📞

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 2]

Hữu Ngọc 09:00 | 31/10/2021
Chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.
Nhà viết kịch Achard Marcel.

Achard Marcel (1899-1974) là nhà viết kịch (pha lẫn âu yếm, thơ mộng, “trò hề”). Tác phẩm chính: Anh chàng Giăng trên cung trăng (1929).

Anh chàng Giăng trên cung trăng là hài kịch nhẹ nhàng, duyên dáng, có chất thơ. Jef được mệnh danh là “anh chàng Giăng trên cung trăng” vì ngờ nghệch, ít thực tế. Anh yêu tha thiết Marceline, một thiếu phụ lẳng lơ, thích những cuộc tình duyên say đắm nhưng ngắn ngủi.

Tuy biết tính Marceline như vậy, anh vẫn cứ lấy cô. Năm năm sau, Marceline quyết định bỏ Jef. Cô kể lại cho anh biết là suốt trong thời gian ấy, cô luôn có nhân tình. Nhưng đến phút cuối cùng, cô quyết định ở lại làm người vợ trung thành của anh, vì anh đã chinh phục được cô bằng mối tình trong trắng và không lay chuyển.

***

Nhà viết kịch Adamov Arthur.

Adamov Arthur (1908-1970) là nhà viết kịch “tiền phong” - “Sân khấu của sự vô lý”. Tác phẩm chính: Ping pong (1955), Paolo Paoli (1957).

Ping Pong là tác phẩm kịch hai phần, 12 cảnh, có ý nghĩa tượng trưng, nói lên con người là đồ chơi của một bộ máy kinh tế bất định. Các nhân vật gặp nhau ở một tiệm cà phê bên chiếc máy xổ số, đút đồng xu vào là có thể ăn to.

Đó là hai sinh viên Arthur và Victor cùng Xutter thích đời sống giang hồ, cô Annette đang yêu chàng Roger, một gã phong lưu nhưng không có tiền.

Tất cả mọi người đều muốn làm giàu, háo hức muốn xin một chân đại lý hay sáng chế ra loại máy mới cho Công ty Máy xổ số đút xu. Hai anh sinh viên đề đạt sáng kiến cải tiến máy, trong khi các người khác cũng loay hoay xoay xở. Họ đều thất bại tủi nhục, ngay lão già chủ công ty cũng chết một cách bẩn thỉu.

Victor đành gác giấc mộng làm tiền, học tiếp, đỗ bác sĩ và hành nghề ở các nơi để máy bỏ xu. Cảnh cuối cùng, Victor và Arthur đã già lọm khọm, chơi bóng bàn lật đật như những con rối, với sự hăng hái và gay go vô tích sự như hồi trẻ chơi máy bỏ xu. Cuộc đời thật là vô lý.

***

Alain (1868-1951) là nhà triết học. Tác phẩm chính: Đàm luận (1906-1951).

Đàm luận là hợp tuyển những bài báo ngắn (khoảng 2.700 bài) do Alain, giáo sư triết học, viết trong 45 năm. Hợp tuyển gồm nhiều cuốn, xếp theo đề tài rất đa dạng (kinh tế, văn học, chính trị, tôn giáo, hạnh phúc, đạo Kitô, giáo dục, thẩm mỹ, tình cảm, dân chủ...).

Đàm luận thành một thể loại độc đáo, tác giả xuất phát từ những sự việc xảy ra hàng ngày để có “lời bàn”. Tư tưởng là của một nhà đạo đức hướng về ứng xử xã hội hơn là của một triết gia siêu hình học. Alain có tư tưởng nhân đạo tư sản, theo lý tưởng cộng hòa, chống uy quyền độc đoán (chính trị và tôn giáo).

Ông hay lật ngược vấn đề, đề cao tự do, chủ trương nhìn sự việc một cách minh mẫn, dựa vào lý trí. Alain có ảnh hưởng đối với trí thức thiên tả. Văn trong sáng, mạch lạc, nhưng đôi khi thiếu bề sâu.

***

Apollinaire Guillaume (1880-1918) là nhà thơ báo hiệu chủ nghĩa Siêu thực (đặt phi lý tính lên trên lý tính), đi tiên phong trong thơ hiện đại. Tác phẩm chính: Rượu (1913).

Rượu là tập thơ kiệt tác của Apollinaire, đương thời được coi gần như Kinh Thánh của cả nền thơ ca hiện đại Pháp và châu Âu. Mặc dù cha là người Italy, mẹ người Ba Lan, Apollinaire đã thể hiện được truyền thống của thơ Pháp (từ ngôn ngữ kiểu cách của Ronsard, đến cái khỏe khoắn, hồn nhiên và âu yếm trong thơ dân ca của Villon; đồng thời, kết hợp được những khuynh hướng tiên phong (hướng thơ tượng trưng vào những con đường mới, báo hiệu thơ siêu thực, ủng hộ trào lưu lập thể).

Tập thơ có nhiều cách tân về hình thức và nội dung, đặc biệt bỏ dấu chấm câu. Thơ tự ngắt theo nhịp điệu và rung cảm với hơi thở của cuộc sống. Tập Rượu có nhiều bài nổi tiếng như Bên cầu Mirabeau, nói về nỗi buồn vì dòng nước, thời gian và tình yêu đều trôi đi; những Bài thơ về miền sông Ranh ở Đức; Bài ca của kẻ thất tình.