SCO ngày càng khẳng định vai trò và quyền lực mới. |
Những tuyên bố được xem là “xưa nay chưa từng có” trong lịch sử của SCO đã đề cập đến một loạt các vấn đề nhạy cảm nhất của thế giới như như phòng thủ tên lửa, chống phổ biến hạt nhân, ngăn chặn vũ khí hóa không gian, an ninh thông tin mạng, vấn đề Iran, Syria, Afghanistan, tình hình Trung Á… SCO đã nhấn mạnh sự phản đối sử dụng kỹ thuật thông tin và kỹ thuật mạng vào các mục đích gây nguy hại cho chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh các nước thành viên; phản đối tiến hành can thiệp vũ lực hoặc bạo lực thúc đẩy “thay đổi chính quyền”, không tán thành đơn phương áp đặt chế tài; bất kỳ ý đồ nào định dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Iran là không thể chấp nhập.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo SCO đã cam kết hợp tác để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, trong nỗ lực nhằm khai thác tiềm năng kinh tế nội khối. Để thúc đẩy kinh tế khu vực, SCO tiến tới sẽ thành lập một tài khoản đặc biệt và ngân hàng phát triển. Sự phát triển của SCO trong 10 năm tới sẽ tập trung chủ yếu vào nền hòa bình và sự phát triển của các nước thành viên, khu vực và thế giới. SCO sẽ tăng cường hợp tác với các nước quan sát viên và đối tác đối thoại, Liên hợp quốc và các tổ chức liên quan cũng như các tổ chức quốc tế và khu vực khác…
Có thể nói rằng, thành tựu không tầm thường của SCO đạt được trong 10 năm qua là nhờ đến sức mạnh của tiếng nói của Trung Quốc và Nga, hai cường quốc đang muốn củng cố ảnh hưởng của mình thông qua hoạt động tại tổ chức khu vực này. Thực tế Thượng đỉnh Bắc Kinh cho thấy sức hút của kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh thế giới đang khủng hoảng, và trên thực tế OCS nghiêng về kinh tế nhiều hơn là một liên minh chiến lược. Các trao đổi giữa 6 nước thành viên đã tăng gấp 6 lần trong 10 năm qua, đạt 84 tỉ USD vào năm ngoái. Trung Quốc và Kyrgyzstan đã thỏa thuận xây dựng một tuyến đường sắt và một đường cao tốc nối liền Kachgar của Tân Cương với thành phố Osch của Kyrgyzstan. Năng lượng cũng là một ưu tiên của Bắc Kinh, với 38,5 tỉ USD cho các nước SCO vay, trong đó 28,6 tỉ USD dành cho các dự án tại Nga…
SCO dường như đáp ứng nhu cầu của các Nhà nước non trẻ của Trung Á, đang khao khát tiếng nói của mình được lắng nghe trên trường quốc tế, muốn phát triển lực lượng quân đội mới được thành lập, chống chủ nghĩa khủng bố mà không phải liên minh với bất kỳ một khối nào.
Có chuyên gia đã nhận định rằng, bề ngoài, Hội nghị Thượng đỉnh SCO vừa rồi là một dấu mốc mới trong tiến trình phát triển ổn định của SCO, với tư cách là một “chủ thể thực sự” trong khu vực và các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sự nhích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc là do có cùng một sự nghi kỵ đối với phương Tây và liên minh này không giúp xóa bỏ những kình địch giữa hai nước trước các thách thức to lớn về kinh tế. Sự bất lực của Trung Quốc và Nga trong việc thương lượng về giá khí đốt và những tuyến đường ống cung cấp năng lượng trực tiếp trái ngược hoàn toàn với sự phát triển nhanh chóng các kết nối năng lượng của Trung Quốc với các quốc gia Trung Á khác.
Trong nỗ lực mở rộng khối, SCO cũng không dễ dàng ủng hộ Iran trở thành thành viên đầy đủ vì có thể bị cho là thách thức trực tiếp với Mỹ và phương Tây khi Tehran đang bị cáo buộc về tham vọng hạt nhân. Ngoài ra, việc đồng ý cho Afghanistan gia nhập cũng là một thử thách khi các lực lượng NATO sắp rút khỏi khu vực để lại một khoảng trống an ninh khó lấp đầy.
Tóm lại, tất cả những kế hoạch đầy tham vọng của SCO sẽ là vô nghĩa nếu như Nga và Trung Quốc không nhất trí được các vấn đề cơ bản và quan trọng của SCO. Tổ chức này hiện vẫn còn tương đối “trẻ” và đang lúng túng bởi những căng thẳng từ trong cốt lõi giữa hai thành viên lớn nhất. Luôn luôn hoài nghi về vai trò của Trung Quốc ở Trung Á, Nga đang ngày càng thể hiện sức mạnh của nước này, cũng như sự phát triển của một liên minh Âu-Á sẽ trực tiếp xung đột với tương lai lớn mạnh của SCO trong vai trò một tổ chức hợp tác kinh tế. Do vậy, rất cần có những thỏa hiệp lớn hơn, để có được những tiến triển cần thiết cho sự phát triển của một tổ chức khu vực đang mong muốn tăng cường ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Nguyễn Kim