Carco Francis. |
Carco Francis (1886-1958) là nhà viết tiểu thuyết, luận văn và là nhà thơ viết về đời sống nghệ sĩ lang thang, dân anh chị đàng điếm ở Paris.
Tác phẩm chính: Người bị truy nã (1932, tiểu thuyết).
Người bị truy nã là tiểu thuyết tâm lý và phong tục. François Lampleur là người làm bánh mì, giết một bà lão gác cổng để lấy tiền.
Không một ai biết. Chỉ có ả giang hồ Léontine là ngờ ngợ vì biết là tối hôm xảy ra vụ giết người, François Lampleur không có mặt ở lò bánh.
François Lampleur dò la, xem có ai liên hệ hai sự việc ấy không, y biết là Léontine là người có ý ngờ vực mình. François Lampleur bèn đi lại với Léontine, biến Léontine thành người tình, giữ Léontine ở với mình.
Sau một thời gian yên tâm, François Lampleur lại lo lắng, thái độ bất thường khiến cho Léontine chắc chắn François Lampleur là sát nhân. Hai người gắn bó với nhau trong một sự việc uẩn khúc.
Nhưng rồi Léontine chán François Lampleur, bỏ đi. François Lampleur còn lại một mình, tự dày vò. Một hôm say bí tỉ, y lộn về nơi giết người, láng giềng đi báo cảnh sát. François Lampleur bị bắt khi François Lampleur tìm lại được Léontine và sắp sửa cùng Léontine đi trốn.
***
Céline Louis Ferdinand. |
Céline Louis Ferdinand (1894-1961) là nhà viết tiểu thuyết nổi loạn, luôn luôn chửi bới và nguyền rủa, chống mọi công thức, căm thù con người, chống cộng, bị lên án vì theo phát-xít.
Tác phẩm chính: Chuyến đi đến tận cùng đêm tối (1932), Nợ chết (1936).
Nợ chết kể lại một thời thơ ấu bị ám ảnh bởi cái nghèo, cái nghèo buồn tẻ, chứ không có cái hào quang bi đát, kịch tính của sự cùng khổ. Céline miêu tả cái thê thảm vật chất và tinh thần của bố (một nhân viên luôn bị quở), mẹ (phải đi bán đồ cũ), bà chết vì sưng phổi.
Cậu bé luôn bị tát, bị hành hạ. Cậu đỗ bằng sơ học, đi làm nhân viên, cũng bị hành hạ và bị đuổi. Sang làm nơi khác ít lâu lại bị vu oan là ăn cắp. Con người thật là chó sói. Ông chú cho đi Anh học, nhưng không được. Về nhà, không có viêc làm, anh bị bố chửi rủa, cáu lên nện cả bố. Một cuốn sách nổi loạn, viết với một giọng khinh bạc, thậm tệ đối với mọi người.
***
Chateaubriand François René, de. |
Chateaubriand François René, de (1768-1848) là nhà văn (báo hiệu chủ nghĩa lãng mạn Pháp, đề cao Thiên Chúa giáo).
Tác phẩm chính: Atala (1801, truyện), René (1802, truyện), Tinh thần đạo Kito (1802, luận văn), Những đấng tử vì đạo (1809), Hồi ký bên kia nấm mồ (viết xong năm 1841).
Atala cùng với tác phẩm René, được viết riêng như một cuốn tiểu thuyết tổng quát về bộ lạc da đỏ Natchez Bắc Mỹ; nhưng sau đưa vào cuốn Tinh thần đạo Ki-tô: Cụ già da đỏ Chactas đã từng thăm nước Pháp. Một đêm sáng trăng, trên thuyền độc mộc, cụ kể lại thời thanh niên cho René, một thanh niên Pháp sống cô đơn, khổ sở trong rừng.
Hồi đó, cụ bị một bộ lạc thù địch bắt và sắp đem đi thiêu sống. May cụ được Atala, một cô gái theo đạo Thiên Chúa của bộ lạc ấy, cắt dây trói đưa vào rừng trốn. Đi lên hướng Bắc trong một tháng, hai người gặp bão, vào ẩn trong một cái hang là nơi linh mục Aubry sống. Chactas xin linh mục nhận mình làm con chiên và làm lễ cưới cô gái Atala.
Tiếc thay trước khi chết, mẹ Atala đã dâng Atala cho Chúa. Atala yêu Chactas, thất vọng nên uống thuốc độc tự tử. Truyện Atala rất được hoan nghênh khi xuất bản, truyện có nhiều chất thơ, kịch tính, phân tích tình yêu, miêu tả phong tục, phong cảnh xa lạ.
René là truyện tiếp theo Atala. Chàng thanh niên Pháp René sống hiu quạnh trong rừng Bắc Mỹ, kể chuyện mình cho ông lão da đỏ vừa kể chuyện đời ông cho René nghe. René kể tại sao mình bị một nỗi u sầu không nguôi ngự trị tâm hồn.
Luôn luôn mơ mộng, René từ nhỏ đã có những ước mơ sôi nổi, những dục vọng không thỏa mãn được vì thế giới buồn tẻ, tính René chưa hưởng thú vui đã chán rồi. René luôn cảm thấy cô đơn. René đã từng thốt lên: “Hãy mau mau nổi lên, hỡi những giông tố ước mong, hãy cuốn René vào những không gian của cuộc sống khác!” René muốn tự tử. René đã chia sẻ với em gái Amélie nhiều năm mơ mộng, u uất như vậy.
Hai người găn bó với nhau bằng những tình cảm đi quá tình anh em. Amélie thuyết phục René đừng tự tử. Sau đó Amélie vào nhà tu kín. René bỏ sang Bắc Mỹ. Amélie chết vì lây bệnh một nữ tu sĩ mà Amélie chăm sóc.
Tác giả muốn thuyết phục là chỉ có tôn giáo mới chữa được nỗi u uất, thiên nhiên (theo thuyết của Rousseau) mang lại nguồn an ủi. Nhưng chính ông lại miêu tả “nỗi đau thời đại” hấp dẫn đến nỗi nó thành một thứ “mốt” và có ảnh hưởng nhiều đến văn học lãng mạn.
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 10] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 9] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |