mọi người trên đường phố nhận ra tôi là người “đến từ đất Phật”. Nhiều người mong cả đời được đến thăm Bodh Gaya, nơi Đức Phật đắc đạo.
Ấn Độ được xem như là người bạn chân thành đã giúp đỡ Việt Nam qua những năm tháng khó khăn và là đối tác quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Hai nước có nhiều điểm tương đồng về các giá trị gia đình, niềm tự hào về di sản, tầm nhìn phát triển và mong muốn tăng trưởng bao trùm.
Những cuộc trò chuyện giữa chúng tôi xoay quanh văn hóa Ấn Độ, những bộ phim truyền hình Ân Độ phổ biến ở Việt Nam. Chúng tôi đã tổ chức Liên hoan phim Ấn Độ và nỗ lực thúc đẩy du lịch giữa hai nước.
Nhiệm kỳ của tôi cũng đánh dấu sự kiện kỷ niệm Ngày quốc tế Yoga lần đầu tiên được tổ chức trên cả nước vào 21/6/2015. Cả Hà Nội và các địa phương đã chung tay với nhiều trung tâm yoga cùng tổ chức một trong những lễ kỷ niệm đáng nhớ nhất trên toàn thế giới, nêu bật những lợi ích của yoga đối với sức khỏe.
Sự phổ biến rộng rãi của yoga tại Việt Nam đã khẳng định thêm một mối liên kết văn hóa và tinh thần bền chặt giữa hai nước.
Ngày quốc tế Yoga 21/6 lần thứ nhất năm 2015 tại Việt Nam chính thức diễn ra ngày 21/6/2015, tại Cung Thể thao Quần Ngựa, Hà Nội. (Nguồn: TTXVN) |
Mối quan hệ chín muồi
Gần sáu năm trôi qua kể từ khi tôi rời Việt Nam với tư cách Đại sứ, nhưng những kỷ niệm của tôi vẫn còn đó.
Tôi rất mừng khi quan hệ hai nước trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện đã đạt được những bước tiến lớn trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, thương mại và đầu tư, hợp tác năng lượng, quan hệ đối tác phát triển, hợp tác quốc phòng và an ninh hay giao lưu nhân dân.
Các lĩnh vực hợp tác sâu rộng hiện nay là dấu hiệu về sự chín muồi trong quan hệ song phương, sự ủng hộ lẫn nhau đối với quá trình phát triển đất nước và niềm tin vào tương lai của nhau.
Với dấu mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tôi có thể nhìn thấy triển vọng đầy hứa hẹn của quan hệ hai nước trong tương lai. Thương mại song phương lần đầu tiên vượt mốc 14 tỷ USD và tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu 15 tỷ USD. Hai bên đã nối lại các chuyến bay thẳng, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân…
Cam kết chung với luật pháp quốc tế, mong muốn chung về cải cách chủ nghĩa đa phương và tầm nhìn bao trùm về cấu trúc khu vực khiến hợp tác Ấn Độ-Việt Nam trở thành một nhân tố cho sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mối quan hệ giữa hai nước vẫn luôn là động lực tốt đẹp trong khu vực.
Xem thêm các bài viết nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ (1972-2022) tại đây.