Quá tam ba bận
Chỉ trong vòng một tháng, từ giữa tháng Sáu đến giữa tháng Bảy, ba quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden có chuyến công cán quan trọng đến Trung Quốc.
Ngoại trưởng Antony Blinken tiên phong. Tiếp theo là Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Đặc phái viên John Kerry. Việc lựa chọn nhân sự thể hiện ý đồ của Mỹ trong tiếp cận quan hệ với Trung Quốc. Ngoại giao mở đường. Tài chính, thương mại là lĩnh vực muốn “rã đông” theo hướng có lợi, nhưng hai bên còn nhiều khác biệt, nhân tố bất ngờ và những toan tính.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tiếp ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu trong chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 16-19/7. (Nguồn: EPA) |
Biến đổi khí hậu là lĩnh vực mà cả Washington và Bắc Kinh đều có trách nhiệm lớn. Hai nền kinh tế hàng đầu thải ra tới 40% lượng khí nhà kính toàn cầu mỗi năm. Muốn chứng tỏ vai trò lãnh đạo, thì trước hết hai cường quốc phải có hành động tương xứng. Xem ra “ngoại giao khí hậu” là lĩnh vực khả dĩ cho hợp tác song phương. Ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng, hy vọng chuyến đi có thể khởi đầu cho cách nhìn mới về hợp tác và giải quyết khác biệt với Trung Quốc.
Dư luận quan tâm vì sao Mỹ thể hiện thái độ sốt sắng? Có thể lý giải theo một số lý do chính.
Thứ nhất, hai bên cần và có điều kiện để trao đổi trực tiếp, rõ ràng về quan điểm và các quan ngại liên quan đến lợi ích cốt lõi của mình.
Thứ hai, Mỹ muốn duy trì các kênh liên lạc cấp cao, nhất là trong lĩnh vực phức tạp, nguy hiểm như quân sự (nhưng kết cục lại chưa thể thiết lập kênh liên lạc thường xuyên, vững chắc về quân sự).
Theo Mỹ, hai lý do này thể hiện thái độ có trách nhiệm, nhằm tránh các nhận thức sai lầm, tính toán sai lầm. Nhưng về cơ bản, hai bên không hiểu lầm ý đồ, mục tiêu chiến lược của nhau. Thực chất là bên này cố thuyết phục bên kia, biện minh cho hành động của mình. Cái chính là không có lòng tin và ai cũng muốn giành lợi thế chiến lược, “đá quả bóng” trách nhiệm sang đối phương.
Thứ ba, cả Mỹ và Trung Quốc đều thừa nhận giữa họ có mâu thuẫn, khác biệt về nhiều vấn đề. Họ cùng hiểu rõ rằng, với tương quan hiện nay, khó có bên nào đủ sức hạ nốc ao (knock-out) bên kia; ngoại trừ khi một bên xảy ra đột biến lớn bên trong. Nên tìm cách hợp tác là cần thiết và có lợi cho cả hai.
Trong khi tập trung đối phó với Nga, Mỹ có thể tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc trong một số lĩnh vực có lợi, tránh đẩy mâu thuẫn lên cao, mất kiểm soát. Nhưng cũng không để Trung Quốc tận dụng vượt lên.
Thứ tư, điều chốt lại là tổng hợp thông tin, quan điểm, chiến lược của bên kia, các lĩnh vực có thể hợp tác, tạo không khí, tiền đề để lãnh đạo cao nhất gặp gỡ, thảo luận vào dịp cuối năm. Lãnh đạo cấp cao của Mỹ và Trung Quốc có thể đưa ra các quyết định quan trọng nào hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Quá tam ba bận vẫn chưa đạt bước tiến đáng kể, thực chất, có tính đột phá nào. Hợp tác kinh tế, thương mại, công nghệ, nới hàng rào thuế quan cần, nhưng vẫn xếp sau mối lo về thách thức an ninh. Đàm phán hợp tác đối phó biến đổi khí hậu cũng không sáng sủa hơn.
Quan chức hai bên cùng nói, hành tinh đủ rộng cho cả Mỹ và Trung Quốc. Nhưng hợp tác, phân chia khu vực lợi ích thế nào là chuyện vô cùng phức tạp. Hợp tác dài hạn vẫn là một thách thức lớn.
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) không úp mở về nguyên nhân chính: “Nếu Mỹ tiếp tục đàn áp Trung Quốc, làm leo thang căng thẳng và thù địch giữa hai bên, điều đó sẽ không có lợi cho bất cứ sự hợp tác nào, kể cả biến đổi khí hậu”.
Liên minh để kiềm chế, ngăn chặn
Trong khi cộng đồng quốc tế vẫn còn nghi ngại, lo lắng về quan hệ Mỹ-Trung, thì Washington có thêm chiêu thức, thúc đẩy NATO tăng cường hiện diện, gia tăng ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Đây là khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng về nhiều mặt. Mỹ và đồng minh có sẵn các cơ chế tổ chức làm hạt nhân như: Bộ tứ (Quad), Hiệp ước An ninh AUKUS, Liên minh tình báo “Ngũ nhãn”… Một số đồng minh, đối tác quan trọng của Mỹ ở khu vực lo ngại trước các thách thức an ninh ngày càng tăng, có nhu cầu núp bóng “ô an ninh” của Mỹ và NATO.
Nhưng lý do cơ bản, quan trọng nhất là Mỹ muốn liên kết với đồng minh, đối tác, hình thành thế trận kiềm chế, ngăn chặn đối thủ, nhất là Trung Quốc. Trong cạnh tranh, đối đầu tay đôi với Trung Quốc, Mỹ khó giành ưu thế rõ ràng như nhiều thập niên trước. Xung đột ở Ukraine kéo dài, đối đầu giữa phương Tây do Mỹ dẫn dắt với Nga làm hao tổn tiềm lực, sức mạnh của Mỹ và kết cục không mấy khả quan.
Tăng cường, nâng cấp quan hệ với các đồng minh, đối tác, mở rộng liên minh, tạo ưu thế sức mạnh số đông ở các địa bàn chiến lược. Mỹ không những chia sẻ gánh nặng tài chính, quân sự mà còn thu lợi khi đồng minh, đối tác tăng chi tiêu quốc phòng. Sự phụ thuộc của đồng minh, đối tác vào Mỹ sẽ gia tăng. Hơn thế nữa, Mỹ sẽ tạo “vỏ bọc” phản ứng tập thể trước thách thức chung từ Trung Quốc và các đối thủ khác. Một mũi tên nhắm nhiều đích.
Sách lược và chiến lược, mâu thuẫn hay thống nhất?
Ý đồ “phá băng”, tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc là sách lược có tính giai đoạn, trong những lĩnh vực mà Mỹ không hoàn toàn ở thế “cửa trên”. Mở rộng liên minh, liên kết với đồng minh, đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, tạo sức mạnh để kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc là chiến lược cơ bản, lâu dài của Mỹ.
Hai phương thức tưởng như ngược hướng, nhưng lại hỗ trợ và thống nhất với nhau ở mục tiêu chiến lược. Tìm kiếm hợp tác, “hòa hoãn” với Trung Quốc để giảm bớt căng thẳng, tránh xung đột ở những lĩnh vực, thời điểm bất lợi; hạn chế sự xích lại gần nhau giữa Bắc Kinh và Moscow. Mở rộng, củng cố liên minh, liên kết, khắc phục mặt bất lợi, gia tăng ưu thế trong quan hệ song phương.
Sách lược và chiến lược nhằm thực hiện các bước chiến lược, tập trung nguồn lực, sức mạnh để “giải quyết vấn đề Nga”; đồng thời ngăn chặn từ sớm, từ xa các “thách thức hệ thống” từ Trung Quốc; tránh phải đồng thời đối đầu căng thẳng với hai đối thủ lớn. Mục tiêu cao nhất là củng cố ngôi vị số một, trật tự thế giới có lợi cho Mỹ và đồng minh.
Các thành viên đội danh dự Trung Quốc chuẩn bị đội hình ở Bắc Kinh vào ngày 24/5. (Nguồn: AP) |
Các đối thủ không ngồi yên, chịu trận
Các tổ chức quốc tế, khu vực và nhiều quốc gia sẽ không chịu ngồi yên, để mặc hai cường quốc sắp xếp, chia phần quyền lợi.
Trung Quốc không khước từ, nhưng cũng không quá vồ vập cải thiện quan hệ với Mỹ. Bắc Kinh nắm rõ và tận dụng lợi thế, không nhượng bộ “lợi ích cốt lõi”, đặt Mỹ trước các điều kiện khó. Nga như thường lệ, đáp trả kiên quyết nhưng thận trọng, không vội tung hết đòn mà tùy theo hành động của đối phương.
Trung Quốc và Nga tiếp tục duy trì, củng cố quan hệ song phương cùng có lợi, khai thác lợi thế năng lượng, lương thực, các kim loại hiếm… Đồng thời giương ngọn cờ đấu tranh vì một trật tự thế giới công bằng, bình đẳng, củng cố, thu hút các nước bị ảnh hưởng bởi chính sách của Mỹ và đồng minh vào Nhóm các quốc gia mới nổi (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Đẩy mạnh sử dụng đồng tiền quốc gia trong thương mại song phương; đề xuất thiết lập đồng tiền chung, không những để giảm tác động của các lệnh trừng phạt mà còn từng bước thay thế đồng USD, tạo đối trọng với Mỹ và đồng minh.
Triều Tiên, Iran…, các quốc gia bị quy là “không thân thiện”, phát triển vũ khí hạt nhân, tranh thủ các nước lớn đối đầu với nhau để tìm kiếm các mối quan hệ có lợi.
Ấn Độ tiếp tục đa phương hóa, đan xen quan hệ, đồng thời là thành viên trong các cơ chế do Mỹ hoặc Nga, Trung Quốc làm hạt nhân, như Bộ tứ, BRICS… Đây cũng là xu hướng của nhiều quốc gia, tìm kiếm vị thế có lợi nhất trong các tổ chức cơ chế khác nhau.
***
Quan hệ giữa các nước lớn, trong đó có Mỹ và Trung Quốc vừa chịu ảnh hưởng từ bối cảnh thế giới, khu vực, vừa là nhân tố chi phối, tác động nhiều mặt đến tình hình, các xu hướng quốc tế. Có những lý do chủ quan và khách quan dẫn đến Mỹ và Trung Quốc có thể thỏa hiệp, hợp tác trong một số vấn đề cụ thể. Nhưng về cơ bản, quan hệ Mỹ-Trung vẫn bất định, khó dự báo, chủ yếu do chiến lược của mỗi bên.
Đánh giá các chuyển động trong quan hệ Mỹ-Trung dựa trên sự phù hợp, đóng góp, tác động đối với hợp tác, an ninh, ổn định của khu vực và toàn cầu.
Các quốc gia có thể khai thác yếu tố có lợi, hạn chế các tác động tiêu cực trước các chiều hướng khác nhau trong quan hệ Mỹ-Trung. Cần chủ động hơn để tránh bị đặt vào thế phải chọn bên, bị lôi kéo vào vòng xoáy cạnh tranh chiến lược, đối đầu giữa các nước lớn. Sự thống nhất nhận thức, hành động vì lợi ích chung của khu vực, thế giới, của số đông quốc gia có thể tạo áp lực, buộc các nước lớn phải cân nhắc, tính toán thận trọng hơn.