Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO phát biểu, |
Nhân dịp này, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO đã có những chia sẻ về ý nghĩa của việc Việt Nam trúng cử và các ưu tiên trọng tâm của Việt Nam trên cương vị mới.
Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 nhiệm kỳ 2022-2026 với 120 phiếu, cao nhất trong số các nước trúng cử. Đại sứ đánh giá như thế nào về kết quả này?
Có thể nói, đây là lần thứ hai chúng ta đảm nhận vai trò này tại cơ chế điều hành then chốt về văn hóa của UNESCO.
Điều này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, triển khai đồng bộ và phối hợp hiệu quả giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương như tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư.
Việc nước ta trúng cử vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 với số phiếu cao nhất khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; cho thấy cộng đồng quốc tế ủng hộ sự tham gia tích cực của Việt Nam, tin tưởng vào khả năng đóng góp và năng lực điều hành của ta tại các thể chế đa phương toàn cầu.
Đó cũng là sự ghi nhận đối với vai trò tích cực và trách nhiệm của Việt Nam tại nhiều cơ quan, diễn đàn Liên hợp quốc, UNESCO, đóng góp hiệu quả của chúng ta trong nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể trong nước và trên thế giới, góp phần quan trọng vào bức tranh đa dạng văn hóa nhân loại.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đây cũng là kết quả của quá trình vận động bài bản, đồng bộ, rộng khắp với các đối tác quốc tế ở Hà Nội, Paris (Pháp) và thủ đô các nước thông qua các Cơ quan đại diện để có được sự ủng hộ rộng rãi như vậy.
Việc trúng cử nêu trên có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam, ở cả khía cạnh đối ngoại đa phương cũng như công tác phát huy di sản văn hoá phi vật thể tại trong nước, thưa Đại sứ?
Công ước Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO thông qua năm 2003 nhằm gìn giữ, bảo tồn, truyền bá và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống của nhân loại, tăng cường nhận thức và sự tham gia của các cộng đồng, địa phương, quốc gia, thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực này.
Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 gồm 24 thành viên, là cơ chế điều hành then chốt của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, chịu trách nhiệm giám sát thực thi Công ước, đề xuất các biện pháp bảo vệ di sản, hỗ trợ quốc tế, xem xét các hồ sơ đệ trình ghi danh… để Đại hội đồng Công ước thông qua.
Việt Nam chính thức tham gia và trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước quốc tế quan trọng này, đánh dấu sự hội nhập, xác định vai trò quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể với UNESCO và các nước trên thế giới.
Việc chúng ta lần thứ hai được tín nhiệm bầu vào cơ quan then chốt này sau 16 năm có ý nghĩa quan trọng xét cả về khía cạnh đối ngoại đa phương, ngoại giao văn hóa cũng như phát triển của đất nước.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt nhiệm vụ “phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”; Hội nghị văn hóa toàn quốc, Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 cũng nhấn mạnh “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị”, “văn hóa là động lực phát triển” hay Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao 31 đều nhấn mạnh “vai trò tiên phong của đối ngoại”.
Cùng với việc Việt Nam hiện là thành viên Hội đồng chấp hành nhiệm kỳ 2021-2025, thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025, việc trở thành thành viên Ủy ban liên chính phủ tạo cơ hội để Việt Nam trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, thông qua các quyết định quan trọng của UNESCO về văn hóa, từ đó mở ra cơ hội thuận lợi cho chúng ta bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trong hợp tác văn hóa ở tầm toàn cầu; khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam tại UNESCO nói riêng và trên trường quốc tế nói chung.
Với tư cách là thành viên Ủy ban liên chính phủ, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước 2003, nâng tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể vì đây không chỉ là nguồn lực thiết yếu cho đa dạng văn hóa, sáng tạo, đối thoại giữa các nền văn hóa và gắn kết xã hội mà còn là động lực cho sự phát triển bền vững.
Những kinh nghiệm, hiểu biết và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể ở cả phương diện lý luận, luật pháp và thực tiễn được đánh giá là bài học tốt cho nhiều quốc gia ở khu vực và quốc tế, đóng góp vào việc thực thi Công ước một cách hiệu quả, thiết thực, góp phần bảo vệ khẩn cấp những di sản có nguy cơ bị mai một, gìn giữ những di sản đại diện cho nhân loại và quảng bá những hình mẫu di sản được bảo vệ tốt trên thế giới.
Đây cũng là dịp để ta tranh thủ tri thức và các nguồn lực bên ngoài để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của đất nước, thúc đẩy vận động và bảo vệ các hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh, hỗ trợ phát triển bền vững cho người dân và địa phương, phù hợp với xu thế chung của thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Ta cũng có nhiều cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới, giúp bạn bè quốc tế hiểu biết hơn về đất nước, con người, truyền thống, lịch sử của đất nước – một Việt Nam phát triển năng động, hội nhập sâu rộng, đổi mới sáng tạo, song cũng đậm đà bản sắc dân tộc.
Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 9 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. (Nguồn: nhandan.vn) |
Xin Đại sứ cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ có những ưu tiên trọng tâm nào đối với Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO để góp phần thực hiện tốt “sứ mệnh” của Công ước 2003?
Với tư cách là thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò thành viên năng động, trách nhiệm, chủ động tham gia, tích cực xây dựng, định hình UNESCO trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là trong các vấn đề quan trọng, được UNESCO và các nước thành viên quan tâm.
Trong đó, nổi bật có việc cải cách nhằm tăng cường dân chủ, minh bạch và nâng cao uy tín của UNESCO; xây dựng các chính sách và tìm giải pháp nhằm bảo vệ, thúc đẩy lợi ích của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam; đóng góp vào các chương trình trọng tâm của UNESCO hiện nay như Chiến lược trung hạn của UNESCO giai đoạn 2022-2029, Chương trình và ngân sách giai đoạn 2022-2025, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vì phát triển bền vững, bao trùm.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ nỗ lực chia sẻ các thực hành tốt và kinh nghiệm trong bảo vệ và quản lý di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là đối với các quốc gia Đông Nam Á và các nước đang phát triển; thúc đẩy các ưu tiên của UNESCO, nhấn mạnh tầm quan trọng của di sản không chỉ là nguồn lực thiết yếu cho đa dạng văn hóa, sáng tạo, đối thoại giữa các nền văn hóa và gắn kết xã hội mà còn là động lực cho sự phát triển bền vững và khả năng phục hồi sau những thảm họa.
Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy các ưu tiên của UNESCO như khu vực châu Phi, bình đẳng giới, các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển (SIDS), thanh niên thông qua các hoạt động hợp tác và nâng cao năng lực gắn với di sản văn hóa phi vật thể; nâng cao nhận thức, tăng cường đóng góp hoàn thiện cơ chế của Công ước, tăng cường các di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia vì sự tôn trọng lẫn nhau, đối thoại đa văn hóa và sự phát triển bền vững; thúc đẩy sự cộng hưởng lớn hơn giữa các Công ước về văn hóa; thúc đẩy các hoạt động và sự kiện kỷ niệm 20 năm ra đời Công ước...
Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực lồng ghép và phát huy các nội dung và tinh thần của Công ước vào các luật, các chương trình, dự án liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy thực hiện Công ước. Hiện nay, Việt Nam có 14 di sản văn hoá phi vật thể được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.