Nhà văn Gide André. |
Gide André (1869-1951) là nhà văn (tự do cá nhân tuyệt đối để phát triển cá nhân toàn vẹn).
Tác phẩm chính: Bãi lầy (Paludes, 1895, luận văn), Những món ăn trần thế (Les Nourritures Terrestres, 1897, thơ văn xuôi), Kẻ vô luân (L’Immoraliste, 1902, tiểu thuyết), Những kẻ làm bạc giả (Les Faux-Monnayeurs, 1925, tiểu thuyết), Cửa hẹp (La Porte Étroite, 1909, tiểu thuyết), Bản giao hưởng đồng quê (La Symphonie Pastorale, 1919, tiểu thuyết), Nảy mầm (Si le Grain ne Meurt, 1919, tự truyện), Chuyến đi Congo (Voyage au Congo, 1927, du ký), Từ Liên Xô về (Retour de L’URSS, 1936, luận văn).
Những món ăn trần thế là tác phẩm thơ trữ tình văn xuôi, được coi là cuốn sách gối đầu của nhiều thế hệ thanh niên trí thức tư sản Pháp trong gần nửa thế kỷ, mãi đến trước Thế chiến II.
Xuất phát từ ý muốn tự giải phóng khỏi xiềng xích xã hội, luân lý, và cấm đoán nghiệt ngã tình dục của tôn giáo, gia đình, Gide đòi hỏi tự do cá nhân tuyệt đối để phát triển toàn vẹn tính cách, tận hưởng thú vui trần thế trong khi tự lột bỏ tất cả những cái đã có. Gide bị chớm ho lao.
Đi Bắc Phi về, Gide khỏi, ngán sách vở, ca ngợi thể xác, bản năng. Gide trình bày tư tưởng của mình qua lời của tôn sư Ménalque nói với đồ đệ là Nathanael. Thầy phát hiện cho trò biết thế nào là cuộc sống thực qua những thể nghiệm với trần thế và những thú vui của nó.
Ông ca ngợi sự đam mê thèm muốn, sự chờ đợi ngây ngất, cái hấp dẫn của xê dịch, cái đẹp của hoa, vị ngọt của quả. Gide gợi lên những phát hiện của mình ở châu Phi.
Ménalque khuyên Nathanael nên lên đường mà khám phá ra thế giới và bản thân mình, tự lấy mình làm chuẩn, cuối cùng hãy quên cả lời thầy bảo: “Nathanael hỡi, giờ thì con hãy vứt sách của thày đi. Con hãy tự giải phóng khỏi nó đi!” Câu này ứng với câu mở đầu sách: “Cuốn sách này dạy cho con chú ý đến con hơn là đến nó, rồi chú ý đến tất cả những cái khác hơn con”.
Kẻ vô luân là cuốn tiểu thuyết có dáng dấp tự truyện, cùng một nguồn cảm hứng với Những món ăn trần thế, Gide phân tích sự giải thoát của một nhà trí thức “sách vở” khỏi những xiềng xích của luân lý và tôn giáo, ca ngợi tự do cá nhân tuyệt đối, mạch sống trần thế; đồng thời, Gide cũng miêu tả những băn khoăn của lương tâm, tinh thần trách nhiệm khi trở thành vô luân.
Ménalque, vị tôn sư dạy đồ đệ trong Những món ăn trần thế là “người mẫu”. Chủ trương tự do tuyệt đối để lúc nào cũng không bị ràng buộc và sẵn sàng làm theo ý thích (disponible), Ménalque sống độc thân. Câu chuyện do nhân vật chính là Michel, một học giả trẻ, kể cho bốn người tri kỷ, một đêm ở sát sa mạc châu Phi.
Sau khi cưới Marceline. Michel cùng vợ đi chơi Bắc Phi. Anh khạc ra máu và ốm. Chị tận tâm chăm sóc anh. Anh khỏi và tâm hồn thay đổi hẳn. Anh không còn là “con người ốm yếu và siêng năng, chấp nhận luân lý ngày trước, cứng nhắc và cấm đoán”.
Tiếp tục chuyến đi, tuy là nhà sử học, anh không để ý đến các đền đài cũ, mà chỉ thiết tha đến hơi thở hừng hực của cuộc sống. Về Paris, anh chịu ảnh hưởng của Marceline và chạy theo thú vui xác thịt, không còn cảm giác tội lỗi nữa.
Người vợ trẻ của anh ốm, anh không trông nom vợ cẩn thận, lại kéo chị đi du lịch Algérie. Trong khi chị hấp hối trong phòng, anh vẫn đi tìm thú vui. Chị chết trong vòng tay anh khi tảng sáng anh trở về. Trước khi chết, chị bỏ rơi chiếc thập ác. Rất có thể, trong tiềm thức, anh mong chị chết đi để được tự do tuyệt đối.
Những kẻ làm bạc giả là tác phẩm hay nhất mà Gide gọi là “tiểu thuyết”, nhưng thực tế lại làm đảo lộn tất cả quan niệm về tiểu thuyết cổ điển (kiểu Balzac) và mở đường cho quan niệm hiện đại về tiểu thuyết.
Gide thể hiện một kỹ thuật tiểu thuyết độc đáo: không phải chỉ có một cốt truyện, mà nhiều cốt truyện đan nhau, có thể coi là không có cốt truyện cũng được; không phải chỉ có một số nhân vật có liên quan với nhau, mà rất nhiều nhân vật, có nhân vật chỉ thoáng qua; sự việc không nhất thiết được dẫn dắt bằng logic nhân quả, mà có rất nhiều ngẫu nhiên, cho nên người đọc có cảm giác là khi đọc xong, cuốn sách cũng như cuộc đời vẫn chưa hết mà cứ tiếp diễn, không phải chỉ có một mà rất nhiều quan điểm và tư tưởng. Tác phẩm đề cập nhiều đề tài cùng một lúc.
Một đề tài chủ yếu là: tác phẩm là một cuốn tiểu thuyết về sự hình thành của một cuốn tiểu thuyết. Nhà văn Edouard viết nhật ký về sự thai nghén cuốn tiểu thuyết của ông đang viết cũng lấy tên là Những kẻ làm bạc giả; vấn đề trung tâm là: người sáng tác xử lý tư liệu hiện thực như thế nào?
Một nhân vật trong Những kẻ làm bạc giả là nhà văn, anh ta suy nghĩ đưa một nhân vật cũng là nhà văn vào trong tác phẩm của mình đang sáng tác... Gide sử dụng một phương pháp bố cục của hội họa cổ, gọi là Composition an abyme, bố cục bức tranh trong đó lặp đi lặp lại mãi một mô-típ, cái nọ lồng vào cái kia và mỗi lần một nhỏ đi.
Sách lấy tên là Những kẻ làm bạc giả là vì trong có kể một vụ làm bạc giả; ngoài ra, còn có nghĩa biểu tượng: phê phán những kẻ giả mạo về mặt xã hội, mỹ học, đạo đức. Một nhân vật chính nữa của tiểu thuyết là Bernard, rất ghét bọn giả mạo.
Anh khám phá ra mình là con hoang nên bỏ nhà ra đi khám phá cuộc đời. Anh kết bạn với Olivier. Olivier theo một đạo lý vô luân, đã từng luyến ái đồng giới với bác là Edouard mà Bernard đã làm quen. Sau nhiều chuyến phiêu lưu, Bernard trở về nhà.
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 21] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 20] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |