Đại hội Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam nhiệm kỳ IV, năm 2019. |
Bối cảnh ra đời
Cách đây 20 năm, đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó có việc chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hoá đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên thế giới. Hoà bình và phát triển là xu thế chính, chủ đạo, mở ra những thời cơ thuận lợi, nhưng đồng thời cũng nổi lên các thách thức mới.
Trên mặt trận đối ngoại nhân dân, nhiều phong trào, thiết chế, diễn đàn đa phương phi chính phủ được hình thành và có tiếng nói ngày càng quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế. Bối cảnh tình hình đó đặt ra nhu cầu cần hình thành ở nước ta một tổ chức công cụ kiểu mới để triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới trong lĩnh vực công tác đối ngoại nhân dân, nhằm đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đó là bối cảnh và cũng là lý do ra đời của Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam - một tổ chức thành viên mới của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam được thành lập theo sáng kiến của Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, cùng một số nhà hoạt động đối ngoại nhân dân, với sự ủng hộ của Lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Ngày 9/4/2003, Đại hội thành lập Quỹ đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội, bầu ra Ban lãnh đạo Quỹ gồm bà Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch, các ông Nguyễn Quang Tạo, Nguyễn Văn Thanh làm Phó Chủ tịch, ông Trần Đắc Lợi làm Tổng thư ký. Các ông Phạm Văn Chương, Nguyễn Văn Huỳnh được bầu làm Uỷ viên Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ nhiệm kỳ I.
Có thể nói Quỹ là một sáng tạo độc đáo, một tổ chức thành viên kiểu mới của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Trước hết, Quỹ có đầy đủ các đặc điểm đặc trưng của hình thức tổ chức phi chính phủ đang phổ biến trên thế giới. Quỹ được tổ chức gọn với khoảng 40 thành viên, tất cả đều tự nguyện tham gia đóng góp phi vụ lợi cho hoạt động của Quỹ.
Tên gọi “Quỹ” (tiếng Anh là Foundation) mà không phải là “Hội” để góp phần làm nổi bật đặc tính “tổ chức phi chính phủ” của Quỹ và để không lẫn lộn với các tổ chức xã hội khác. Hình thức tổ chức này tạo điều kiện thuận lợi cho Quỹ trong việc đa dạng hoá quan hệ đối ngoại và tham gia các thiết chế, diễn đàn phi chính phủ khu vực và quốc tế.
Thứ hai, Quỹ cũng là một tổ chức think-tank có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu về các vấn đề đối ngoại, an ninh và phát triển. Phần lớn thành viên của Quỹ là các nhà hoạt động đối ngoại lâu năm và chuyên gia trên các lĩnh vực, có hiểu biết, năng lực và tâm huyết để tình nguyện đóng góp trí tuệ cho lợi ích quốc gia – dân tộc. Các hoạt động nghiên cứu, tham mưu của Quỹ là đóng góp thuộc kênh 2 - không chính thức - có giá trị tham khảo đối với các cơ quan hoạch định chính sách.
Thứ ba, lĩnh vực hoà bình và phát triển là 2 lĩnh vực chủ đạo có tác động bao trùm đối với tình hình thế giới và lợi ích quốc gia – dân tộc, cho phép Quỹ triển khai hoạt động trong một không gian rất rộng lớn với các quan hệ đối ngoại và loại hình hoạt động rất phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại trong tình hình mới.
Các đặc điểm, ưu thế đó đã được Quỹ tích cực phát huy, triển khai được nhiều hoạt động có hiệu quả và đạt được nhiều thành tích quan trọng trong 2 thập niên qua.
9 |
Tọa đàm Quan hệ Mỹ-Trung-Nga theo góc nhìn tam giác chiến lược 6/2021. (Nguồn: Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam) |
20 năm phụng sự cho sự nghiệp giữ gìn hoà bình và phát triển đất nước
Đối ngoại nhân dân song phương và đa phương:
Trong công tác đối ngoại nhân dân, Quỹ đã nhanh chóng thiết lập và mở rộng quan hệ đối ngoại. Uy tín quốc tế và các mối quan hệ đối ngoại rộng rãi của lãnh đạo và nhiều thành viên Quỹ, nhất là uy tín của Bà Nguyễn Thị Bình, nhà hoạt động chính trị và ngoại giao kiệt xuất có bề dày kinh nghiệm, đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho Quỹ xúc tiến các mối quan hệ đối tác.
Có thể nói Quỹ hiện là tổ chức đối ngoại nhân dân có quan hệ đối ngoại rộng bậc nhất với hàng trăm tổ chức đối tác và tham gia nhiều thiết chế đa phương nhất trong đó có các thiết chế quan trọng như Cơ chế tư vấn phi chính phủ của Hội đồng kinh tế-xã hội Liên hợp quốc (UN ECOSOC), Ủy ban Liên chính phủ về nhân quyền ASEAN (AICHR), Diễn đàn xã hội thế giới, Diễn đàn nhân dân Á-Âu (AEPF), Diễn đàn nhân dân ASEAN (APF), Mạng lưới Đoàn kết nhân dân Nam-Nam, Tổ chức tiến bộ quốc tế (PI)…
Một trong những nhóm đối tác chính của Quỹ là các tổ chức cánh tả, tiến bộ ở các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông và châu Phi.
Nhóm đối tác quan trọng khác là các tổ chức “xã hội dân sự” có vị trí, vai trò quan trọng tại các nước và tại các diễn đàn khu vực, quốc tế. Đặc biệt, Quỹ đã thiết lập được quan hệ với các tổ chức think-tank và một số học giả tiến bộ nổi tiếng như Samir Amin, Francois Houtar, Walden Bello, Francisco Nemenzo, Marta Henecker, Michael Lebovitz, Pablo Solon, Michel Brei, Atilio Boron...
Hoạt động đối ngoại của Quỹ rất phong phú và đa dạng. Trước hết, Quỹ đã hiện diện và hoạt động có hiệu quả tại các diễn đàn đa phương quan trọng nói trên. Tại các diễn đàn này, Quỹ đã tích cực giới thiệu về những thành tựu của công cuộc Đổi mới và con đường phát triển của đất nước nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè và đối tác quốc tế đối với Việt Nam, đấu tranh chống lại các hoạt động và luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam của các thế lực phản động, thù địch, đồng thời, đóng góp có trách nhiệm vào sự nghiệp chung vì một khu vực, thế giới hoà bình, phát triển công bằng và bền vững.
Bên cạnh đó, Quỹ cũng đã chủ động tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế, khu vực về các chuyên đề khác nhau trong các lĩnh vực hoà bình và phát triển nhằm nhận diện, làm rõ các thời cơ, thách thức và đề xuất giải pháp đối với các vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, khu vực và thế giới.
Đồng thời, Quỹ cũng chú trọng phát triển quan hệ đối tác, triển khai các hoạt động trao đổi, hợp tác song phương nhằm củng cố quan hệ hữu nghị, đoàn kết với nhiều tổ chức nhân dân các nước tại các châu lục.
Trong các hoạt động đối ngoại, Quỹ luôn nhất quan đề cao các giá trị hoà bình, dân chủ, chính nghĩa, công bằng, tiến bộ và văn minh, vì một Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển thịnh vượng, bền vững, có quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên thế giới.
Thông qua các hoạt động này, Quỹ đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều tổ chức nhân dân các nước đối với Việt Nam, vận động được nhiều tổ chức lên tiếng, tham gia bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, chủ quyền biển đảo và công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam. Đồng thời, Quỹ cũng đã huy động được tài trợ của nhiều đối tác để triển khai các hoạt động hỗ trợ người nghèo, nạn nhân chiến tranh, bảo vệ môi trường, thúc đẩy bình đẳng giới...
Thông qua các hoạt động trên, uy tín quốc tế của Quỹ cũng được khẳng định, nâng cao với việc Quỹ được công nhận tư cách Tư vấn của Hội đồng klinh tế-xã hội Liên hợp quốc, của Ủy ban liên chính phủ về Nhân quyền của ASEAN, được bầu làm thành viên Ban Tổ chức quốc tế của Diễn đàn nhân dân Á-Âu, Diễn đàn nhân dân ASEAN, Nhóm Điều hành Mạng lưới đoàn kết nhân dân Nam-Nam và làm Điều phối viên Nhóm hoà bình-an ninh của AEPF.
Công tác nghiên cứu, tham mưu:
Công tác nghiên cứu, tham mưu là một trong những thế mạnh được Quỹ tích cực phát huy có hiệu quả cao trong suốt 20 năm qua. Quỹ đã huy động được nhiều chuyên gia trong nước và đặc biệt là các học giả tiến bộ nổi tiếng thế giới tham gia vào các hội nghị, hội thảo và hoạt động nghiên cứu về các vấn đề hoà bình và phát triển của Việt Nam, khu vực và thế giới.
Ngay sau khi thành lập trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, Quỹ đã tập trung nghiên cứu về tiến trình toàn cầu hóa, WTO, đặc biệt là kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực này để từ đó đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam.
Có thể nói Quỹ là một trong số không nhiều các tổ chức, cơ quan của Việt Nam có các sản phầm nghiên cứu sâu về chủ nghĩa tự do mới và mặt trái của tiến trình toàn cầu hoá, về những bất cập trong thực tiễn hoạt động đầu tư, thương mại, sở hữu trí tuệ của các tập đoàn xuyên quốc gia, đưa ra các khuyến nghị về bảo vệ độc lập tự chủ, cảnh báo các nguy cơ lệ thuộc, sa vào bẫy nợ, huỷ hoại môi trường và phát triển thô lậu (lumpen development)… trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Quỹ cũng là một trong những tổ chức hiếm hoi của Việt Nam đã sớm cung cấp trước thông tin về dự báo của các học giả quốc tế do Samir Amin đưa ra tại Hà Nội năm 2007 về khả năng và kịch bản diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu năm 2008-2009. Và chính Samir Amin năm 2010 cũng đã đưa ra dự báo về việc Anh sẽ rút khỏi Liên minh châu Âu, điều sau đó đã diễn ra trên thực tế sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.
Khi tập đoàn Monsanto, Syngenta của Mỹ tìm cách phổ biến công nghệ và đưa sản phẩm cây trồng biến đổi gen vào Việt Nam, Quỹ đã tập trung nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới và trên cơ sở đó, đưa ra khuyến nghị mạnh mẽ với Chính phủ và xuất bản chuyên san về công nghệ biến đổi gen, đề xuất tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ thay vì lựa chọn sản phẩm biến đổi gen vốn không có lợi cho sức khỏe, kinh tế, xã hội và môi trường. Cho đến nay, phát triển nông nghiệp hữu cơ vẫn là hướng đi chính của nền nông nghiệp Việt Nam và được khẳng định là chính sách đúng đắn.
Một trong những vấn đề được Quỹ đặc biệt quan tâm và sớm đầu tư nghiên cứu là về hậu quả chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, Quỹ đã tích cực đóng góp thúc đẩy và hỗ trợ việc thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) cũng như vụ kiện của VAVA và các nạn nhân chống lại các tập đoàn hoá chất Mỹ. Chủ tịch Quỹ Nguyễn Thị Bình cũng đồng thời là Chủ tịch danh dự của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Cho rằng vốn quý nhất của đất nước là con người, Quỹ đã ưu tiên nghiên cứu lĩnh vực giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới với 3 đề tài tập trung vào cải cách đối với người dạy và người học.
Một số nghiên cứu về giáo dục đã được nhà xuất bản uy tín phát hành như cuốn Hệ giá trị người Việt - Mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục, Thử bàn về định hướng phát triển giáo dục phổ thông 10-15 năm tới, dịch và xuất bản cuốn Vị thế nhà giáo của UNESCO.
Bên cạnh đó, vấn đề phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, bảo trợ xã hội… cũng được Quỹ chú trọng nghiên cứu thông qua việc tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, phân tích, đánh giá và đưa ra các khuyến nghị giải pháp.
Trong bối cảnh các thế lực thù địch tìm cách thúc đẩy “diễn biến hoà bình” và chống phá Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền tại các diễn đàn quốc tế, Quỹ đã phối hợp với Mạng lưới Đoàn kết nhân dân Nam-Nam triển khai dự án nghiên cứu về vấn đề dân chủ, làm rõ bản chất và hình thức của dân chủ, các tiêu chí và điều kiện của dân chủ để bảo đảm có được một thể chế quyền lực chính trị thực sự là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Đồng thời, Quỹ cũng đã đầu tư nghiên cứu về vấn đề nhân quyền để tham gia trình bày, đấu tranh tại các diễn đàn của Hội đồng Nhân quyền, AICHR và các diễn đàn nhân dân khu vực và quốc tế. Những năm gần đây, Quỹ đã chú trọng mở rộng phạm vi nghiên cứu, tham mưu trong lĩnh vực xây dựng Nhà nước pháp quyền nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Quỹ đã tham gia đóng góp xây dựng Đề án Xây dựng và Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Chủ tịch nước chủ trì; tham gia các hội thảo quốc gia, đặc biệt đã phát biểu sâu góp ý về công tác cải cách tư pháp của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Quỹ cũng đã phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Tọa đàm về vấn đề Dân làm chủ trong nhà nước pháp quyền, phối hợp với Đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo về Luật đất đai (sửa đổi)… tạo nên hiệu ứng và kết quả tốt, được các đối tác trong nước của Quỹ đánh giá cao.
Hoà bình và an ninh là lĩnh vực được Quỹ hết sức tập trung nghiên cứu một cách thường xuyên và luôn bám sát diễn biến của tình hình để kịp thời đưa ra các phân tích, đánh giá và các khuyến nghị có giá trị. Trung bình mỗi năm Quỹ tổ chức từ 10-12 cuộc toạ đàm, hội thảo về tình hình, xu thế, trật tự, cục diện thế giới và khu vực, về chính sách và hành động của các nước lớn, về các điểm nóng và các vấn đề quốc tế đang nổi lên, về các thách thức an ninh phi truyền thống...Trong đó, Biển Đông là vấn đề luôn được Quỹ đặc biệt quan tâm. Sau mỗi cuộc toạ đàm, hội thảo, Quỹ đều có báo cáo bằng văn bản gửi các cơ quan hoạch định chính sách có liên quan.
Công tác thông tin, truyền thông đối ngoại:
Công tác thông tin đối ngoại cũng là một điểm sáng trong hoạt động của Quỹ trong 20 năm qua.
Từ kết quả nghiên cứu, thu thập và trao đổi thông tin, Lãnh đạo và thành viên của Quỹ đã viết nhiều cuốn sách và hàng trăm bài báo cho các báo và tạp chí về những vấn đề quốc tế và trong nước quan trọng như: toàn cầu hóa, chủ nghĩa tự do mới, xu thế của thời đại, hội nhập quốc tế, khủng hoảng kinh tế, các cuộc xung đột; cây trồng biến đổi gen, phát triển nông nghiệp bền vững, biến đổi khí hậu, hậu quả chất độc da cam/dioxin, tình hình Biển Đông, Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương; về tình hình kinh tế-xã hội, giáo dục, hội nhập quốc tế, phát triển nông nghiệp bền vững, biến đổi khí hậu, xây dựng Đảng.
Quỹ đã tham gia và hỗ trợ bà Nguyễn Thị Bình xuất bản hai cuốn sách. Thứ nhất là cuốn Hồi ký Nguyễn Thị Bình - Gia đình, bạn bè và đất nước bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Bạn bè Nhật dịch sang tiếng Nhật, Nhà xuất bản của Đảng Cộng sản Ấn Độ dịch sang nhiều thứ tiếng địa phương Ấn Độ. Cuốn sách bằng tiếng Anh và tiếng Việt đã được tái bản hai lần, được bạn bè quốc tế trân trọng, coi đó là một cuốn lịch sử tóm tắt về Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và trong quá trình đổi mới và phát triển.
Thứ hai là cuốn Tấm lòng với đất nước bằng tiếng Việt tập hợp hầu hết các bài viết của Bà Nguyễn Thị Bình về các vấn đề đối ngoại, giáo dục và kinh tế xã hội, được bạn đọc trong nước rất hoan nghênh.
Mặt khác, Chủ tịch Danh dự Quỹ cũng đã tập hợp ý kiến các thành viên, viết một số bài báo đăng trên báo Nhân dân và một số tạp chí về những vấn đề xây dựng Đảng, giáo dục, đường lối độc lập tự chủ, về đối ngoại nhân dân được dư luận quan tâm.
Các vị Lãnh đạo Quỹ cũng đã biên soạn và phát hành một số sách tham khảo có giá trị nghiên cứu về mặt trái của toàn cầu hoá như Nhận diện chủ nghĩa tự do mới, Một diễn đàn Davos khác, Từ Seattle đến Doha của cố Phó Chủ tịch Quỹ Nguyễn Văn Thanh; các sách phục vụ cho công tác đối ngoại nhân dân như Công tác đối ngoại nhân dân ở nước ta - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Đối thoại với Việt Nam của Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Trần Đắc Lợi đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của độc giả trong nước và bạn bè quốc tế.
Với sự phối hợp và hỗ trợ của Ủy ban Biên giới Quốc gia, Nhà Xuất bản Giáo dục và Nhà Xuất bản Thế giới, Quỹ đã ấn hành cuốn sách Việt Nam và Biển Đông bằng tiếng Việt (năm 2011, tái bản năm 2014 và 2017) và tiếng Anh (năm 2012, tái bản năm 2014 và 2017), giới thiệu các thông tin cơ bản về Biển Đông, lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, và một số văn kiện quốc tế, khu vực và song phương liên quan.
Đây là cuốn đầu tiên thuộc loại “sổ tay” gồm những thông tin ngắn gọn, dễ hiểu về Biển Đông tiện dùng cho công tác thông tin đối ngoại của các tổ chức nhân dân Việt Nam. Ở nước ngoài, cuốn sách được nhiều tổ chức và cá nhân là đối tác của Quỹ hoặc Liên hiệp hữu nghị sử dụng rộng rãi.
Tại Ấn Độ, cùng với bản tiếng Anh, cuốn sách đã được Tổ chức Hòa bình và Đoàn kết toàn Ấn (AIPSO) dịch ra tiếng Hindi và một số tiếng địa phương khác, phổ biến tại nhiều bang trong nước. Loạt bài viết Sự thật về Biển Đông do Quỹ chủ biên đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Quỹ đã tạo tiếng vang lớn trong dư luận trong nước và quốc tế, thu hút sự chú ý đặc biệt của độc giả trong và ngoài nước, trong đó trên kênh Youtube Góc nhìn Hoàng Duy Hùng của Luật sư Việt kiều Hoàng Duy Hùng đã thu hút được hàng triệu lượt người xem.
Từ năm 2004, Quỹ đã xuất bản định kỳ 2 tháng Bản tin Hòa bình và Phát triển, với nội dung phong phú. Năm 2008, Quỹ đã cho ra mắt Trang thông tin điện tử ̣bằng tiếng Anh.
Ngoài Bản tin thường kỳ, Quỹ cũng đã xuất bản một số phụ bản Bản tin như về cây trồng biến đổi gen; kỷ yếu các hội thảo về WTO, khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, vấn đề độc lập tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, các phương án tự chủ của các nước phương Nam trong thế giới toàn cầu hóa... và các đặc san kỷ niệm 5 năm, 10 năm, 15 năm thành lập Quỹ.
Đến tháng 5/2020, với sự giúp đỡ có hiệu quả của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Trang thông tin điện tử của Quỹ đã được nâng cấp toàn diện với giao diện hoàn toàn mới gồm hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, trở thành kênh thông tin đối ngoại và đối nội chủ yếu của Quỹ.
Từ ngày được nâng cấp, Trang thông tin điện tử của Quỹ đã hoạt động liên tục, số lượng truy cập ngày càng cao với nhiều thông tin, bài viết, bài nghiên cứu có giá trị giúp độc giả nắm rõ hơn tình hình quốc tế, các vấn đề đối ngoại và đường lối, chính sách, quan điểm, thành tựu của Việt Nam.
Hội thảo quốc tế "Hòa bình An ninh tại châu Á và châu Âu: Thách thức và tầm nhìn của người dân". (Nguồn: Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam) |
Tự hào hướng tới tương lai.
Có thể nói với số lượng thành viên rất khiêm tốn và nguồn lực rất khan hiếm, dù không có kinh phí hoạt động thường xuyên, nhưng trong suốt 20 năm qua, Quỹ luôn là tổ chức có nhiều hoạt động thường xuyên nhất trong hệ thống tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả cho công tác đối ngoại nhân dân nói riêng và cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc nói chung.
Vì lẽ đó mà Quỹ đã liên tục được nhận danh hiệu đơn vị dẫn đầu, cờ thi đua và bằng khen của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ban Đối ngoại Trung ương, đặc biệt là đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2018 và lần này là Huân chương Lao động Hạng Nhất.
Có được những thành tích nói trên trước hết là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ thường xuyên đối với Quỹ của các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Đối ngoại Trung ương và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; sự giúp đỡ, phối hợp của Bộ Ngoại giao, các Bộ ngành ở Trung ương và các địa phương.
Thành tích đạt được của Quỹ cũng gắn liền với sự hợp tác, giúp đỡ có hiệu quả của các đối tác trong và ngoài nước, nổi bật là Quỹ Rosa Luxemburg, tổ chức ActionAid, Ủy ban Biên giới quốc gia, Vụ Chính sách đối ngoại, Học viện Ngoại giao, Viện Nghiên cứu chiến lược, Viện Nghiên cứu Biển Đông (Bộ Ngoại giao); Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ủy ban sông Mekong quốc gia, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hội Luật quốc tế Việt Nam.
Những kết quả hoạt động của Quỹ cũng là nhờ sự hỗ trợ của các nhà tài trợ như Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng, Tập đoàn Phú Thái, Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành, Công ty Luật Vietthink và nhiều nhà hảo tâm khác.
Đặc biệt, thành tích của Quỹ có được là nhờ những đóng góp tự nguyện, hết sức nhiệt thành của các thế hệ Lãnh đạo và thành viên Hội đồng Quỹ, nhất là uy tín và tâm huyết của Chủ tịch sáng lập và nay là Chủ tịch Danh dự của Quỹ Nguyễn Thị Bình.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập, Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam xin trân trọng cảm ơn các vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các Ban, Bộ ngành, đoàn thể ở Trung ương, các địa phương qua các thời kỳ; chân thành cảm ơn các đối tác và các nhà tài trợ về sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ đối với Quỹ, các thế hệ Lãnh đạo và thành viên Hội đồng Quỹ đã đóng góp hiệu quả cho hoạt động của Quỹ trong suốt 20 năm qua.
Tự hào về truyền thống và những kết quả đã đạt được, thế hệ Lãnh đạo và các thành viên Hội đồng Quỹ hiện nay nguyện sẽ tiếp tục cống hiến hết tâm sức và trí tuệ của mình để kế tục xứng đáng các thế hệ đi trước, cùng với các tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tham gia tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân, đóng góp ngày càng có hiệu quả cho sự nghiệp hoà bình và phát triển của Việt Nam, khu vực và thế giới.
(*) Chủ tịch Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp
| Phát huy vai trò của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam Hội thảo quốc tế về "Phát huy vai trò giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững ... |
| Hội thảo khu vực về Khắc phục hậu quả bom mìn vì hòa bình và phát triển bền vững Ngày 29/3, Bộ Ngoại giao, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đồng tổ ... |
| Tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế vì hòa bình và phát triển bền vững Ngày 24/9, tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), New York, Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh có bài phát biểu ... |
| Tinh thần đoàn kết vì hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội Chiều 22/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), Ủy ban Hòa bình Việt Nam phối hợp Hội đồng ... |
| Chặng đượng 15 năm của Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam Ngày 12/10, tại Hà Nội, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập Quỹ (2003 – ... |