📞

Sau khi thắng IS, liên quân sẽ sẵn sàng đến đâu?

11:59 | 22/07/2016
Liên quân chống khủng bố đang có nhiều bước tiến ở Iraq và Syria, tuy nhiên công tác tăng viện cho lực lượng địa phương cũng như tái thiết thời hậu chiến vẫn cần được quan tâm.

Ngày 20/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, các quan chức tham dự cuộc họp về cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến sẽ xảy ra sau khi lực lượng vũ trang này bị đánh bại và liệu các nước có sẵn sàng hỗ trợ công tác ổn định và tái thiết các thành phố bị chiến tranh tàn phá ở Iraq và Syria hay không.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. (Nguồn: AP)

Các Bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao từ hơn 30 nước trên thế giới đang có mặt tại Washington để tham dự cuộc họp kéo dài 2 ngày thảo luận về các bước tiếp theo cần tiến hành trong cuộc chiến chống IS. Tổ chức này hiện vẫn duy trì kiểm soát nhiều vùng rộng lớn ở Iraq và Syria.

Bộ trưởng Carter cho hay một số nước đã đồng ý tăng cường đóng góp trong cuộc chiến chống IS, trong bối cảnh liên quân chuẩn bị phối hợp tiến hành các cuộc tấn công nhằm giành lại những thành phố quan trọng như Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria. 

Ưu tiên tái thiết thời hậu chiến

Phát biểu trước các phóng viên sau ngày họp đầu tiên tại Căn cứ chung Andrews, Bộ trưởng Quốc phòng Carter cho biết các quan chức đã có nhiều cuộc thảo luận để xác định những yêu cầu cho công cuộc tái thiết sau khi cuộc chiến chấm dứt.

Ông nói: “Mối quan ngại lớn nhất của các Bộ trưởng quốc phòng là việc giữ ổn định và quản lý sau chiến dịch quân sự. Chúng tôi cần phải đảm bảo sẽ không có bất kỳ sự chậm trễ hay trì hoãn nào. Ngày hôm nay chúng tôi đã thảo luận về điều này và đây sẽ là trọng tâm cuộc họp quan trọng của các quan chức Bộ Ngoại giao của các nước liên quan”.

Hội nghị Liên quân Toàn cầu chống IS được tổ chức ở Căn cứ Không quân Andrews ngày 20/7. (Nguồn: Military Times)

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon, còn nhiều việc phải làm để đảm bảo rằng người dân có thể và muốn trở lại các thành phố ở Iraq. Ông Fallon cho rằng, điều quan trọng là liên quân phải hỗ trợ hiệu quả “chính quyền Iraq… ngay sau khi Mosul được hoàn toàn giải phóng”.

Những hoạt động này có thể bao gồm việc khôi phục lại các dịch vụ cơ bản và rà phá bom mìn. Ông cho rằng khu vực này vẫn còn rất nhiều nguy hiểm, và “mọi thứ đều như những cái bẫy”, kể cả đống gạch vỡ, đồng thời nhấn mạnh người dân sẽ không yên tâm trở về trừ phi bom mìn được tháo gỡ hết.

Trong bối cảnh liên minh khẩn trương phác thảo các bước đi tiếp theo, Bộ trưởng Carter kêu gọi các quan chức quốc phòng cần làm nhiều hơn nữa để đẩy mạnh cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria.

Ông nói: “Chúng ta phải chắc chắn rằng các đối tác địa phương có những gì họ cần để giành chiến thắng và sau đó là duy trì, tái thiết và điều hành đất nước họ. Chúng ta không được phép ngừng nghỉ”. 

Vấn đề tái thiết thời hậu chiến là mối quan tâm hàng đầu của liên quân chống khủng bố tại Trung Đông. (Nguồn: Reuters)

Đây là lần thứ tư ông Carter triệu tập một cuộc họp liên minh chống IS. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đang chủ trì một cuộc họp khác tại Bộ Ngoại giao nhằm cố gắng gây được một quỹ tối thiểu là 2 tỷ USD để hỗ trợ Iraq khi nước này giành lại được lãnh thổ từ tay IS.

“Đây là mục tiêu chính đáng, cần có sự cam kết mạnh mẽ và rộng rãi của tất cả mọi người”, ông Kerry nói. Khoản tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ những người bị mất nhà cửa, cho hoạt động rà phá bom mìn, viện trợ các cộng đồng vừa được giải phóng và những người tị nạn vừa trở về, cũng như để hỗ trợ công cuộc tái thiết và phát triển trong trung và dài hạn.

Liên hợp quốc ước tính, hiện có 10 triệu người Iraq cần được hỗ trợ và con số này có khả năng vượt 13 triệu người vào cuối năm nay. Cuộc thảo luận của các Bộ trưởng trong ngày thứ 2 tập trung vào việc phối hợp các nỗ lực chính trị và quân sự, bao gồm việc cung cấp tài chính cho hoạt động chống khủng bố, ngăn chặn các tay súng từ nước ngoài, và ổn định trật tự tại các thành phố vừa được giải phóng khỏi tay IS.

Trước tiên, phải thắng đã!

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ trong liên minh chống IS Brett McGurk nói: “Chúng ta đang có nhiều bước tiến ở Iraq và Syria song vẫn còn nhiều việc phải làm. Đây là một thử thách to lớn đối với chúng ta trong những năm tới”.

Lính New Zealand hướng dẫn binh sĩ Iraq sử dựng khí tài trong cuộc chiến chống IS. (Nguồn: AFP)

Cuộc họp các Bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao lần này diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Warsaw hồi đầu tháng.

Tại hội nghị, các nước thành viên NATO đã nhất trí tăng cường hỗ trợ cuộc chiến chống IS, bao gồm các hoạt động như bắt đầu đào tạo và nâng cao năng lực cho lực lượng vũ trang Iraq. Mỹ vừa công bố sẽ đưa thêm 560 quân tới Iraq để biến căn cứ không quân mới giành lại được thành nơi tập trung lực lượng chuẩn bị cho trận đánh dự kiến từ lâu nhằm giành lại thành phố Mosul từ tay IS.

Liên quân cũng đang tìm cách đẩy mạnh cuộc chiến chống IS ở Syria, nơi các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn đang chiến đấu quyết liệt nhằm giành lại thị trấn Manbij. Thị trấn này nằm trên tuyến đường tiếp tế chính từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Raqqa, nơi được coi là thành trì chính của IS. Đánh bật các tay súng thánh chiến khỏi Raqqa là mục tiêu chính của liên quân. 

(theo AP)