Trung Quốc ngày 12/8/2021 đã ban hành một Sách Trắng dày 36 trang với tiêu đề “Xây dựng toàn diện xã hội khá giả: Một chương huy hoàng về phát triển sự nghiệp nhân quyền Trung Quốc”, trong đó giải thích chi tiết về cách quốc gia này hiện thực hóa sự thịnh vượng mọi mặt thể hiện cho sự phát triển toàn diện trong việc bảo đảm nhân quyền phổ quát ở Trung Quốc, cũng như đóng góp mới cho sự nghiệp nhân quyền của thế giới.
Sách Trắng Nhân quyền Trung Quốc khẳng định xây dựng xã hội toàn diện khá giả và sự nghiệp phát triển quyền con người là hai yếu tố không thể tách rời. Ảnh chụp khách du lịch tại Khách du lịch tại Khu Italy tại quận Hà Bắc, miền Bắc Thiên Tân, Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Một số điểm nhấn trong Sách Trắng
Thứ nhất, Sách Trắng Nhân quyền Trung Quốc khẳng định xây dựng xã hội toàn diện khá giả gắn với sự nghiệp phát triển nhân quyền, hai yếu tố này không thể tách rời nhau; khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, người dân Trung Quốc đã “hoàn thành quá trình chuyển đổi lịch sử từ nghèo đói sang tiếp cận bảo đảm cái ăn và mặc, sang một cuộc sống tốt và cuối cùng là khá giả”.
Xây dựng toàn diện xã hội khá giả là một chiến lược phát triển quốc gia lớn do Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc thực hiện nhằm nâng cao phúc lợi của người dân, nâng cao mức độ bảo vệ quyền con người (QCN) cho mọi người, và hiện đại hóa đất nước. Đây là một sự kiện lớn trong sự phát triển toàn diện của sự nghiệp nhân quyền của Trung Quốc.
Thứ hai, Sách Trắng làm rõ “nghèo đói là trở ngại lớn nhất đối với nhân quyền”, cho nên phát triển nhân quyền phải thực hiện tốt công tác xoá nghèo. Bằng cách xóa bỏ đói nghèo cùng cực, Trung Quốc đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo lớn nhất và khó khăn nhất trong lịch sử nhân loại, vì lợi ích của số lượng lớn người dân.
Sách Trắng cũng lưu ý, vào cuối năm 2020, theo ngưỡng nghèo hiện tại của Trung Quốc, tất cả 99 triệu người nghèo ở nông thôn đã thoát nghèo, đồng thời khẳng định, để xây dựng toàn diện xã hội khá giả, trước hết Trung Quốc phải bảo đảm quyền tự cung, tự cấp. Sự sống còn là cơ sở để được hưởng mọi QCN. Mục tiêu hàng đầu là xây dựng một xã hội khá giả, coi việc giải quyết cơm ăn, áo mặc và bảo đảm quyền sống là mục tiêu hàng đầu, không ngừng đáp ứng nhu cầu vật chất và văn hóa ngày càng tăng của nhân dân. Trong quá trình xây dựng toàn diện xã hội khá giả, chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, cơm ăn, áo mặc, nhà ở, giao thông đi lại, mức độ bảo vệ quyền sống được cải thiện đáng kể, đều đặn.
Thứ ba, đặt tính mạng và sức khỏe của người dân lên hàng đầu. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát triệt để, nghiêm ngặt, hiệu quả, lật ngược tình thế trong cuộc chiến chống virus: “Trung Quốc đã làm mọi thứ có thể để điều trị cho tất cả các bệnh nhân”.
Chẳng hạn như trên khắp tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, hơn 3.000 bệnh nhân Covid-19 trên 80 tuổi, trong đó có 7 người 100 tuổi, đã được chữa khỏi, với nhiều người trong số họ đã sống lại từ bờ vực của cái chết. Bên cạnh đó, số lượng cơ sở y tế đã tăng từ 170.000 (1978) lên hơn 1 triệu (2020), tuổi thọ trung bình tăng từ 67,8 tuổi (1981) lên 77,3 tuổi (2019), tử vong mẹ giảm từ 43,2/100.000 (2002) xuống 16,9/100.000 (2020).
Thứ tư, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và các vấn đề xã hội với phát triển nhân quyền. Về phát triển kinh tế, từ năm 1978 đến năm 2020, GDP bình quân đầu người tăng từ 385 nhân dân tệ (NDT) lên 72.000 NDT. Năm 2020, thu nhập khả dụng bình quân đầu người là 32.189 NDT. Trong việc thực hiện bình đẳng giới, tỷ lệ nữ sinh viên trong các trường cao đẳng, đại học tăng từ 24,1% (1978) lên 51,7% (2019). Độ bao phủ rừng của Trung Quốc cũng tăng từ 12,7% (những năm 1970) lên 23% (2020).
Thứ năm, Sách Trắng cũng khẳng định, chính phủ Trung Quốc ủng hộ tất cả các tôn giáo tuân thủ nguyên tắc độc lập, tự quản và tiến hành các hoạt động tôn giáo khác nhau trong phạm vi quy định của pháp luật. Công tác tôn giáo liên quan đến lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng xã hội được quản lý theo qui định của pháp luật, không can thiệp công việc nội bộ của các tôn giáo, trình độ hợp pháp hóa công tác tôn giáo không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, Sách Trắng cũng lưu ý, bài trừ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và các hoạt động “tà giáo” nhân danh các hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Thứ bảy, việc bảo vệ các quyền và lợi ích của người dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng được cải thiện. Sách Trắng nhấn mạnh, quyền tham gia quản lý công việc của người DTTS được bảo đảm hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Hiến pháp và pháp luật về việc bổ nhiệm người đứng đầu là người DTTS trong lãnh đạo cơ quan tự quản ở khu tự trị dân tộc, cũng như qui định về bầu cử đại biểu đại hội người DTTS.
Luật bầu cử quy định rõ ràng rằng các nhóm dân tộc có dân số cực kỳ nhỏ phải có ít nhất một đại biểu Quốc hội. Với 55 DTTS có đại biểu Quốc hội của riêng họ và thành viên của Ủy ban toàn quốc của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc. Trong số đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 13, có 438 đại biểu là người DTTS, chiếm 14,7%. Bên cạnh đó, mức sống của đồng bào DTTS và vùng dân tộc được cải thiện đáng kể. Sự nghiệp giáo dục của đồng bào DTTS và vùng dân tộc phát triển nhanh chóng. Các chủ trương văn hóa của các DTTS ngày càng khởi sắc...
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc, tháng 8/2021. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Khẳng định quan điểm nhân quyền của Trung Quốc
Sách Trắng cho rằng, “khá giả” là một thuật ngữ cổ dùng để chỉ trạng thái tương đối giàu có và hạnh phúc, trong đó mức sống là giữa cơm ăn, áo mặc và của cải. Khi bắt đầu cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã đề ra mục tiêu xây dựng một xã hội khá giả vừa phải dựa trên những điều kiện cụ thể của từng quốc gia, với nội hàm phong phú là quan tâm và nâng cao đời sống và phúc lợi của người dân, bảo vệ và thúc đẩy QCN.
Việc xây dựng toàn diện xã hội khá giả vừa phải về mọi mặt đã mở ra một kỷ nguyên mới về bảo vệ toàn diện các QCN. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng, quá trình xây dựng xã hội khá giả toàn diện cũng là quá trình phát triển toàn diện của sự nghiệp nhân quyền, luôn thể hiện và hàm chứa những chiến lược, mục tiêu và nhiệm vụ giải phóng, bảo vệ và phát triển con người.
Bên cạnh đó, để xây dựng toàn diện xã hội khá giả chắc chắn sẽ đạt được sự phát triển hài hoà của các QCN khác nhau. Xã hội khá giả toàn diện nhấn mạnh việc bảo đảm những thành tựu của văn minh vật chất, văn minh chính trị, văn minh tinh thần, văn minh xã hội, văn minh sinh thái đều mang lại lợi ích cho con người. Tuân thủ nguyên tắc cơ bản về QCN phụ thuộc lẫn nhau và không thể tách rời, bảo vệ các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, bảo vệ quyền nhân thân, quyền nhân cách, quyền tài sản và quyền chính trị dân chủ của công dân, đồng thời thúc đẩy các loại QCN và các quyền tự do cơ bản trên tất cả các phương diện.
Mặt khác, Sách Trắng cho rằng, xây dựng toàn diện xã hội khá giả đã đặt nền tảng chính trị dân chủ vững chắc cho việc bảo vệ và phát triển QCN. Kiên trì sự thống nhất hữu cơ giữa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân làm chủ đất nước và nhà nước pháp quyền. Hoàn thiện hệ thống và cơ chế lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, xây dựng toàn diện xã hội khá giả đã thúc đẩy tăng cường không ngừng bảo đảm pháp trị đối với nhân quyền. Hơn nữa, điều này còn hun đúc văn hoá về tôn trọng và bảo vệ nhân quyền.
Theo Sách Trắng, con đường dẫn đến khá giả đồng thời với tiến bộ toàn diện về nhân quyền ở Trung Quốc “quyền được tồn tại là quyền trước nhất trong tất cả các quyền của con người”, “xây dựng toàn diện xã hội khá giả có nghĩa là tất cả mọi người đều được hưởng các QCN”, đồng thời gọi những tiến bộ có thể nhìn thấy được trong việc bảo đảm các nhu cầu cơ bản và cải thiện đáng kể mức sống là kết quả tự nhiên của việc thực hiện xây dựng toàn diện xã hội khá giả.
Sách Trắng nhấn mạnh nội hàm nhân quyền của xây dựng toàn diện xã hội khá giả đó là quá trình xây dựng xã hội khá giả toàn diện cũng là quá trình phát triển toàn diện của sự nghiệp nhân quyền của Trung Quốc, luôn thể hiện và hàm chứa những chiến lược, mục tiêu và nhiệm vụ giải phóng, bảo vệ và phát triển con người.
Theo Sách Trắng, khá giả toàn diện ở Trung Quốc được thể hiện trên tất cả các khía cạnh: nền kinh tế phát triển vượt bậc, nền dân chủ chính trị, nền văn hóa hưng thịnh, công bằng xã hội và hệ sinh thái lành mạnh; phát triển cân đối giữa thành thị và nông thôn vì lợi ích của mọi người dân; tôn trọng và bảo vệ toàn diện các QCN. Trung Quốc xây dựng toàn diện xã hội khá giả, củng cố nền tảng nhân quyền, làm phong phú nội hàm nhân quyền và mở rộng tầm nhìn về nhân quyền. Điều này có nghĩa là sự phát triển toàn diện và sự chia sẻ toàn dân về nhân quyền.
Một ý nghĩa khác của việc công bố Sách Trắng đó là việc đáp trả lại những chỉ trích của Mỹ và phương Tây về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Sách Trắng khẳng định người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương được hưởng quyền đại diện chính trị và mức sống ngày càng cao. Động thái nói trên được đưa ra sau khi Mỹ cảnh báo các doanh nghiệp có quan hệ đầu tư và chuỗi cung ứng với tỉnh Tân Cương của Trung Quốc rằng họ có thể phải đối mặt với các hậu quả pháp lý, với lý do ngày càng có nhiều bằng chứng về tội ác diệt chủng và vi phạm nhân quyền khác ở khu vực phía Tây Bắc của đất này.
Có thể nói, Trung Quốc ban hành Sách Trắng Nhân quyền lần này muốn khẳng định xây dựng toàn diện xã hội khá giả gắn với bảo đảm QCN. Đồng thời, Sách Trắng Nhân quyền là sự tổng kết kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc thúc đẩy QCN, nhấn mạnh Trung Quốc đã áp dụng nguyên tắc phổ quát của QCN trong bối cảnh nước này và thực hiện cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm.
Theo Sách Trắng, con đường dẫn đến khá giả đồng thời với tiến bộ toàn diện về nhân quyền ở Trung Quốc “quyền được tồn tại là quyền trước nhất trong tất cả các quyền của con người”, “xây dựng toàn diện xã hội khá giả có nghĩa là tất cả mọi người đều được hưởng các QCN”, đồng thời gọi những tiến bộ có thể nhìn thấy được trong việc bảo đảm các nhu cầu cơ bản và cải thiện đáng kể mức sống là kết quả tự nhiên của việc thực hiện xây dựng toàn diện xã hội khá giả. |