📞

Quyền được phát triển của trẻ em

TS. ĐỖ QUÝ HOÀNG - NGUYỄN THÚY HIỀN 07:30 | 20/06/2024
Bảo vệ sự phát triển của trẻ em là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế về quyền trẻ em. Trẻ em không chỉ là lực lượng đông đảo của hiện tại mà là nguồn nhân lực của tương lai.

Do đó, các vấn đề liên quan đến quyền được phát triển của trẻ em là một trong những mối quan tâm chính của pháp luật quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam hiện nay.

Ngày quốc tế Vui chơi lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 11/6/2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực duy trì, thúc đẩy và ưu tiên vui chơi để tất cả mọi người, đặc biệt là thúc đẩy trẻ em có thể gặt hái những thành quả và phát huy hết tiềm năng của mình. (Nguồn: UNICEF)

Pháp luật Việt Nam về quyền được phát triển của trẻ em

Nhằm bảo vệ quyền trẻ em nói chung và quyền được phát triển của trẻ em nói riêng, Việt Nam đã tham gia nhiều văn kiện quốc tế như Công ước quốc tế về Quyền trẻ em 1989 (CRC), Nghị định thư không bắt buộc bổ sung CRC về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, Nghị định thư không bắt buộc đối với CRC về sự tham gia của trẻ em vào lực lượng vũ trang.

Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước CRC vào năm 1990 mà không bảo lưu điều khoản nào. Trong suốt 35 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng khung pháp luật trong nước hài hòa với các quy định của Công ước và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên.

Trong pháp luật Việt Nam, quyền được phát triển của trẻ em được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp 2013: “Trẻ em có quyền được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Có thể thấy rằng Hiến pháp 2013 đã xác lập ra nghĩa vụ bảo hộ và bảo đảm quyền được phát triển của trẻ em của Nhà nước, gia đình và xã hội theo nguyên tắc “dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”, trẻ em phải được sống trong môi trường phù hợp để phát triển, được học tập và rèn luyện.

Để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 và phù hợp với các quy định của CRC, Việt Nam đã ban hành Luật trẻ em 2016 để quy định các nguyên tắc đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, các hành vi bị nghiêm cấm nhằm đảm bảo quyền trẻ em. Đồng thời, ghi nhận hầu hết các quyền trẻ em được quy định bởi CRC tại Chương II của Luật.

Theo đó, nhóm quyền được phát triển của trẻ em được ghi nhận, bao gồm: Điều 14 - quyền được chăm sóc sức khỏe; Điều 15 - quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; Điều 16 - quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; Điều 17 - quyền vui chơi, giải trí; Điều 18 - quyền giữ gìn, phát huy bản sắc; Điều 22 - quyền được sống chung với cha, mẹ; Điều 24 - quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; Điều 26 - quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động Điều 27 - quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc; Điều 28 - quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; Điều 32 - quyền được bảo đảm an sinh xã hội; Điều 33 - quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội; Điều 35 - quyền của trẻ em khuyết tật...

Bên cạnh việc nội luật hóa quyền được phát triển thông qua Luật Trẻ em 2016, Việt Nam cũng tiến hành nội luật hóa trong các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật Lao động 2019... Nhìn chung, Việt Nam thực hiện tương đối đầy đủ nghĩa vụ của quốc gia thành viên đã được đề cập trong CRC thông qua các quy định cụ thể của pháp luật hiện hành.

Có thể nhận định rằng Luật trẻ em 2016 là văn bản pháp luật quốc gia giữ vai trò quan trọng nhất trong việc ghi nhận và bảo vệ các quyền trẻ em nói chung và quyền được phát triển của trẻ em nói riêng.

Ngày 11/6, tại New York, Hoa Kỳ, Việt Nam cùng các nước Nhóm nòng cốt thúc đẩy Nghị quyết 78/268 của Đại hội đồng Liên hợp quốc long trọng tổ chức các hoạt động lần đầu tiên kỷ niệm Ngày quốc tế Vui chơi. Trong ảnh: Một số hoạt động vui chơi ngoài trời trong khuôn viên trụ sở Liên hợp quốc tại New York.

Một số kiến nghị thực hiện pháp luật về quyền được phát triển của trẻ em

Việt Nam luôn có quan điểm và chính sách nhất quán về quyền trẻ em. Theo đó, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục để trẻ em được phát triển toàn diện có thể được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Việc bảo đảm các quyền trẻ em, đặc biệt là nhóm quyền được phát triển là một vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong mọi chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Theo báo cáo của Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về tình hình trẻ em năm 2020, việc thực hiện pháp luật về quyền được phát triển của trẻ em tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em thuộc các hộ nghèo, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em dân tộc thiểu số được cấp hoặc hỗ trợ kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế.#_ftn1 Bên cạnh đó, theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019 - 2020 của Bộ Y tế, tỷ lệ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 12,3% năm 2019#_ftn2.

Về giáo dục, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên cả nước có nhiều chuyển biến tích cực; số trẻ em độ tuổi đi học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều tăng so với năm học 2018-2019, góp phần quan trọng trong việc tiếp cận giáo dục, bảo đảm quyền được giáo dục và học tập của trẻ em#_ftn3.

Về văn hóa, vui chơi giải trí, Luật Thư viện đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8, trong đó có những nội dung cụ thể quy định về quyền sử dụng thư viện của trẻ em, góp phần để trẻ em được tiếp cận thông tin, sử dụng thư viện và tham gia các hoạt động giải trí phù hợp lứa tuổi.

Đối với các vùng dân tộc thiếu số, theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch, hạ tầng kỹ thuật phát thanh truyền hình, được quan tâm đầu tư, đến nay đã phủ sóng phát thanh được trên 90% và sóng truyền hình đạt gần 80%; 98.7% số xã có bưu điện văn hóa xã#_ftn4…

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong thực hiện quyền được phát triển của trẻ em, vẫn còn một số hạn chế và thách thức nhất định liên quan đến việc hiện thực hóa đầy đủ các quyền được phát triển của trẻ em, trong đó thách thức lớn nhất với Đảng và Nhà nước ta hiện nay là điều kiện kinh tế - xã hội đất nước còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và ở nông thôn; hệ thống dịch vụ y tế ở một số địa phương còn lạc hậu, chưa đáp ứng được các nhu cầu chăm sóc sức khỏe của trẻ em; hệ thống giáo dục và chất lượng giáo dục trên cả nước chưa đồng bộ, thống nhất, chưa đảm bảo cơ hội học tập một cách bình đẳng cho trẻ em...

Ngoài ra, nhận thức về bảo vệ quyền được phát triển của trẻ em từ gia đình và xã hội, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa chưa thực sự được quan tâm.

Pháp luật quốc tế về quyền được phát triển của trẻ em quy định về các quyền vốn có của trẻ em và nghĩa vụ của các quốc gia trong việc bảo đảm các quyền vốn có đó. Công ước quốc tế về Quyền trẻ em 1989 (CRC) là văn kiện quốc tế cơ bản và toàn diện nhất về quyền trẻ em, đây cũng là điều ước quốc tế về quyền con người có số lượng quốc gia thành viên cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, Điều 6 CRC đã quy định: “Các Quốc gia thành viên thừa nhận rằng mọi trẻ em đều có quyền vốn có là được sống. Các Quốc gia thành viên phải bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em”.

Dựa trên một số hạn chế, bất cập về quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về quyền được phát triển của trẻ em ở Việt Nam hiện nay, cần có một số giải pháp mang tính thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về quyền được phát triển của trẻ em trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, nghiên cứu sửa quy định về độ tuổi pháp lý của trẻ em trong Luật Trẻ em 2016 nhằm tương thích với Điều 1 Công ước CRC và một số điều ước, thỏa thuận quốc tế khác liên quan đến trẻ em mà Việt Nam đã ký kết.

Theo đó, quy định về tuổi của trẻ em nên được sửa đổi là dưới 18 tuổi vì quy định này phù hợp với CRC, các văn kiện quốc tế về quyền trẻ em và hài hòa hóa pháp luật về quyền trẻ em với các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, khi xác định trẻ em là người dưới 18 tuổi sẽ tạo nên thống nhất trong khái niệm “trẻ em” và “người chưa thành niên” ở nước ta, từ đó tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ trẻ em bị hoặc nguy cơ xâm phạm đến quyền được phát triển của mình.

Thứ hai, rà soát và quy định thống nhất “trẻ em” và “người chưa thành niên” trong hệ thống văn bản pháp luật như Luật Trẻ em 2016, Bộ luật Dân sự 2015… nhằm khắc phục lỗ hổng pháp lý để bảo vệ quyền được phát triển của trẻ em - người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Thứ ba, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật quốc gia về quyền được phát triển của trẻ em để bảo vệ và đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn và phát triển toàn diện; ban hành các chính sách hỗ trợ hiệu quả về giáo dục, y tế… cho trẻ em sinh sống trong điều kiện không thuận lợi như vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.

Thứ tư, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Hiến pháp 2013, Luật Trẻ em 2016,… và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Ban hành các quy định về xử lý các hành vi xâm phạm đến quyền được phát triển của trẻ em, cũng như sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc tôn trọng, bảo đảm và thực thi quyền được phát triển của các cơ quan chức năng. Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại… hoặc có những hành vi gây cản trở quyền được phát triển của trẻ em.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn cho cộng đồng, gia đình; các tổ chức xã hội về quyền trẻ em nói chung và quyền được phát triển nói riêng; trang bị các kiến thức về quyền trẻ em, thông tin về dịch vụ hỗ trợ đối với trẻ em bị xâm phạm quyền hợp pháp của mình thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111).

Thứ sáu, tăng cường xây dựng năng lực chuyên môn và nhận thức cho các cán bộ của các bộ, ngành thông qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, các khóa đào tạo về quyền trẻ em, phòng, chống xâm phạm quyền được phát triển của trẻ em. Từ đó, các cán bộ thực thi sẽ có thêm kiến thức, xử lý, trợ giúp kịp thời các đối tượng là trẻ em có nguy cơ bị xâm phạm hoặc bị xâm phạm đến quyền được phát triển của mình.

Thứ bảy, đẩy mạnh cơ chế giám sát hiện nay của Quốc hội, các ủy ban chuyên trách trực thuộc Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động thực hiện quyền được phát triển của trẻ em.


#_ftnref1 Xem thêm Nghị định số 136/2013/NĐ-CP về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thay thế cho Nghị định trên. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.

#_ftnref2 Bộ Y tế công bố kết quả Tổng điểu tra Dinh dưỡng năm 2019-2020, https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/bo-y-te-cong-bo-ket-qua-tong-ieu-tra-dinh-duong-nam-2019-2020.

#_ftnref3 Báo cáo của Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình trẻ em năm 2020.

#_ftnref4 Xem thêm: https://tuyengiao.vn/dam-bao-hieu-qua-dau-tu-cho-vung-dan-toc-mien-nui-50644.