Chỉ mới hai tuần trước, News Corporation còn là một tập đoàn khổng lồ do một nhân vật được xem là huyền thoại lãnh đạo và sắp thành công trong thương vụ lớn nhất trong lịch sử của nó. Giờ đây, vụ mua bán lịch sử không thành và Rupert Murdoch cũng bị “bủa vây” tứ bề. Ba đảng chính trị lớn nhất nước Anh đã hợp tác cùng Giáo hội Anh, nhóm những người nổi tiếng và tất cả các phương tiện truyền thông khác tập trung tấn công “đế chế” Murdoch. Từ người khổng lồ, Rupert Murdoch bỗng trở thành “nhân vật phản diện” bị khán giả la hét trên sân khấu.
Nếm mùi “lá cải”
Các tờ báo lá cải của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch từ lâu vẫn phơi bày hành động sai trái của người khác bằng các bức ảnh gây sốc và những tiêu đề hết sức mỉa mai. Nào ai ngờ, đến lượt mình, ông Murdoch đang được trải nghiệm cảm giác mà những nhân vật vẫn xuất hiện hàng ngày trên các tờ báo trong tay ông, từ News of the World tới The Sun ở Anh, hay New York Post ở Mỹ… Có lẽ giờ đây ông mới thấu hiểu cảm giác khi bị bủa vây trong cái lưới “lá cải” của chính mình.
Rupert Murdoch, sinh năm 1931 tại Melbourne (Australia), là một ông trùm truyền thông toàn cầu. Ông là cổ đông, Chủ tịch, Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn News Corporation. Bắt đầu sự nghiệp với báo giấy, tạp chí và những kênh truyền hình tại quê nhà, Murdoch đã phát triển News Corp tới thị trường truyền thông Anh, Mỹ và châu Á. Những năm gần đây, ông trở thành nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực truyền hình vệ tinh cũng như ngành công nghiệp điện ảnh, Internet và truyền thông. Hiện Murdoch làm chủ 175 tờ báo trên toàn thế giới, đó là chưa kể một số kênh truyền hình nổi tiếng và vô số các công ty truyền thông khác.
Là ông chủ của nhiều tờ báo lá cải, Rupert Murdoch, 80 tuổi, đương nhiên có rất nhiều kẻ thù. Với vụ bê bối lần này, nhiều người xem như Murdoch đang bị trừng phạt trong cái bẫy do chính ông giăng ra.
Ngoài đường phố, sau vụ bê bối nghe lén điện thoại, một số người phản đối đã đeo mặt nạ Rupert Murdoch và ăn vận như người bị kết án, diễu qua diễu lại, đặc biệt trước cửa nhà ông trùm truyền thông ở London. Còn trên văn đàn, với cáo buộc News of the World nghe lén điện thoại, Eric Boehlert - quan chức cấp cao của hãng Media Matters - đã ví scandal của Murdoch giống như vụ Watergate của Tổng thống Mỹ Richard Nixon bị phơi bày năm 1974.
Châm chọc nhẹ nhàng, Mungo MacCallum - một phóng viên chính trị từng làm việc cho tờ The Australian mà Murdoch sở hữu - nhận định: “Người ta có cảm giác rằng Murdoch đã là vua của thế giới quá lâu, nên đã đến lúc ai đó kéo ông ta trở về mặt đất”. Cay nghiệt hơn, cây bút lão luyện Conrad Black - từng sở hữu tờ The Daily Telegraph - cho rằng đối thủ của mình giống Hoàng đế Napoleon Bonaparte của nước Pháp. Viết trên tờ Financial Times hôm 13/7, Conrad tả Murdoch giống Napoleon, là “một kẻ xấu xa vĩ đại. Đó là một con người tham vọng và luôn có mục đích rõ ràng. Murdoch không chung thủy với bất kỳ ai hay bất kỳ giá trị nào ngoài tập đoàn của ông. Nhà tài phiệt sinh ở Australia gặp nhiều khó khăn trong việc giữ gìn tình bạn do ông hiếm khi giữ lời hứa, sẵn sàng trục lợi những người khác và phản lại các nhà lãnh đạo chính trị từng giúp đỡ ông ở bất cứ quốc gia nào (có lẽ chỉ trừ hai người là cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair)”…
Đế chế Murdoch “đại hạ giá”
Những ngày này, đế chế truyền thông của ông trùm Rupert Murdoch đang rung chuyển dữ dội khi vụ bê bối nghe lén đã lan từ Anh sang Mỹ, và sắp tới có thể là cả Australia, quê hương của ông. Theo những tin tức mới nhất thì giá trị cổ phiếu của tập đoàn truyền thông News Corp đã sụt giảm 7%, tương đương hơn 3 tỉ USD và thương vụ trị giá 12 tỉ USD thâu tóm kênh truyền hình vệ tinh lớn nhất nước Anh BskyB cũng đã không thể trở thành hiện thực.
Tất nhiên, không ai có thể tranh cãi về sự can đảm, tầm nhìn và kỹ năng của Rupert Murdoch trong việc chinh phục và thống trị thị trường báo lá cải ở Anh; dẫn đầu trong những bước đi đột phá kết nối các phim trường với đài truyền hình, phá vỡ thế độc quyền ba bên trong ngành truyền hình Mỹ; là người tiên phong trong phát triển truyền hình vệ tinh và thành lập một kênh tin tức bảo thủ, dân túy dành riêng cho người Mỹ; mua lại và phát triển tờ Wall Street Journal uy tín lẫy lừng trong giới tinh hoa Mỹ. Dĩ nhiên, ông Murdoch cũng đã cần nhiều may mắn để xây dựng nên một đế chế như hiện giờ. Ví dụ như khi cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher nới lỏng quy định cho kênh truyền hình vệ tinh của Murdoch ở nước này, đổi lấy việc bà nhận được sự ủng hộ của tờ The Sun, hay khi Đài truyền hình vệ tinh Anh sụp đổ và rơi vào tay ông 20 năm trước…
Nhưng may mắn chỉ là một phần giải thích cho sự thành công của Murdoch. Những người theo dõi News Corp trên thị trường tài chính Phố Wall phải thừa nhận rằng Rupert Murdoch là thiên tài mới xây dựng nên một đế chế truyền thông mạnh như ngày hôm nay, ngoại trừ việc phát triển không chọn lọc. Và cũng vì sự đầu tư tạp nham này mà năm 2004, ông Murdoch đã không ngăn được John Malone, đối thủ truyền hình trả tiền, có cổ phần lớn trong công ty của mình. Năm 2005, ông đã trả 580 triệu USD mua MySpace, nhưng đã bán nó hồi tháng trước chỉ với 35 triệu USD. Năm 2007, ông đã mua Dow Jones, chủ sở hữu của tờ Wall Street Journal, với giá 5,6 tỷ USD và 2 năm sau News Corp đã giảm giá trị một nửa.
Tồi tệ nhất là khi sự thật về scandal nghe lén điện thoại được phanh phui, ông Murdoch đã phải đóng cửa tờ báo 168 tuổi và từ bỏ dự án thu mua hãng truyền hình vệ tinh BSkyB của Anh. Cổ phiếu của tập đoàn mất giá trị hàng tỷ USD. Vụ việc cũng có thể khiến Murdoch và tập đoàn của ông gặp nhiều rắc rối về pháp luật. Một cuộc điều tra hình sự cũng đang được tiến hành tại Anh, trong khi FBI đã bắt đầu một cuộc điều tra sơ bộ ở Mỹ, nơi công ty sở hữu các tờ báo lớn nhất nước The Wall Street Journal, New York Post, kênh truyền hình Fox TV và hãng phim 20th Century Fox.
Bất chấp scandal đã khiến hai trợ lý hàng đầu của Murdoch bị mất việc và buộc ông phải đóng cửa một trong những báo lá cải hàng đầu ở Anh, Murdoch vẫn đang điều hành News Corp., một trong những đế chế truyền thông có ảnh hưởng nhất thế giới. Không hề có chuyện hả hê công khai về vụ rắc rối này nếu người ta vẫn phải cạnh tranh và hợp tác với ông trùm 80 tuổi. Hiện giờ, vị trí Tổng Giám đốc điều hành của Murdoch tại News Corp. vẫn an toàn bởi ông giữ 40% cổ phiếu của tập đoàn và Ban Giám đốc thì gồm toàn những cổ đông từ lâu đã bị chỉ trích là bạn nối khố của ông. Ông cũng là một trong những người giàu nhất thế giới, cho dù tài sản được Forbes công bố vào tháng 3 là 7,6 tỷ USD đã bị giảm đi 13% từ giá trị cổ phiếu News Corp. trong hai tuần qua.
Hoàng Minh (Theo The Economist, FT, AP)
Báo chí xuất bản không phải là rường cột đối với những gì mà News Corporation làm. Tính đến tháng 6/2010, báo in chỉ chiếm 13% tổng lợi nhuận của nó - giảm hơn 30% so với 9 năm trước đó. News International, công ty con của News Corporation ở Anh, cho biết thêm rằng hai tờ báo News of the World và The Sun còn có chút lợi nhuận, chứ hai tờ The Times và Sunday Times đều thua lỗ. Tuy nhiên, báo chí lại là trung tâm để người ta biết đến Murdoch là ai. Chúng cũng là nguồn để ông mở rộng ảnh hưởng chính trị ở Anh quốc. Phần lớn các tờ báo ở Anh đều ngả theo một đảng phái nào đó trong khi các tờ báo của News International lại thu hút lượng độc giả rất lớn. (The Economist) |