Một nhóm các nhà nghiên cứu khí hậu Mỹ và Australia cho biết, các cánh rừng trên thế giới đã phản ứng mạnh mẽ với hàm lượng CO2 đang tăng lên trong khí quyển, do đó đang góp phần trì hoãn sự ấm lên toàn cầu, gây ra bởi các loại khí nhà kính.
Điều này tạo ra một sự tạm ngừng trong tốc độ tăng trưởng của lượng CO2 trong khí quyển, trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2014.
Các cánh rừng và thảm thực vật góp phần quan trọng làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. (Nguồn: The Australian) |
"Hệ sinh thái toàn cầu đang làm chậm lại tốc độ tích lũy CO2 trong khí quyển, và do đó làm giảm tốc độ của biến đổi khí hậu," Tiến sĩ Trevor Keenan, tác giả chính của nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature Communications cho biết.
Ông Keenan, cựu giảng viên trường Đại học Macquarie ở Sydney (Australia), là một nhà nghiên cứu khí hậu thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley - một cơ sở nghiên cứu của Bộ Năng lượng Mỹ. Nhóm của ông đã khai thác dữ liệu từ Dự án Carbon Toàn cầu, một cơ quan giám sát khí hậu do nhà khoa học Pep Canadell đứng đầu, nhằm tìm hiểu lý do tại sao sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ CO2 trong khí quyển đã chậm lại vào đầu thế kỷ này.
Sử dụng mô hình trên máy tính, dựa vào số đo vệ tinh đối với thảm thực vật và việc đo đạc lượng khí CO2 trong khí quyển, nhóm nghiên cứu đã rút ra kết luận: Việc tăng hàm lượng CO2 trong không khí đã thúc đẩy cây cối tăng cường quá trình quang hợp, các cây phát triển và hấp thụ CO2 nhiều hơn, do đó tăng trưởng nhiều hơn, và cứ như vậy, hấp thụ nhiều CO2 hơn.