📞

Sau 'cú shock' AUKUS, Pháp nỗ lực tìm kiếm 'đồng minh mới' ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?

Yến Trang 12:14 | 23/09/2021
Tờ La Croix ngày 21/9 đăng tải bài viết nhấn mạnh, sau cú shock AUKUS, Pháp cần phải “đa dạng hoá” các liên minh. Song câu hỏi đặt ra là, liệu Paris có thể biến cuộc khủng hoảng này thành vấn đề của châu Âu hay không?
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp gỡ thủy thủ đoàn tại lễ hạ thủy chính thức tàu ngầm hạt nhân mới của Pháp ở Cherbourg ngày 12/7/2019. (Nguồn: Getty Images)

Theo hãng tin AFP, sau "cú shock" AUKUS, Pháp đang chơi một ván cược mạo hiểm khi chọn cách đối đầu toàn diện với Mỹ sau khi để mất thương vụ tàu ngầm lớn với Australia.

Cái mà người Pháp gọi là “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng” đã nổ ra sau khi hợp đồng trị giá 66 tỷ USD giữa Pháp và Australia kết thúc một cách đột ngột, bất ngờ. Đó là hợp đồng hai bên ký kết vào năm 2016 để chế tạo 12 tàu ngầm chạy bằng diesel-điện thông thường.

Tuy nhiên, Australia đã hủy bỏ hợp đồng này để ký với Mỹ và Anh một hợp đồng mua 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Pháp khẳng định không được thông báo trước về thỏa thuận của đất nước chuột túi.

Pháp khó xử khi châu Âu thiếu hậu thuẫn

AFP cho biết, sau khi Australia từ bỏ hợp đồng, Paris đã thực hiện một bước đi bất thường khi triệu hồi các Đại sứ ở cả Washington và Canberra về nước để tham vấn - dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng.

Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đã gặp 2 vị Đại sứ ngày 19/9 để thảo luận về “những hậu quả chiến lược của cuộc khủng hoảng hiện nay”, nhưng không nêu chi tiết cuộc gặp.

Trước đó, Ngoại trưởng Le Drian đã sử dụng những từ ngữ hiếm khi được sử dụng giữa các quốc gia thân thiện, với cáo buộc “nói dối” và “hai mang”, cho rằng Pháp đã bị Australia “đâm sau lưng”.

Francois Heisbourg thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở tại Paris được AFP dẫn lời nhấn mạnh rằng, người Pháp “có quyền tức giận” và “rủi ro đối với Pháp là sự tức giận ấy trở thành kim chỉ nam cho nước này”.

Tuy nhiên, Giáo sư Bertrand Badie, chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Viện Khoa học Po ở Paris cho rằng, Pháp đã tự đặt mình vào tình thế chỉ có thể lùi bước hoặc mất mặt khi triệu hồi Đại sứ tại Mỹ - đồng minh lâu đời của Paris.

Ông nhận định: “Khi bạn rơi vào tình trạng khủng hoảng như thế này, bạn nên biết lối thoát là ở đâu”.

Trong khi đó, Đức - đồng minh quyền lực của Pháp tại Liên minh châu Âu (EU), hầu như không hào hứng tham gia “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng” này vì đang phải chuẩn bị cho các cuộc bầu cử vào ngày 26/9 tới.

Celia Belin, chuyên gia về các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương tại Viện Brookings cho rằng, Pháp có thể tập hợp các quốc gia châu Âu khác có nhận thức chung rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang thiếu một chiến lược châu Âu.

Bà nêu rõ: “Pháp cần chia sẻ nhận thức này với các đồng minh châu Âu và đặt nó lên bàn đàm phán với người Mỹ để tìm ra giải pháp”.

Sứ mệnh không dễ dàng

Cho đến tối ngày 20/9, sự im lặng kỳ lạ của nhiều thành viên Liên minh châu Âu (EU) dường như cho thấy “phần lớn các nước có một cách tiếp cận khác” về quan hệ giữa Pháp với Mỹ và Australia.

Sau vụ Mỹ rút khỏi Afghanistan, sự kiện khủng hoảng tàu ngầm “một lần nữa cho thấy cách hành xử đơn phương của chính quyền Tổng thống Joe Biden”.

Tuy nhiên, khủng hoảng này không khiến đông đảo các nước châu Âu đặt ra vấn đề phải xem xét lại bảo đảm an ninh của Mỹ đối với "lục địa già", cho dù bảo đảm này trên thực tế đã suy giảm.

Đối với nước Pháp, khủng hoảng không dừng lại ở vụ hợp đồng tàu ngầm bị hủy bỏ đơn phương. Theo quan sát của La Croix, điều Paris cần phải làm là chỉ ra “sự không nhất quán” trong chính sách của Mỹ đối với các đồng minh của Washington trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong thời gian Pháp đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của EU nửa đầu năm 2022, Tổng thống Emmanuel Macron cũng sẽ phải thực hiện một sứ mệnh khó khăn là tạo ra một động lực mới trong cộng đồng 27 quốc gia thành viên, nhằm hướng đến xây dựng “một nền quốc phòng châu Âu” và “sự tự trị về chiến lược”.

Sứ mạng này rất khó khăn, vì cách hiểu của nước Pháp về sự tự trị về chiến lược không giống với Đức và nhiều nước châu Âu khác.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer, Berlin và nhiều nước khác thiên về việc tăng cường “khả năng hành động” ở quy mô châu Âu.

Còn chuyên gia Alexandra de Hoop Scheffer, người đứng đầu văn phòng tại Paris của Quỹ Marsh Đức cho rằng, quan điểm của Pháp về “tự trị chiến lược” thiên về đối lập với chính sách của Mỹ. Vấn đề này chắc chắn cần được bàn thảo kỹ lưỡng trong nội bộ các thành viên EU.

Pháp-Ấn Độ tìm đến nhau

Giới quan sát nhận thấy, sau khi nhận cú “đâm sau lưng” từ Mỹ-Australia, Pháp có thể sẽ rút ra những bài học cần thiết, cởi mở hơn nhiều trong các dự án cung cấp tàu ngầm cho các nước.

Theo nhà phân tích Harsh Pant thuộc Quỹ nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) tại New Delhi, thỏa thuận AUKUS cho thấy, các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mong muốn kiềm chế sự hiện diện của Trung Quốc sẽ phải triển khai hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, đẩy mạnh hiện đại hoá quốc phòng, đặc biệt trong lĩnh vực hải quân.

Đây cũng là mối quan tâm của Ấn Độ nhiều năm nay, và nước này đang đặc biệt chú ý đến vụ khủng hoảng tàu ngầm giữa Pháp với các đồng minh Mỹ-Australia.

Theo nhiều chuyên gia phân tích tại New Delhi, Ấn Độ sẽ có thể nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy Pháp chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đóng tàu ngầm, đặc biệt là lớp tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tờ Le Figaro của Pháp trích dẫn lời ông Pravin Sawhney, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Force của Ấn Độ: “Về mặt chính thức, hải quân Ấn Độ có 15 tàu ngầm, nhưng một số là loại cũ. Chỉ có 8 hay 9 chiếc còn hoạt động. Lực lượng hải quân phải tính đến khả năng hiện diện của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khả năng liên kết tác chiến của Bắc Kinh với hạm đội Pakistan”.

Vì vậy, tháng 6 vừa qua, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã cho phép hải quân gọi thầu đóng 6 tàu ngầm tấn công quy ước chạy bằng diesel-điện. Các tàu này sẽ được đóng tại Ấn Độ bởi một công ty trong nước phối hợp với đối tác nước ngoài, với trị giá đầu tư khoảng 5 tỷ Euro.

Công trường thứ hai là đóng 6 tàu ngầm tấn công sử dụng năng lượng hạt nhân. Tổng giá trị của dự án này lên tới 12 tỷ Euro và dự kiến chiếc đầu tiên được hoàn thành vào năm 2032.

Trong bối cảnh Ấn Độ không có khả năng công nghệ về động cơ chạy năng lượng hạt nhân, nước này đã tính đến việc nhờ cậy Pháp, một trong số những nước hiếm hoi làm chủ được công nghệ động cơ hạt nhân, để được chuyển giao công nghệ.

Chuyên gia Harsh Pant nhận định: “Pháp và Ấn Độ đều rất quan tâm đến tự chủ chiến lược. Cả hai nước đều không muốn bị lệ thuộc vào Mỹ. Các điều kiện đã hội đủ để triển khai hợp tác mới”.

Cùng chia sẻ với ý kiến này, ông Raja Mohan, Giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, nhật xét trên nhật báo The Indian Express: “Cuộc khủng hoảng tàu ngầm mang lại cho Ấn Độ và Pháp cơ hội tăng cường hợp tác sâu sắc hơn ở Ấn Độ Dương”.

Ngày 21/9, trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên đã khẳng định quyết tâm “cùng nhau hành động trong không gian Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở”.

Theo thông cáo của Văn phòng Tổng thống Pháp, ông Macron đã nhắc lại “Pháp cam kết góp phần tăng cường tự chủ chiến lược của Ấn Độ, bao gồm cả công nghiệp cũng như công nghệ, trong khuôn khổ quan hệ chặt chẽ dựa trên sự tin cậy”.

Những tuyên bố nhiều cân nhắc và nhiều ẩn ý này được đưa ra giữa cuộc khủng hoảng lòng tin trong đồng minh mà Pháp đang phải đối mặt.

(theo La Croix, AFP)